Cần Thơ tổ chức hội thảo về đô thị thông minh
Hội thảo "Xây dựng Thành Phố Cần Thơ phát triển trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn 2030" thu hút sự quan tâm của đông đảo đại biểu.
Ðề án Xây dựng Thành phố Cần Thơ phát triển thành đô thị thông minh đã được UBND thành phố Cần Thơ phê duyệt theo quyết định số 1652/QĐ-UBND (ngày 02/08/2021) tập trung triển khai trên 10 lĩnh vực trọng điểm. Trong đó, việc khai thác hiệu quả cơ sở dữ liệu đồng bộ (đặc biệt là dữ liệu người dân, dữ liệu hạ tầng không gian), phân tích dữ liệu lớn, dự báo hỗ trợ ra quyết định để hướng đến phục vụ người dân, du khách tốt hơn là nhiệm vụ cấp bách/ đầu tiên.
Hiện nay, Cần Thơ đã và đang xây dựng 43 cơ sở dữ liệu dùng chung thuộc sự quản lý của các sở, ban, ngành thành phố trong lĩnh vực thiết yếu với cuộc sống người dân. Tiêu biểu có thể kể đến như: Sở Tài nguyên và Môi trường có 4 Cơ sở dữ liệu (CSDL), gồm: Bản đồ nền (GIS); Đất đai; Quy hoạch sử dụng đất và Tài nguyên môi trường; Sở Kế hoạch và Đầu tư có 2 CSDL: Doanh nghiệp và Thông tin dự án; Công an thành phố Cần thơ có 4 CSDL gồm: Dân cư; Phòng cháy chữa cháy; Camera an ninh trật tự và Dữ liệu lưu trú;…
Các cơ sở dữ liệu chung của của từng sở, ban, ngành đang được các đơn vị liên quan hoàn thiện. Tuy nhiên, để Cần Thơ có thể trở thành một đô thị thông minh, điều kiện tiên quyết là chính quyền thành phố phải xây dựng thành công nền tảng tích hợp để dữ liệu có thể được chia sẻ nhanh chóng, thuận tiện nhất giữa các hệ thống thông tin hợp nhất của các sở, ban, ngành trong toàn thành phố.
Việc cơ sở dữ liệu mở có thể kết nối góp phần quan trọng tạo một hệ thống tài nguyên quan trọng cho các đô thị. Ứng dụng đúng công nghệ để xây dựng cơ sở dữ liệu thống nhất toàn đô thị chính là chìa khóa vàng đa năng, mở cửa các cơ sở dữ liệu thông tin riêng biệt; tận dụng và phát huy tối đa dữ liệu tổng thể về thành phố Cần Thơ.
Tham gia buổi hội thảo, ông Cao Hoàng Anh – Phó Tổng Giám đốc đã có chia sẻ về nền tảng lưu trữ và xử lý dữ liệu lớn toàn diện VLAKE. Đây là nền tảng công nghệ mới do chính FSI đầu tư nghiên cứu và phát triển dựa trên 15 năm kinh nghiệm triển khai hàng nghìn dự án lớn cho khối bộ, ban, ngành và các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực khai thác dữ liệu.
Theo đó, VLAKE đảm bảo có thể kết nối tới tất cả hệ quản trị cơ sở dữ liệu hiện hành: MS SQL, Oracle, MySQL,... tiếp nhận kết nối tất cả các dữ liệu: Cấu trúc, Bán cấu trúc, Phi cấu trúc… một cách linh hoạt chỉ bằng các thao tác kéo thả và cấu hình cài đặt trên hệ thống. Điều này cũng giúp VLAKE tích hợp, kết nối, thu thập các nguồn dữ liệu tự động mà không phụ thuộc vào đơn vị quản lý nguồn dữ liệu gốc cũng như không ảnh hưởng đến hoạt động của các bên liên quan.
Bên cạnh đó, VLAKE cho phép sử dụng các máy tính thương mại để làm hệ thống lưu trữ và xử lý dữ liệu lớn. Các tác vụ được chia nhỏ và xử lý song song trên các máy tính vật lý giúp cho hệ thống xử lý được các loại dữ liệu lớn với tốc độ cao. Đồng thời, nhờ công nghệ kết nối linh hoạt VLAKE cho phép tạo các data warehouse (kho dữ liệu) dễ dàng, nhanh chóng, không cần lập trình lại và không phụ thuộc vào các đơn vị phát triển phần mềm, hệ thống hiện tại.
Ông Cao Hoàng Anh cho biết: "Trong thời gian tới, FSI sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới (Trí tuệ nhân tạo, IoT) để xây dựng hệ sinh thái giải pháp Chuyển đổi số lấy dữ liệu làm trung tâm toàn diện, từ tạo dựng dữ liệu, lưu trữ và xử lý dữ liệu đến áp dụng kết quả của dữ liệu vào các công đoạn nhằm hỗ trợ lãnh đạo cơ quan, tổ chức có thể đưa ra quyết định nhanh chóng, chính xác."