Căng thẳng Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ leo thang có thể gây rạn nứt trong liên minh quân sự NATO
Căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ, liên quan đến thương vụ cung cấp các chiến đấu cơ, không chỉ làm tổn hại quan hệ song phương, mà còn có thể gây rạn nứt trong nội bộ NATO, khi Ukraine đang rất mong chờ sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan vẫn để ngỏ khả năng mua chiến đấu cơ của Nga.
Căng thẳng diễn ra từ năm 2019, khi Mỹ thông báo ngừng bán các tiêm kích tàng hình F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ vì đồng minh này mua tên lửa phòng không S-400 của Nga.
Thổ Nhĩ Kỳ sau đó ngỏ ý muốn mua hàng chục chiến đấu cơ F-16 nhưng đến nay Mỹ lại hoãn vô thời hạn việc xem xét hợp đồng. Các nghị sĩ Mỹ muốn Thổ Nhĩ Kỳ phê duyệt để Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO.
Nhưng theo báo Mỹ Newsweek, ngay cả khi vấn đề này được giải quyết, căng thẳng vẫn chưa chấm dứt. Cagri Erhan, thành viên Hội đồng Chính sách Đối ngoại và An ninh của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, nói trên tờ Newsweek rằng, "những chiếc F-16 không thể hoàn toàn thay thế các tiêm kích F-35".
Ông Erhan nêu sự mâu thuẫn khi Quốc hội Mỹ gần đây "bật đèn xanh" để Mỹ bán các tiêm kích F-35 cho Hy Lạp - quốc gia láng giềng hiện đang có căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ,
"Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ chỉ được mua F-16, còn Hy Lạp lại được mua F-35?", ông Erhan nói, nhấn mạnh việc Ankara đã chi khoảng 2 tỉ USD cho chương trình chế tạo tiêm kích F-35 nhưng cuối cùng lại bị Mỹ gạt ra.
Ông Erhan cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ có thể quay sang mua các tiêm kích của Nga, Trung Quốc hoặc châu Âu.
Về việc 29 thượng nghị sĩ Mỹ gửi thư tới Tổng thống Joe Biden, phản đối thương vụ bán chiến đấu cơ F-16 cho Thổ Nhĩ Kỳ, ông Erhan nói rằng, "nhóm các nghị sĩ có tư tưởng gay gắt với Thổ Nhĩ Kỳ đang chiếm ưu thế trong Quốc hội Mỹ và điều này không đem lại lợi ích cho liên minh quân sự NATO".
Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia sở hữu vị trí địa lý chiến lược nối liền hai châu lục Á - Âu, nằm giữa các vùng biển lớn nên nước này luôn đóng vai trò cầu nối, trung tâm trung chuyển của các luồng giao thương hàng hóa, dịch vụ, du lịch của cả khu vực Ðông Âu, Nam Âu, Tây Á và kết nối qua Ðịa Trung Hải để gắn kết trực tiếp với các quốc gia Bắc Phi.
Việc Thổ Nhĩ Kỳ ngỏ ý mua chiến đấu cơ F-16 chỉ là giải pháp tạm thời. Về lâu dài, Ankara vẫn muốn sở hữu các tiêm kích tàng hình F-35.
Giới chức Mỹ thừa nhận rằng, "Washington và Ankara có mối quan hệ quốc phòng an ninh lâu dài và sâu sắc, khả năng tương tác liên tục của Thổ Nhĩ Kỳ trong liên minh NATO vẫn là ưu tiên chiến lược của Mỹ".
Trong khi đó, Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ ở Washington D.C nói nước nàyđóng góp vai trò không nhỏ giúp đảm bảo an ninh của NATO ở khu vực phía nam. Do đó, việc cung cấp các chiến đấu cơ, giúp Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại hóa quân đội cũng đem lại lợi ích cho NATO và Mỹ.
Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ cho biết: “Chúng tôi mong Quốc hội Mỹ nhìn xa hơn thay vì những mục tiêu chính trị ngắn hạn và không đặt điều kiện đối với việc bán thiết bị quân sự cho Thổ Nhĩ Kỳ".
Trong trường hợp Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn không thể tháo bỏ vướng mắc, chuyên gia Kerim Has ở Moscow, nói Nga có thể tận dụng cơ hội để lôi kéo đồng minh của Mỹ.
Nga đã tận dụng căng thẳng Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ trong những năm qua để tìm kiếm cơ hội hợp tác trên nhiều lĩnh vực, từ vấn đề Syria cho đến hợp tác thúc đẩy giao thương, kinh tế, giao lưu văn hóa, du lịch.
Ông Kerim Has nói Thổ Nhĩ Kỳ có thể lựa chọn chiến đấu cơ Su-35 của Nga. Moscow gần đây đã thông báo bán các chiến đấu cơ loại này cho Iran, quốc gia láng giềng của Thổ Nhĩ Kỳ.
Nhưng giải pháp khả dĩ nhất là Thổ Nhĩ Kỳ đạt thỏa thuận với một đồng minh NATO, ví dụ như mua các chiến đấu cơ Eurofighter Typhoon do liên doanh Anh, Đức, Italia và Tây Ban Nha sản xuất.
Báo Mỹ kết luận, sự ổn định trong nội bộ liên minh quân sự NATO, tránh chia bè phái dẫn tới rạn nứt sâu sắc là điều mà Mỹ hướng tới. Để làm điều này, Mỹ cần xoa dịu Thổ Nhĩ Kỳ, tìm ra giải pháp phù hợp nhất trong thương vụ cung cấp chiến đấu cơ F-16 và xa hơn là tiêm kích tàng hình F-35.
Đăng Nguyễn - Newsweek