Cẩn trọng với những biến chứng nguy hiểm của sỏi đường tiết niệu

Chia sẻ Facebook
14/07/2022 00:51:44

Nam bệnh nhân 55 tuổi, phải cắt bỏ thận trái do sỏi niệu quản biến chứng nghiêm trọng gây thận ứ nước căng và chảy máu, chủ mô thận giãn mỏng mất chức năng.

Bệnh nhân T.N.T. (nam, 55 tuổi, trú tại Sóc Trăng) phát hiện bụng to dần, không đau khoảng 3 năm nay, nghĩ là bị xơ gan nên không đi khám và điều trị.


Gần đây, bệnh nhân cảm thấy khối u vùng bụng ngày càng to dần, căng tức kèm tiểu ra máu nên đi khám phát hiện thận ứ nước to do sỏi đường tiết niệu nhưng vẫn không đi điều trị.


Những ngày gần đây, bệnh nhân thấy triệu chứng nặng hơn nên đến bệnh viện địa phương khám sau đó được chuyển tuyến đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ. Tình trạng lúc nhập viện bụng căng to và đau nhiều, da niêm nhợt, huyết áp tăng cao.

Kết quả siêu âm bụng ghi nhận thận trái ứ nước độ III, có 1 nang nhiều vách ngăn, bên trong có hồi âm dày gây chèn ép các cơ quan ổ bụng, sỏi niệu quản trái, giãn niệu quản. Chụp cắt lớp vi tính thấy thận trái ứ nước rất to, chiếm gần hết ổ bụng, chủ mô thận giãn mỏng, đẩy sỏi niệu quản trái lệch qua cột sống bên phải.

Bệnh nhân có triệu chứng mất máu nghiêm trọng, các bác sĩ Khoa Cấp cứu đã tiến hành truyền máu khẩn cấp, truyền dịch chảy nhanh, ổn định huyết áp và chuyển đến Khoa Ngoại Thận - Tiết niệu theo dõi, điều trị chống nhiễm khuẩn, giảm đau, tiếp tục truyền máu...

Sau đó, các bác sĩ tiến hành hội chẩn phẫu thuật với chẩn đoán thận ứ nước độ III do sỏi niệu quản trái, thận trái giãn mỏng mất chức năng, xuất huyết trong thận, thiếu máu. Các bác sĩ quyết định cắt bỏ thận trái và lấy sỏi cho bệnh nhân.

Ghi nhận lúc phẫu thuật, phẫu thuật viên đã hút trong thận ra nước tiểu và máu đỏ sẫm hơn 6 lít, chủ mô thận mỏng, cắt thận khó do dính mô xung quanh và lấy ra 1 viên sỏi niệu quản khoảng 18mm.Trong quá trình phẫu thuật, huyết áp bệnh nhân thấp, các bác sĩ đã chỉ định truyền thêm 4 đơn vị máu và chế phẩm máu.

Ca phẫu thuật diễn ra thành công sau gần 4 giờ đồng hồ. Hiện tại, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, dấu hiệu sinh tồn ổn định, bụng mềm, vết mổ khô, đang được theo dõi, điều trị và chăm sóc tại Khoa Ngoại Thận - Tiết niệu.


Theo các bác sĩ, đối với bệnh lý sỏi đường tiết niệu, nếu phát hiện và điều sớm thì kết quả tốt hơn, ít tốn kém chi phí và thời gian điều trị, đồng thời tránh những biến chứng nặng như nhiễm khuẩn đường tiết niệu, có thể gây thận ứ mủ, nhiễm khuẩn huyết nguy hiểm tính mạng...

Do đó, khi có triệu chứng bất thường như đau lưng, tiểu đục, tiểu máu... thì nên đi khám sớm để có thể phát hiện bệnh lý sỏi đường tiết niệu và điều trị kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm có khi phải cắt bỏ thận hoặc suy thận mạn phải lọc máu định kỳ.

Chia sẻ Facebook