Càng nhiều nông dân tham gia vào HTX, càng nhiều hộ được hưởng lợi
Đại diện Bộ NN&PTNT nhấn mạnh, HTX là công cụ phát triển nông nghiệp bền vững, tập hợp nông dân để tham gia vào thị trường, không cạnh tranh với nhau.
Sáng 24/11, Diễn đàn “Phát triển mô hình kinh tế hợp tác xã, thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững” đã được tổ chức nhằm lắng nghe tiếng nói của các doanh nghiệp, HTX thể hiện tâm tư nguyện vọng, đề xuất phát triển mô hình kinh tế tập thể, HTX theo hướng bền vững.
Tập hợp nông dân để tham gia thị trường
Phát biểu tại sự kiện, ông Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho biết, nông nghiệp tuần hoàn là một chu trình sản xuất khép kín, các chất thải được quay trở lại, trở thành nguyên liệu cho sản xuất, từ đó giảm mọi tác động tiêu cực đến môi trường, bảo vệ hệ sinh thái và sức khỏe con người.
Từ những tiềm năng trên, ông Thịnh thông tin, Bộ NN&PTNT đang triển khai nhiều mô hình hỗ trợ phát triển HTX bền vững.
Cụ thể, Bộ NN&PTNT tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị quyết về phát triển HTX nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, với mục tiêu “Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HTX nông nghiệp theo định hướng phát triển bền vững.
Đáng chú ý, Bộ NN&PTNT hỗ trợ hoạt động chuyển đổi số cho các HTX nông nghiệp, như tập huấn nâng cao nhận thức cho trên 1.400 cán bộ quản lý và thành viên HTX nông nghiệp ứng dụng phần mềm nhật ký sản xuất FaceFarm; Triển khai sàn giao dịch điện tử tiêu thụ sản phẩm cho HTX (thị trường xuất khẩu) sử dụng công nghệ blockchain (giúp dữ liệu không thể thay đổi, minh bạch quy trình, thông tin của sản phẩm); Xây dựng và quản lý thông tin, dữ liệu vùng nguyên liệu (Xây dựng và áp dụng phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu vùng nguyên liệu (cây ăn quả, gỗ rừng trồng, cà phê, trái cây, lúa gạo)…
Cục trưởng Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển nông thôn nhấn mạnh: “Quan điểm của Bộ NN&PTNT là quan tâm bao nhiêu nông dân trong khu vực HTX, càng nhiều nông dân tham gia vào HTX thì càng nhiều hộ được hưởng lợi từ các chương trình hỗ trợ, trong đó có chiến lược phát triển bền vững”.
“Nếu bình thường, HTX sinh ra là sửa đổi khiếm khuyết của thị trường, nhưng ở châu Á cứ 30-40 năm lại có một thế hệ HTX. HTX là công cụ phát triển nông nghiệp bền vững, khắc phục được công nghệ, vốn, thị trường…”, ông Thịnh nói. Đồng thời khẳng định, HTX tập hợp nông dân lại để tham gia vào thị trường, chứ nông dân không cạnh tranh với nhau.
Khó khăn trong thay đổi nhận thức
Đại diện ý kiến HTX, bà Nguyễn Thị Bình - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX nông nghiệp Bản Dao (Hòa Bình) chia sẻ, HTX được thành lập với mục đích phát triển mô hình kinh tế bền vững, tạo việc làm, bao tiêu sản phẩm làm ra cho người lao động. HTX còn tham gia triển khai nghiên cứu, bảo tồn cây dược liệu, cây gỗ quý hiếm.
Tuy vậy, bà Bình chia sẻ khó khăn lớn nhất đối với các HTX hiện tại đó là công nghệ số, đưa sản phẩm lên sàn thương mại gặp phải khó khăn. Với người nông dân thì việc cập nhật thông tin này hơi chậm, nghèo về kiến thức. Từ đó, Chủ tịch HTX Bản Dao cũng bày tỏ mong muốn được vay vốn ưu đãi, với thời gian dài hơn để vững bước trên con đường phát triển bền vững.
Chia sẻ tại sự kiện, ông Hoàng Văn Thám - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc HTX rau quả sạch Chúc Sơn (Hà Nội) cho biết, HTX hướng đến nền sản xuất xanh. Tuy nhiên, hiện nay, HTX gặp khó khăn là thay đổi nhận thức cho người nông dân, nhưng khó khăn lớn hơn đó là thay đổi nhận thức cho đội quản lý.
“Để người nông dân tiếp cận chính sách và thay đổi nhận thức sản xuất xanh, sạch như thế nào cần quá trình. Hiện, HTX đang hợp tác với các tổ chức quốc tế như JICA để tạo môi trường xử lý phụ phẩm công nghiệp cũng như tạo mô hình công nghệ sinh thái. Tuy nhiên, dù đã diễn ra nhiều cuộc trao đổi, tập huấn nhưng hiệu quả chưa được cải thiện”, ông Thám nói.
Bên cạnh đó, ông Thám cũng chia sẻ những khó khăn của HTX trong vấn đề nguồn nhân lực, nhất là khi mời các bạn trẻ về làm.
Đồng thời, ông Thám cho biết, thu hút nhân lực trình độ phổ thông cũng không dễ dàng. Hiện, HTX có 30 công nhân nhưng vẫn thiếu nên có thời điểm công nhân phải làm đến 12-14 tiếng/ngày để đủ sản phẩm cung cấp cho thị trường.
Từ những khó khăn trên, ông Thám kiến nghị Liên minh HTX Việt Nam tạo cuộc vận động sâu rộng nhằm thay đổi nhận thức cho khu vực HTX về phát triển nông nghiệp bền vững, tăng trưởng xanh. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có chính sách thực chất hỗ trợ cho các HTX.
Ông Thám thẳng thắn chỉ ra rằng: “Thực tế, Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho các HTX, nhưng xuống địa phương và HTX với nông dân đã “rơi rớt”. Ngoài ra, cần có cơ chế phát triển nguồn nhân lực cho các HTX, nếu thiếu nguồn nhân lực thì HTX sẽ không phát triển được, nguồn nhân lực quyết định sự thành bại đi lên của HTX .