Cần Thơ: Xử lý hành vi rao bán nhà ở xã hội không đúng quy định
UBND TP Cần Thơ yêu cầu tăng cường công tác thông tin đến các đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội không được bán lại, cho thuê nhà ở xã hội trái quy định.
UBND TP Cần Thơ vừa ban hành Công văn số 4409/UBND-XDĐT về việc chấn chỉnh công tác thẩm định đối tượng, quản lý, sử dụng nhà ở xã hội tại các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội đang triển khai.
Trên cơ sở đó, Chủ tịch UBND thành phố giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thẩm định đối tượng, điều kiện hưởng chính sách nhà ở xã hội theo quy định pháp luật . Đồng thời, rà soát, tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về quản lý, sử dụng nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố. Phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện ý kiến của Bộ Xây dựng tại Công văn số 423/BXD-QLN ngày 15/2/2022 về việc tăng cường kiểm tra, giám sát về quản lý, sử dụng nhà ở xã hội.
Cùng với đó, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố, yêu cầu thực hiện đầy đủ các trình tự, thủ tục, quyền và nghĩa vụ liên quan trong quản lý, sử dụng nhà ở xã hội theo quy định pháp luật về nhà ở.
Chủ tịch UBND thành phố giao Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, Sở Thông tin và truyền thông phối hợp chặt chẽ với phối hợp với Sở Xây dựng trong công tác kiểm tra, giám sát, xử lý hành vi đăng tin rao bán nhà ở xã hội không đúng quy định trên các trang thông tin điện tử/mạng xã hội.
Ngoài ra, Chủ tịch UBND thành phố giao Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND quận, huyện và đề nghị Cục Thuế thành phố phối hợp chặt chẽ với Sở Xây dựng trong công tác kiểm tra xác minh thông tin về đối tượng, điều kiện được hưởng chính sách nhà ở xã hội tại các dự án nhà ở đầu tư xây dựng xã hội triển khai trên địa bàn thành phố theo thẩm quyền.
Đối với các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố, Chủ tịch UBND thành phố đề nghị thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục, quyền và nghĩa vụ liên quan về quản lý, sử dụng nhà ở xã hội theo quy định pháp luật hiện hành. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Sở Xây dựng trong công tác kiểm tra, xác định các trường hợp bán lại hoặc cho thuê nhà ở xã hội trái quy định pháp luật.
Đối với đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội thực hiện đúng đúng quyền và nghĩa vụ liên quan trong quản lý, sử dụng nhà ở xã hội theo quy định pháp luật hiện hành, không được bán lại hoặc cho thuê nhà ở xã hội trái quy định pháp luật.
Đề xuất hộ gia đình được vay ưu đãi xây nhà cho công nhân thuê
Ngày 4/11, đại biểu Trần Thị Vân (Bắc Ninh) có văn bản chất vấn Thủ tướng liên quan đến Nghị quyết 11 về gói hỗ trợ lãi suất 2% cho doanh nghiệp vay xây nhà cho công nhân; gói 15.000 tỷ đồng cho công nhân vay mua nhà qua Ngân hàng Chính sách xã hội.
Theo bà Vân, một nghị quyết đã có hai mức hỗ trợ mà đích và người thụ hưởng là công nhân. "Tuy nhiên, cả hai gói này đang giải ngân thấp do doanh nghiệp thì vướng, công nhân thì không có nhu cầu nhiều", bà Vân phân tích.
Trong khi đó, số công nhân có nhu cầu thuê nhà (do hộ gia đình, cá nhân bỏ tiền xây) rất lớn. Cả nước có hơn 100.000 hộ gia đình, cá nhân xây nhà cho công nhân thuê; riêng Bắc Ninh có gần 8.000 hộ xây nhà trọ cho công nhân. Tuy nhiên, Nghị quyết 11 không đề cập đến nhóm này.
Vì vậy, bà Vân đề nghị Chính phủ mở rộng diện được vay vốn từ gói 15.000 tỷ đồng cho hộ gia đình, cá nhân xây nhà trọ cho công nhân, để hỗ trợ sinh kế, nâng cao chất lượng phòng trọ, hạ giá thuê nhà.
Trả lời kiến nghị của đại biểu, Thủ tướng cho biết đến 31/10, Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân được hơn 3.000 tỷ đồng cho hơn 8.300 người vay và không phát sinh vướng mắc.
Với chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tối đa 40.000 tỷ đồng với lãi suất 2%/năm (thông qua ngân hàng thương mại), Bộ Xây dựng đã ba lần công bố danh mục các dự án đủ điều kiện được vay, với 21 dự án nhà ở xã hội, nhà công nhân, cải tạo chung cư cũ, tổng số có 19.800 căn hộ, tổng mức đầu tư hơn 20.100 tỷ đồng. Ngoài ra, các địa phương có nhu cầu vay xây nhà xã hội hơn 7.100 tỷ đồng. "Tuy nhiên, đến nay chưa có dự án nào vay vốn", Thủ tướng nêu.
Từ thực tế nêu trên, Thủ tướng đánh giá đề xuất của đại biểu Trần Thị Vân "là rất đáng quan tâm", tuy nhiên việc này thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Chính phủ sẽ chỉ đạo các đơn vị nghiên cứu, đánh giá, đề xuất cơ quan có thẩm quyền xem xét nội dung này trong thời gian tới.
Theo Bộ Xây dựng, cả nước đã hoàn thành hơn 300 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, nhà ở công nhân khu công nghiệp với quy mô 155.800 căn; đang triển khai 400 dự án với quy mô hơn 454.000 căn. Con số này chưa đáp ứng khi mới đạt trên 60% diện tích theo yêu cầu.
Hiện có khoảng 70% lao động thuê trọ trong các khu nhà người dân tự xây, diện tích dưới 3 m2 một người. Sự gia tăng hàng loạt khu công nghiệp tại TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Hà Nội, Bắc Ninh... thu hút hàng triệu lao động làm việc, khiến nhu cầu chỗ ở tăng cao. Trong khi thu nhập bình quân công nhân từ 4 đến 6 triệu đồng mỗi tháng, chưa tính tăng ca. Khoản tiền chi cho thuê trọ, sinh hoạt, nuôi con khiến lao động hầu như không còn tích lũy, khó mua nhà.
Tuệ Minh