Căng thẳng Nato-Nga làm Biển Đen và Baltic nóng lên?

Chia sẻ Facebook
18/03/2023 00:25:08

Hai vụ 'va chạm' và chặn phi cơ ở Biển Đen và Biển Baltic làm căng thẳng Nato với Nga tăng lên một mức.

Nguồn hình ảnh, Bộ Quốc phòng Anh

Chụp lại hình ảnh, Chiến đấu cơ Typhoon - hình minh họa

16 tháng 3 2023

Cùng ngày thiết bị bay drone của Mỹ rớt xuống Biển Đen vì 'suýt va chạm' với phi cơ quân sự Nga, một phi đội chiến đấu cơ của Anh và Đức đã phải cất cánh lên chặn máy bay của không quân Nga gần không phận Estonia.

Trong sự việc hôm 14/03, hai chiếc Typhoon của Không quân Hoàng gia Anh (RAF) và phi đoàn Richhofen 71, không quân Đức đã chặn một chiếc Il-78 Midas đang tiếp dầu ở vùng trời giữa St Petersburg và Kaliningrad.

Ngay sau đó, hai chiến đấu cơ của Nato lại đuổi theo một chiếc An-148 của Nga bay qua không phận Estonia, quốc gia 1,3 triệu dân thuộc cánh phía Đông của Nato.

Hai vụ việc liên tiếp xảy ra chỉ trong một ngày ở hai vùng biển chiến lược với Nato ở châu Âu được cho là khiến căng thẳng Nga-Nato gia tăng.

Không lâu trước đó, tại California, Úc, Anh và Hoa Kỳ tuyên bố hoàn tất các ký kết về hiệp ước quân sự Aukus cho phép Úc, quốc gia Thái Bình Dương sở hữu tàu ngầm nguyên tử với công nghệ của hai đồng minh kia, điều mà Trung Quốc phản đối.


Va chạm hay không?

Sáng 14/03, Hoa Kỳ nói một drone Mq-9 Reaper của họ "va chạm" vào phi cơ Nga do phía Nga "cố ý" khiến thiết bị bay của Mỹ rớt xuống Biển Đen.


Nga nói không hề có vụ va chạm mà chỉ có chuyện drone của Mỹ "mất lái gần Crimea và lao xuống biển" ( went into “unguided flight” and then fell into the water) .

Hoa Kỳ cho hay phi cơ Nga đã dội dầu vào chiếc drone của họ.

Dù Hoa Kỳ và Nato nói chuyến bay của chiếc drone nói trên được thực hiện trên không phận quốc tế, giới bình luận quốc tế tin rằng bầu trời trên Biển Đen từ lâu nay đã trở thành nơi do thám lẫn nhau giữa Nga và Nato.

MQ-9 Reaper là loại phi cơ không người lái, có sải cánh 20 mét, và được trang bị hiện đại nhằm thực hiện các phi vụ trinh sát, do thám và có năng lực tác xạ bằng hỏa tiễn Hellfire khi cần.

Không có người lái trên drone nhưng thực tế, MQ-9 Reaper có phi công điều khiển từ xa và phòng kiểm soát có thể bắn các mục tiêu bằng hệ thống súng gắn laser chính xác.

Estonia

Chụp lại hình ảnh, Nato đã tăng cường quân ở Estonia

Dù dư luận đang tập trung vào trận Bakhmut, tình hình tại Biển Đen vẫn đang nóng lên.

Bộ tư lệnh phía Nam của Ukraine vừa thông báo Nga đã dùng một số phi cơ ném bom chiến thuật Su-24 bắn bốn tên lửa vào bờ biển gần thành phố cảng Odesa. Phía Ukraine tin rằng đây có thể là loại tên lửa Kh-31P nhắm vào hệ thống phòng không của Ukraine.

Còn tại vùng Baltic, lo ngại của các đồng minh Nato cánh phía Đông và vùng Bắc Âu tiếp tục lên cao.

Ba Lan, nước có biên giới với Nga ở đặc khu -căn cứ quân sự Kaliningrad tuyên bố sẽ gửi cho Ukraine MiG-29 trong vòng bốn đến sáu tuần nữa, các báo Ba Lan hôm 15/03 trích thủ tướng Mateusz Morawiecki cho hay.

Các báo Ba Lan nhắc lại quan điểm giới quân sự nước này chia sẻ với phương Tây từ lâu nay rằng thành phố Kalingrad bên bờ Baltic, nằm giữa Ba Lan và Lithuania “đang được trang bị tận răng”, và có thể là bàn đạp cho Nga đánh sang vùng Baltic một khi Ukraine “thất thủ”.

