Cẩn trọng: Phản vệ với chính thuốc chống dị ứng
Bị dị ứng không rõ nguyên nhân, nữ bệnh nhân 28 tuổi, trú tại Đoan Hùng, Phú Thọ đã tự xử lý bằng thuốc teslfast (một loại thuốc dùng để điều trị dị ứng).
Chiều muộn ngày 22/9, sau khi đi làm về, bệnh nhân có dấu hiệu nổi ban ngứa toàn thân. Vốn là nhân viên đang công tác tại bệnh viện và có tiền sử bị dị ứng, nên như bao lần, bệnh nhân đã sử dụng thuốc để tự điều trị.
Ít phút sau uống thuốc, bệnh nhân cảm thấy triệu chứng hồi hộp, tức ngực khó thở tăng nhiều, vì vậy đã được người nhà đưa tới bệnh viện cấp cứu khẩn cấp. Huyết áp ban đầu khi nhập viện ghi nhận 170/109, nồng độ oxy thấp.
Đã nắm chắc phác đồ cấp cứu sốc phản vệ và xử lí rất nhiều bệnh nhân trước đó, ê-kíp trực Bệnh viện đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) đã xử trí nhanh, chính xác, sử dụng kịp thời các thuốc vận mạch, chống sốc mà trong đó chủ lực vẫn là Adrenalin.
Chỉ sau ít phút, tình trạng bệnh nhân đã ổn định hơn, các chỉ số sinh tồn dần trở lại bình thường.
Hiện tại, bệnh nhân đã hoàn toàn ổn định và có thể ra viện.
Sốc phản vệ có thể xảy ra bất cứ lúc nào và hậu quả vô cùng nguy hiểm nếu không được cấp cứu kịp thời. Do đó, các bác sĩ khuyến cáo, khi cơ thể có dấu hiệu bất thường sau khi tiếp xúc với các dị nguyên như: ong đốt, kiến đốt, tiêm, uống thuốc, ăn các loại thực phẩm... người dân cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.