Cẩn trọng lừa đảo bằng dịch vụ tâm linh

Chia sẻ Facebook
01/11/2022 01:35:38

Các dịch vụ tâm linh nở rộ nhưng hãy cẩn trọng vì có thể đây là những chiêu trò lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Nhiều người đã tiền mất, tật mang.


Cẩn trọng dịch vụ tâm linh trực tuyến

Đảng và Nhà nước ta luôn nhất quán chính sách tôn trọng, đảm bảo và bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo nhưng đã có các hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tâm linh để lừa đảo. Rất đáng lo ngại là hiện nay, những hành vi này đang khuyếch trương hơn với sự trợ giúp đắc lực của công nghệ.


Nếu trước đây muốn xem bói phải đến tận nơi gặp thầy, thì giờ chỉ cần có điện thoại thông minh hoặc máy tính là có thể nhận được lời phán của "thầy" qua các ứng dụng online, với đủ mọi "dịch vụ tâm linh" từ tử vi, chọn ngày đẹp, xem tuổi, tìm mộ, tìm người thất lạc, thậm chí livestream trên mạng xã hội. Ai mà tâm lý "có bệnh thì vái tứ phương" rất dễ bị lợi dụng.


Một người đàn ông gần 40 tuổi vẫn còn độc thân. Anh kể lại, do muốn lập gia đình mà mãi vẫn chưa gặp được ý trung nhân nên đã có lần sử dụng dịch vụ bói toán trên mạng xã hội để tìm hiểu xem vì sao lại như vậy. Anh đã được 1 người tự xưng là thầy tử vi tư vấn, muốn sớm lập gia đình thì phải làm lễ cầu tình duyên. Phí làm lễ trực tuyến là 5 triệu đồng. Còn nếu thầy đến tận nhà để làm lễ thì phí phải mất hơn 10 triệu đồng.

Hay một phụ nữ khác, những lúc rảnh rỗi, chị cũng từng có thú vui cùng bạn bè sử dụng dịch vụ bói toán hay xem chỉ tay trên các trang mạng xã hội. Chị cho biết, lần đầu thường được xem miễn phí nhưng nếu muốn nghe các thầy tử vi, tướng số trên mạng phán nhiều hơn, mức phí phải trả cho mỗi lẫn tiếp theo tối thiếu phải mất 200.000 - 300.000 đồng


Theo đại diện Sở Thông tin - Truyền thông Bắc Ninh, thời đại 4.0, dịch vụ " bói toán, tử vi" trực tuyến đang nở rộ và được quảng cáo mời chào công khai trên không gian mạng. Nhiều trang mạng xã hội quảng cáo các dịch vụ tâm linh có tới vài chục thậm chí cả trăm nghìn lượt người theo dõi. Đây là mảnh đất màu mỡ cho kẻ xấu lợi dụng để thực hiện hành vi lừa đảo .

Các cơ quan chức năng cũng đưa ra khuyến cáo, người dân cần cảnh giác trước các dịch vụ tâm linh lợi dụng mê tín dị đoan để trục lợi; không tin vào những đồn thổi, bói toán vô căn cứ để rồi không chỉ tổn hại kinh tế cá nhân và gia đình mà còn làm nảy sinh tâm lý hoang mang, ỷ lại, trông chờ vào vận may từ các loại bùa phép không có thực dẫn đến những hậu quả khó lường. Trên thực tế, những điều tốt lành, sự may mắn chỉ đến với mỗi người khi có tư duy tích cực, có hành động đúng đắn và lối sống lành mạnh.


Lừa "cắt vong" để chiếm đoạt tài sản

Cho dù đã nhiều lần cảnh báo và cũng đã có không ít đối tượng" buôn thần bán thánh" bị cơ quan chức năng xử phạt, nhưng có những kẻ xấu vẫn tiếp tục lợi dụng niềm tin mù quáng của nhiều người để thực hiện hành vi lừa đảo...

Bịa chuyện có vong theo, có duyên âm, cần hóa giải. Đó chính là chiêu trò mà những thầy bói "dởm" thường áp dụng để hù dọa những người nhẹ dạ cả tin.

Tại phiên tòa xét xử Nguyễn Huy Phong và Đỗ Văn Hiền quê ở Tiền Giang, theo cáo trạng, dưới vỏ bọc là thầy tu, hai đối tượng này đã tiếp cận 1 phụ nữ trú tại Đồng Nai, bịa chuyện người này có vong theo, cần làm lễ hóa giải để chiếm đoạt 40 triệu đồng.

Cách đây ít lâu, đối tượng Nguyễn Thị Hà trú tại quận Đống Đa, Hà Nội cũng đã bị cơ quan công an bắt giữ. Theo tài liệu điều tra, đối tượng này đã tiếp cận 1 phụ nữ là chủ một cơ sở làm đẹp ở quận Hoàn Kiếm, bịa chuyện chị này có vong theo và hứa giúp làm lễ hóa giải với giá 120 triệu đồng.

Tin lời thầy bói "dởm", nạn nhân đã chuyển trước hơn 20 triệu đồng để sắm lễ. Tuy nhiên, trong quá trình đi chợ mua đồ lễ, đối tượng đã bỏ trốn để chiếm đoạt của nạn nhân số tiền trên và 1 chiếc điện thoại di động đắt tiền.

Cơ quan công an nhận định, với thủ đoạn giới thiệu bản thân là thầy bói, có khả năng xử lý được phần âm, các đối tượng lừa đảo rất dễ lấy được lòng tin của những người mê tín. Sau đó, đối tượng sẽ hù dọa nạn nhân nếu không làm lễ cắt vong thì sẽ gặp chuyện bất trắc, khiến nạn nhân lo âu, sợ hãi và quyết định bỏ tiền làm lễ để được yên tâm.


Lừa đảo "cắt vong" để chiếm đoạt tài sản thực chất là hành vi lợi dụng lòng tin của con người về thế giới tâm linh để trục lợi. Theo quy định của pháp luật, tùy vào tính chất, mức độ, hậu quả mà hành vi này có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự . Do đó, người dân cần cẩn trọng để không bị mắc lừa.

Tôn giáo, tín ngưỡng là nhu cầu tinh thần chính đáng của nhân dân nhưng cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền để thay đổi quan điểm của những cá nhân có tâm lý ỷ lại trông chờ vào thần linh, bùa phép. Bên cạnh đó, những đối tượng lợi dụng thế giới tâm linh để làm việc bất lương cần được xử lý nghiêm.

Chia sẻ Facebook