Cẩn trọng với chiêu trò lừa đảo bằng hình thức dịch vụ "gái gọi"
Một người đàn ông ở Nghệ An mất hàng trăm triệu đồng sau khi sử dụng dịch vụ "gái gọi". Công an đã có những cảnh báo cho người dân trước chiêu thức lừa đảo này.
Mất hàng trăm triệu đồng vì tham gia vào dịch vụ "gái gọi"
Thời gian qua, mặc dù các phương tiện thông tin đại chúng thường xuyên thông báo các phương thức, thủ đoạn hoạt động của đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, nhưng vì những lý do khác nhau nhiều bị hại vẫn bị mắc "bẫy". Các chiêu trò của bọn lừa đảo rất tinh vi và ma mãnh như : trúng thưởng; nâng cấp sim 4G; hack tài khoản zalo, Facebook để mượn tiền; bẫy tình trên mạng…Và mới đây, rộ lên chiêu trò lừa đảo bằng cách giả mạo dịch vụ “gái gọi” qua mạng.
Mới đây, Đội phòng ngừa, điều tra tội phạm xâm phạm sở hữu, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Nghệ An nhận được đơn trình báo của người dân về hình thức giả mạo này. Trung tá Hà Huy Đức- Đội trưởng Đội phòng ngừa, điều tra tội phạm xâm phạm sở hữu cho biết đây là hình thức lừa đảo tinh vi.
Theo đơn trình bày của nạn nhân P.V.T., 33 tuổi, trú ở huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, thời gian gần đây, người đàn ông này có sử dụng ứng dụng xã hội Telegram để tìm kiếm dịch vụ “gái gọi”.
Trong quá trình tìm hiểu dịch vụ này, có người xưng tên là Nguyễn Thị Lan Hương, Tp.Vũng Tàu trao đổi với anh T. và cho người đàn ông này số điện thoại để tiện trong việc sử dụng dịch vụ. Không nghĩ ngợi gì nhiều, anh T. liên hệ với số điện thoại người phụ nữ kia cho để đặt dịch vụ “gái gọi". Tuy nhiên, khi gọi đối tượng đã dụ dỗ anh T. tham gia vào nhóm thực hiện các nhiệm vụ để hưởng “ưu đãi” nhận thẻ VIP.
Nghe lời dụ dỗ trên, anh T. vào nhóm thực hiện 6 nhiệm vụ mà đối tượng đưa ra để nhận tiền qua tài khoản. Anh T. thực hiện được 6 nhiệm vụ với số tiền 560 triệu đồng theo hướng dẫn của đối tượng. Thực hiện nhiệm vụ thứ 6 xong, nghi mình bị lừa đảo anh T,. yêu cầu chuyển lại số tiền trên thì chúng lại dụ dỗ người đàn ông này thực hiện thêm nhiệm vụ cuối. Đồng thời yêu cầu anh T. chuyển thêm 450 triệu đồng để hoàn thành nhiệm vụ thì bọn chúng hứa sẻ chuyển lại toàn bộ số tiền người đàn ông này đã chuyển và hoa hồng. Lần này, biết mình đã sập bẫy, anh T. làm đơn tố cáo lên cơ quan chức năng.
Cảnh báo từ Công an
Thiếu tá Đức cho biết nạn nhân của hình thức lừa đảo này chủ yếu là nam giới. Đặc biệt là những người có tiền, địa vị xã hội. Những người đàn ông sau khi nhậu, hoặc xa vợ lâu ngày,…sẽ tìm đến dịch vụ này. Các đối tượng lừa đảo tạo ra một sự tương tác giữa nạn nhân và bọn chúng bằng cách sử dụng tài khoản nick ảo để gửi tin nhắn thông qua phần mềm tự động mesenger của các nạn nhân, nhằm mục đích “câu mồi”.
Theo Thiếu tá Đức, khi “con mồi” cắn câu chúng sẽ giới thiệu về các dịch vụ phục vụ khách hàng và hỏi yêu cầu của khách hàng về ngoại hình, độ tuổi. Sau đó, chúng sẽ hỏi vị trí của nạn nhân để tiện cho việc điều “hàng” gần đó đến phục vụ các “thượng đế”. Sau đó, các đối tượng sẽ gửi loạt ảnh các cô gái xinh xắn với lời quảng cáo, giới thiệu hấp dẫn như giọng nói ngọt ngào, tận tụy như người yêu, kỹ năng điêu luyện.
