Càng khám phá càng phát hiện trữ lượng khủng, ai là người hưởng lợi nhất tại quốc gia 'không có gì ngoài dầu'?
Nhiều tỷ thùng dầu tại Guyana đang chờ được Exxon và các đối tác của mình khai thác khi công ty này nắm giữ một lượng cổ phần lớn tại các liên doanh thăm dò, khai thác dầu tại đây.
Quốc gia nhỏ bé và nghèo khó tại Nam Mỹ Guyana đang nổi lên như là một trong những nhà sản xuất dầu hàng đầu của lục địa và sẵn sàng trở thành nhà xuất khẩu năng lượng lớn nhất thế giới.
Kể từ 2015, làn sóng thăm dò do Exxon Mobil dẫn đầu đã phát hiện một loạt các mỏ dầu chất lượng cao ở ngoài khơi Guyana, nổi bật nhất là lô Stabroek rộng 6,6 triệu mẫu Anh. Ước tính, những tập đoàn này đã phát hiện ra lượng dầu với trữ lượng khoảng gần 11 tỷ thùng. Con số này chắc chắn chưa dừng lại.
Exxon, đơn vị nắm giữ 45% cổ phần của liên minh thăm dò này (Hess nắm 30% và CNOOC nắm 25% còn lại) đang phát triển lô Stabroek với tốc độ cực nhanh.
Mỏ dầu Liza, nằm ở phí đông nam của Lô này hiện đang bơm khoảng 360.000 thùng dầu thô mỗi ngày. Dầu được bơm ra từ mỏ Liza nhẹ và ngọt, có hàm lượng lưu huỳnh 0,58%. Điều đó giúp cho việc chiết xuất cũng như tinh chế trở nên dễ dàng và rẻ hơn.
Dầu thô từ mỏ Liza rẻ hơn, dễ sản xuất hơn, khi tinh chế tạo ra chất lượng cao hơn, tạo ra ít khí thải carbon hơn so với các loại dầu nặng, đặc biệt là dầu được sản xuất từ nước láng giềng Venezuela.
Do đó, dầu được phát hiện ngoài khơi Guyana đặc biệt hấp dẫn với các công ty năng lượng toàn cầu, vốn đang chịu áp lực đáng kể về việc khử carbon trong quá trình hoạt động.
Chi phí sản xuất loại dầu này được cho chỉ ở mức 35 USD/thùng, biến quốc gia nghèo khó này trở thành một trong những khu vực có chi phí sản xuất dầu thấp nhất Mỹ Latin.
Những yếu tố này đã biến Guyana thành nơi mà người trong ngành gọi là “vựa dầu mỏ thú vị nhất thế giới”. Lập tức, Guyana đang thu hút dòng vốn đầu tư rất lớn từ các công ty năng lượng nước ngoài.
Vào tháng 11/2020, thời điểm dầu Brent được bán với giá khoảng 45 USD/thùng, Exxon tuyên bố họ dành sự ưu tiên cho Guyana, bên cạnh khu lưu vực Permian và Brazil. Việc khai thác tại Lô Stabroek đóng vai trò quan trọng trong kế hoạch giảm phát thải carbon của công ty sau khi nhận những chỉ trích nặng nè vì phớt lờ các nguy cơ của biến đổi khí hậu.
Năm 2021, Exxon thông báo dự định giảm lượng khí thải nhà kính từ các hoạt động thượng nguồn từ 40-50% vào năm 2030.
Đây là lý do quan trọng để Exxon thúc đẩy việc phát triển lô Stabroek và các hoạt động thăm dò ở các lô khác mà họ nắm giữ cổ phần ngoài khơi Guyana. Trong năm 2021, gã khổng lồ này công bố sẽ chi 20 đến 25 tỷ USD đầu tư cho hoạt động khai thác trong giai đoạn từ năm 2022 đến 2027 với 60% khoản đầu tư đó hướng đến Guyana, Brazil, Permi cũng như hoạt động sản xuất LNG và hoá chất.
Exxon đang thúc tiến cùng lúc 2 dự án khai thác tại lô Stabroek. Khi hoàn thành, nơi đây có thể tung ra thị trường ít nhất 810.000 thùng dầu/ngày vào cuối năm 2025, thậm chí nhiều hơn.
Các nhà phân tích ước tính Guyana sẽ bơm ít nhất một triệu thùng dầu thô mỗi ngày vào năm 2027. Một số người tin rằng con số này có thể đạt 1,2 triệu thùng. Khi đó, Guyana sẽ vượt Colombia để trở thành nhà sản xuất dầu lớn thứ 3 ở Mỹ Latin và Caribe.
Những khám phá gần đây trong khu vực, cùng với ước tính về tiềm năng của chúng cho thấy tổng tài nguyên dầu có thể khai thác được ở ngoài khơi Guyana có thể lên đến 18 tỷ thùng dầu, cao hơn nhiều so với mức ước tính 13,6 tỷ thùng mà Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ đưa ra năm 2012.
Tài nguyên dầu mỏ của Guyana chắc chắn sẽ tăng lên khi có những khám phá sâu hơn. Tháng 6/2022, Exxon đã tiến hành khoan giếng Banjo trong Lô Stabroek và cho đến đầu tháng 9/2022, hoạt động khoan vẫn đang tiếp tục. Gã khổng lồ ngành năng lượng này cũng bắt đầu khoan giếng Sailfin-1 thuộc lô Stabroek vào tháng 9/2022, biến nó thành giếng thứ 9 được khoan tại Guyana trong năm nay. Các giếng khoan tiếp theo cũng đang được lên kế hoạch khai thác khi Exxon đặt cược rất lớn vào quốc gia này.
Những hoạt động khoan và thăm dò mới này cho thấy Guyana không chỉ có tiềm năng trở thành nhà xuất khẩu dầu lớn mà năng lực tích luỹ trữ lượng dầu cũng rất đáng nể.
Đã có những suy đoán cho rằng dựa trên tốc độ khoan thành công hiện tại, trữ lượng dầu của Guyana sẽ sớm vượt qua Brazil – nước đang sở hữu trữ lượng dầu lớn thứ 2 ở Mỹ latin và Caribe sau Venezuela.
Trong bối cảnh thị trường dầu bất ổn cùng giá bán vẫn xấp xỉ mức hơn 90 USD/thùng như hiện nay, Guyana đang là “mỏ vàng” cho Exxon và các đối tác khai thác để thu về những khoản lợi nhuận khổng lồ.