Cẩn trọng với bệnh tim mạch mùa nắng nóng ở người cao tuổi
Mùa hè nắng nóng gay gắt, nhiệt độ tăng cao ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, nhất là đối với người già, trẻ nhỏ và đặc biệt là người mắc bệnh tim mạch.
Tại Trung tâm Y tế huyện Thanh Ba (Phú Thọ), từ đầu năm 2022 đến nay, đã tiếp nhận trên 6.000 bệnh nhân đến khám và điều trị các bệnh về tim mạch, trong đó chủ yếu là người cao tuổi và thường gặp các trường hợp nhập viện do đau thắt ngực; loạn nhịp tim; tăng hoặc giảm huyết áp đột ngột. Đặc biệt, trong một tháng gần đây, thời tiết nắng nóng gay gắt khiến tỷ lệ bệnh nhân nhập viện do các bệnh tim mạch tăng cao.
Bệnh nhân P.V.T., (nam, trú tại xã Hanh Cù, Thanh Ba) có tiền sử hẹp van 2 lá và đái tháo đường nhiều năm nay. Do nắng nóng, tuổi cao lại làm việc quá sức ngoài trời nắng nên bệnh nhân phải nhập viện cấp cứu. Nhờ vào viện kịp thời, sau 8 ngày điều trị, sức khỏe của bệnh nhân đã tiến triển tốt, đỡ mệt mỏi và được xuất viện.
BSCKI. Trần Thị Tuyết Nhung, Trưởng Khoa tim mạch cho biết: Trong thời gian nắng nóng gay gắt, số lượng bệnh nhân nhập viện do các bệnh về tim mạch liên tục gia tăng, thường gặp nhất là tăng huyết áp đột ngột, loạn nhịp tim, đau thắt ngực…
Thời tiết nắng nóng, người bệnh tim mạch cần lưu ý đến cảm giác của cơ thể như ra mồ hôi nhiều, mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, tức ngực, khó thở. Việc lắng nghe cơ thể rất quan trọng đối với người có bệnh lý về tim mạch bởi nếu người bệnh không được theo dõi và kiểm soát bệnh chặt chẽ có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm.
Thời tiết nắng nóng gay gắt là mối nguy hiểm cho người bệnh tim mạch, đặc biệt là người bị suy tim và bệnh động mạch vành, thường xuất hiện nhiều biến chứng phức tạp làm bệnh thêm nặng hơn và có thể ảnh hưởng tới tính mạng. Vì vậy, người mắc bệnh tim mạch cần tuân thủ lời khuyên của bác sĩ để phòng tránh những nguy cơ có thể xảy ra đối với sức khỏe trong những ngày nắng nóng.
Theo BSCKI. Trần Thị Tuyết Nhung, người bệnh nên khám sức khỏe định kì (6 tháng/lần) tại các cơ sở y tế; nếu gặp các triệu chứng như đau thắt ngực, suy tim, loạn nhịp tim... người bệnh nên đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và xử trí kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Người cao tuổi có thể phòng ngừa bệnh tim mạch bằng cách thay đổi lối sống như: Ngưng hút thuốc lá, thường xuyên kiểm soát huyết áp, bệnh tiểu đường, tập luyện thể dục thể thao phù hợp 30 phút mỗi ngày; duy trì cân nặng hợp lý; ăn thực phẩm lành mạnh ít chất béo và giảm muối; cần dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ, không tự ý bỏ thuốc.
Trong thời tiết nắng nóng như hiện nay, người dân, đặc biệt là những người có tiền sử bệnh tim mạch như tăng huyết áp, suy tim… không ra ngoài trời vào thời điểm nắng gay gắt trong ngày, bổ sung nước đầy đủ, tránh thay đổi môi trường đột ngột giữa phòng điều hòa và ngoài trời.