Căng thẳng Pháp - Ukraine từ câu nói 'không được làm bẽ mặt Nga' của ông Macron
Tổng thống Ukraine Zelensky là người mới nhất tham gia làn sóng chỉ trích Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vì phát ngôn “không được làm bẽ mặt Nga”.
Trong phát biểu trước truyền thông Pháp ngày 4-6, ông Macron nhấn mạnh rằng Pháp có vai trò như một "cường quốc trung gian". " Chúng ta không được làm bẽ mặt Nga, để khi chiến sự ngừng lại, chúng ta có thể xây dựng lối thoát thông qua các biện pháp ngoại giao" - tổng thống Pháp nhấn mạnh.
Ông Macron có niềm tin rằng nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin cần được trao một lối thoát ra khỏi cái mà ông gọi là "sai lầm lịch sử" khi tấn công Ukraine .
Bình luận của ông Macron làm dấy lên căng thẳng mới với Kiev trong bối cảnh Tổng thống Zelensky hoài nghi về việc ông Macron cố gắng thuyết phục ông Putin chấm dứt cuộc chiến.
Tổng thống Macron thực hiện hàng chục cuộc gọi cho Tổng thống Putin kể từ đầu năm. "Tôi tin Pháp có vai trò là một cường quốc trung gian", ông Macron nói, đồng thời kêu gọi Nga cần được "đặt đúng vị trí" để mang lại hòa bình.
Theo Hãng tin AFP, có lo ngại Pháp và Đức muốn Ukraine nhượng lại lãnh thổ để chấm dứt giao tranh - mặc dù không có tuyên bố công khai nào từ Paris hoặc Berlin ủng hộ lập luận này.
Ông Macron muốn Pháp duy trì quan hệ ngoại giao gần gũi với Nga và đã nhiều lần cảnh báo về nguy cơ xảy ra một cuộc xung đột rộng lớn hơn liên quan đến phương Tây.
Ngày 7-6, Tổng thống Ukraine Zelensky đã chỉ trích ông Macron gay gắt. "Để trở thành lãnh đạo, bạn không cần phải coi mình là lãnh đạo, mà hãy cư xử như một lãnh đạo" - ông Zelensky nói.
"Chúng tôi sẽ không làm bẽ mặt bất cứ ai. Chúng tôi sẽ đáp trả tương xứng", Tổng thống Ukraine tuyên bố.
Phát biểu của ông Macron làm dấy lên sự phẫn nộ tại Ukraine. Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba nói chính việc Nga tấn công Ukraine mà thế giới không can thiệp đủ chính là Tổng thống Nga Putin đang làm bẽ mặt thế giới.
"Tổng thống Pháp vẫn đang tìm mọi cách để cứu ông Putin khỏi sự bẽ mặt", ông Marko Mihkelson, người đứng đầu Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Estonia, viết trên Facebook.
"Ông Putin sẽ chỉ đàm phán khi quân đội của ông ấy không thể tiếp tục hành quân về phía trước, dù có bị bẽ mặt hay không. Ông Macron nên tập trung vào điều đó", ông Michael McFaul, cựu đại sứ Mỹ tại Matxcơva - hiện là giáo sư Đại học Stanford - nhận định.
John Chipman, người đứng đầu Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (trụ sở tại London), cho biết việc giữ thể diện là mục tiêu ngoại giao yếu ớt. "Ông Putin có thể tự chịu trách nhiệm về thể diện của ông ấy", ông Chipman nói.
Truyền thông Pháp nói gì?
Báo chí Pháp cũng có phần bất bình với ông Macron. Nhật báo Libération gọi phát biểu của ông Macron là "sửng sốt khi nhìn vào cảnh tan hoang ở Ukraine".
Libération nói không có "sai lầm chiến lược" nào như cách ông Macron miêu tả về hành động của ông Putin, mà chỉ có phá hủy, có người thiệt mạng mà thôi.
Tạp chí L’express dẫn lời Michel Duclos - cố vấn đặc biệt về địa chính trị tại Viện tư vấn chính sách công Montaigne - cho biết ông Macron dường như không đo lường được mức độ thiệt hại của cuộc chiến với các nước Trung và Đông Âu, hay sự thù địch không thể cứu vãn đối với ông Putin.
Để không bị bẽ mặt, Nga sẽ không bị đánh bại, thậm chí là phải chiến thắng. Vì vậy, khi ông Macron nói "không làm bẽ mặt Nga", có nghĩa là "không đánh bại Nga", chuyên gia Duclos nhận định.
Ngày 7-6, Hãng tin TASS đưa tin hơn 1.000 binh sĩ Ukraine đầu hàng tại thành phố Mariupol đã được chuyển giao về Nga để điều tra, trong khi phía Ukraine cho biết họ đã nhận lại 210 thi thể binh sĩ từ Nga.