Hồi tháng 11/2022, trang Politico đánh giá rằng vùng xung quanh Kaliningrad, nơi Nga đặt Hạm đội Baltic và vũ khí nguyên tử, cùng Hành lang Suwalki, là “nơi nguy hiểm nhất Trái Đất”, hàm ý nguy cơ bùng nổ chiến tranh Nga-Nato là rất cao.


Hôm đầu tuần, các báo châu Âu đưa tin vua Na Uy đã tới thăm một căn cứ quân sự của nước này ở Kirkenes ngày 13/03 để động viên tinh thần quân sĩ.

Lần đầu từ năm 1969, vua Harald V (86 tuổi) trở lại thăm doanh trại Sør-Varanger và khen ngợi các binh lính, sĩ quan bảo vệ đường biên giới 198 km giữa Na Uy và Nga.

Ngài nói “đây là thời điểm cảnh giác cao độ” với Na Uy và khen ngợi nhiệm vụ “bảo vệ biên giới, bảo vệ tự do” của binh sĩ.

Phần Lan thì đã chuẩn thuận việc xây hàng rào an ninh ở nhiều đoạn đường biên với Liên bang Nga.


Theo một đánh giá của Courtney Stiles Herdt và Matthew Zublic trên trang CSIS tháng 11/2022, Nato phải sẵn sàng đối phó với các đe dọa đa dạng (hybrid threats) từ phía Nga ở vùng Baltic: trên không, trên biển, chiến tranh mạng, thông tin sai lệch, sức ép kinh tế.

Các tác giả này cho rằng Nga có thể tạo ra các vấn đề an ninh, quốc phòng ở vùng Baltic để đánh lạc hướng Nato trong cuộc chiến ở Ukraine. Vì đây là một vùng biển hẹp, việc tổ chức các trận hải chiến lớn là gần như không có, nhưng chiến tranh hạn chế bằng tàu ngầm, bằng hỏa tiễn thì luôn có thể xảy ra.

Ngoài ra, các vùng xám (grey zones) cho Nga hoạt động luôn có thể mở rộng và Nato cần tăng cường độ, cải thiện hoạt động tuần tra, giám sát (Baltic Air Policing) và chống ngầm, hai nhà nghiên cứu này nêu kiến nghị.

Điều khiến Nga có thể không dám triển khai quân sự quá mạnh ở cả Baltic và Biển Đen là lý do kinh tế: 40% dầu khí xuất khẩu từ Nga sang châu Âu phải đi qua biển Baltic và các tuyến xuất khẩu ngũ cốc, nhập khẩu hàng hóa cho vùng Nam nước Nga phải đi qua Biển Đen.

Thời điểm xảy ra các vụ va chạm trên không này là lúc Nato tập trận lớn tại châu Âu. Tháng 3 năm nay, 20 nghìn quân Nato, cùng quân đội Phần Lan và Thụy Điển (chưa vào Nato) tập trận để bảo vệ Na Uy ở vùng Bắc Âu.


Tại Địa Trung Hải, chín quốc gia Nato diễn tập chống tàu ngầm trong cuộc tập trận "Dynamic Manta". Ngoài cuộc tập trận "Orion 23” do Pháp tổ chức còn có tập trận “Griffin Lightning” bảo vệ Lithuanian của quân Đức. Hoa Kỳ cử pháo đài bay B-52 sang châu Âu hỗ trợ diễn tập của các đồng minh, theo thông báo chính thức của khối quân sự Bắc Đại Tây Dương hôm 13/03.

Từ lâu nay Nga phản đối việc mở rộng Nato sang phía Đông.

Biển Đen

Chụp lại hình ảnh, Biển Đen


Làm sao tránh đối đầu?

Trước mắt, vụ drone của Mỹ rớt xuống Biển Đen đặt Hoa Kỳ vào một tình thế không dễ và nguy cơ xung đột leo thang rất cao, theo Paul Adams, biên tập viên ngoại giao của BBC News.

Các tin trên mạng xã hội gợi ý hải quân Nga đang tìm cách trục vớt chiếc drone trị giá nhiều triệu USD.

Nhưng Hoa Kỳ sẽ "không hài lòng nếu công nghệ do thám nhạy cảm như thế rơi vào tay Nga", ông Adams viết.

Với chính quyền Joe Biden, vốn cam kết ủng hộ Ukraine "tới cùng", đây là thời điểm rất tế nhị.

Hoa Kỳ không chỉ giúp Ukraine về vũ khí mà giúp cả bằng thông tin tình báo "real time" - từng lúc, giúp xác định cả mọi cuộc bắn phá bằng hỏa tiễn từ Nga nhằm vào Ukraine.

"Washington muốn tiếp tục các hoạt động này nhưng lo lắng về việc làm sao không phải dùng vũ lực vốn có nguy cơ kéo Hoa Kỳ vào một cuộc đối đầu trực diện với Moscow."

Baltic

Chụp lại hình ảnh, Biển Baltic

Chia sẻ Facebook