Cẩn trọng với bệnh đau mắt đỏ lúc giao mùa
Những ngày qua, ghi nhận tại Bệnh viện Mắt tỉnh Phú Thọ, trung bình một ngày có khoảng 150-180 lượt người bệnh khám mắt, trong đó có 15-20 trường hợp bệnh đau mắt đỏ.
Bệnh đau mắt đỏ , theo y văn có tên là bệnh viêm kết mạc cấp. Có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh viêm kết mạc cấp như virus, vi khuẩn, các tác nhân môi trường, hóa chất có thể góp phần làm nặng hơn tình trạng viêm kết mạc.
Vào mùa dịch, bệnh chủ yếu do nhiễm adenovirus. Bệnh có biểu hiện đặc trưng là đỏ mắt, có thể có nhiều, có ít hoặc không có tiết tố (ghèn, dử mắt). Bên cạnh đó, người bệnh còn bị sưng nề mi mắt, cảm thấy cộm xốn, chảy nước mắt.
Bệnh đau mắt đỏ thường kéo dài trong khoảng hai tuần và hầu hết tự khỏi. Tuy nhiên, nếu không được điều trị đúng có thể gây ra các biến chứng như: viêm kết mạc nặng hơn, viêm giác mạc, loét giác mạc… và các biến chứng nguy hiểm khác phải nhập viện điều trị.
Bác sĩ Hoàng Kim Tuyến, Trưởng khoa Kết Giác mạc - Chấn thương cho biết: Nhiều người thấy mắt bị đỏ thì nghĩ bị đau mắt đỏ. Tuy nhiên, thực tế có nhiều bệnh về mắt cũng có triệu chứng đỏ mắt như: viêm màng bồ đào trước, viêm giác mạc, loét giác mạc, viêm củng mạc, glaucoma (cườm nước), chấn thương gây rách kết mạc, giác mạc.
Bệnh đau mắt đỏ có thể lây qua đường hô hấp (giọt bắn) khi tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, với dịch tiết hô hấp của người bệnh (nước mắt, nước bọt); hay qua bàn tay (khi bắt tay, dụi mắt). Bệnh cũng lây gián tiếp khi dịch tiết của người bệnh dính vào dụng cụ cá nhân, đồ dùng và người khác chạm phải.
Bệnh đau mắt đỏ không gây nhìn mờ. Nếu người bệnh cảm thấy mắt mờ hoặc đau nhức nhiều phải lưu ý bệnh có biến chứng hoặc đang mắc các bệnh về mắt khác cũng có biểu hiện đỏ mắt.
Để phòng chống bệnh đau mắt đỏ, bác sĩ Tuyến khuyến cáo: Người dân cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch; không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng; không dùng chung vật dụng cá nhân như: lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang… đặc biệt với người đang bị đau mắt đỏ. Nên nhỏ mắt, mũi, súc họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý.
Người bệnh, người nghi bị bệnh đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác, khi tới nơi công cộng cần đeo khẩu trang, tránh lây nhiễm cho người xung quanh và lây lan ra cộng đồng; đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời, không tự ý điều trị để tránh biến chứng nặng.