Tuy nhiên, khi khách hàng chọn được cô nàng ưng ý và gửi lại ảnh, đối tượng yêu cầu nạn nhân mở thẻ VIP hẹn hò của câu lạc bộ để chống bom hàng. Chúng đề xuất chi phí mở thẻ VIP là 150.000 đồng. Thẻ VIP này có hạn sử dụng trong vòng một năm và có thể sử dụng dịch vụ book gái gọi ở 63 tỉnh, thành trong cả nước.
Để book ship được, khách hàng phải làm thẻ VIP. Khi khách hàng chuyển tiền đăng ký, các đối tượng sẽ cho nạn nhân vào nhóm câu lạc bộ thiên đường mỹ nhân. Các đối tượng sẽ đưa nạn nhân vào một đường link dành cho các thành viên chờ cấp thẻ, nhằm thao túng tâm lý nạn nhân. Trong nhóm này có các thành viên và trưởng nhóm, các thành viên sẽ đưa ra các bình luận tốt về những “dịch vụ vui vẻ” này.
Chúng còn yêu cầu nạn nhân thực hiện bước cuối cùng là bình chọn và đánh giá các cô gái đã chọn để nhận thẻ VIP. Theo giải thích của nhóm lừa đảo là để câu lạc bộ chi trả mức lương hợp lý cho các cô gái và hoa hồng sau mỗi lần đi khách.
Chúng cho nạn nhân biết, mỗi lần bình chọn sẽ nhận được 20% hoa hồng. Sau khi click vào đường link do đối tượng gửi, nạn nhân sẽ được đưa vào trang Wed có các mục nộp tiền và rút tiền. Nếu nạn nhân nộp 100.000 đồng tham gia bình chọn sẽ được rút về 120.000 đồng, 500.000 đồng thì được rút về 600.000 đồng, số tiền này sẽ được chuyển trực tiếp về tài khoản của nạn nhân.
Sau đó, chúng yêu cầu nạn nhân thực hiện nhiệm vụ lần 2. Khách hàng bắt đầu tham gia với mức tiền bình chọn cao hơn và sẽ được chi trả hoa hồng trực tiếp, đầy đủ về tài khoản. Vì chúng trả tiền và hoa hồng đầy đủ nên khách hàng hoàn toàn tin tưởng.
Theo Thiếu tá Đức, khi thực hiện nhiệm vụ lần 3, các đối tượng sẽ đưa ra mức tiền bình chọn cao hơn như mức 1 là 20 triệu và mức 2 là 40 triệu đồng. Đây là bước quyết định để nạn nhân nhận được thẻ VIP. Tuy nhiên, sau khi chuyển tiền lần 3 thì đối tượng sẽ nhắn là nạn nhân thao tác sai nên thẻ bị khóa, phải làm nhiệm vụ thứ 4 thì mới được cấp thẻ và hoàn số tiền ban đầu.
Khi nạn nhân hoảng loạn, chúng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ lần thứ 4 để lấy lại số tiền đã chuyển trước đó. Tuy nhiên, nhiệm vụ sau thì số tiền cũng sẽ cao hơn và yêu cầu là tất cả những người trong nhóm đều phải hoàn thành nhiệm vụ thì mới đạt yêu cầu. Với hình thức này, nhiều nạn nhân sẽ lần lượt bị lừa đảo hàng trăm triệu đồng.
Để chủ động phòng ngừa với loại tội phạm này, Đội phòng ngừa, điều tra tội phạm xâm phạm sở hữu, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Nghệ An khuyến cáo, người dân cần hết sức cảnh giác trước các thủ đoạn lừa đảo hiện nay, đặc biệt là các hình thức “làm nhiệm vụ” nhanh, đơn giản, không đòi hỏi kinh nghiệm hay kỹ năng, nhưng hứa hẹn hoa hồng cao, qua mạng như: bấm like video Tik Tok ngẫu nhiên; bình chọn bán hàng; làm nhiệm vụ mua hàng hộ Shopee, Lazada; tuyển dụng người mẫu nhí; làm thẻ thành viên gái gọi... Đặc biệt, không truy cập, đăng nhập, tải các web, đường link được gửi từ người lạ, không rõ nguồn gốc, không chuyển tiền cho bất cứ ai khi không có thông tin rõ ràng, cụ thể của tài khoản nhận tiền.
Minh Tâm - Hà Hằng