Cần thiết xem xét việc ưu tiên chứng chỉ ngoại ngữ

Chia sẻ Facebook
01/09/2023 15:44:23

Theo PGS.TS Huỳnh Văn Chương - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo), sẽ bàn bạc về mức độ ưu tiên chứng chỉ ngoại ngữ trong thi tốt nghiệp THPT và thay thế tuyển sinh đầu vào.

Nhiều trường đại học áp dụng phương thức xét tuyển sớm với chứng chỉ IELTS. Ảnh minh họa.


Lo ngại thiếu công bằng

PGS.TS Huỳnh Văn Chương cho biết, năm qua công tác chấn chỉnh hoạt động liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài, đẩy mạnh triển khai các hoạt động quản lý văn bằng, chứng chỉ theo hướng cải cách hành chính, chuẩn hóa, tinh gọn từng bước đi vào nền nếp.

Tuy nhiên, một số địa phương đã không thực hiện đúng chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) về việc tăng cường quản lý liên kết tổ chức thi cấp thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ nước ngoài. Điều này dẫn đến việc nhiều tổ chức, đơn vị tổ chức thi và cấp chứng chỉ sau ngày 10/9/2022 khi chưa được Bộ phê duyệt, gây ra tình trạng lộn xộn, thiếu tuân thủ pháp luật và ảnh hưởng đến quyền lợi của người dự thi. Nhất là đối với học sinh THPT sử dụng các chứng chỉ này trong việc miễn bài thi ngoại ngữ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh vào đại học (ĐH).

ThS Mai Tuyết Nhung (giảng viên khoa Ngôn ngữ Anh, Trường ĐH Thương mại) cho rằng, bài thi tốt nghiệp THPT hiện nay chỉ kiểm tra các kỹ năng đọc và viết, chưa đánh giá năng lực toàn diện của học sinh và tùy năm, mức độ phân hóa của đề thi khác nhau. Trong khi đó, các chứng chỉ quốc tế uy tín như IELTS đánh giá được cả khả năng nghe, nói, đọc lẫn viết ngôn ngữ tiếng Anh học thuật ở mức độ tương đối và đề thi cũng đã được chuẩn hóa nên không có chuyện lúc khó, lúc dễ. Dẫu vậy, việc tổ chức các kỳ thi này như thế nào là vấn đề cần được minh bạch, công khai nhằm đảm bảo công bằng với mọi thí sinh. Đặc biệt, vai trò của các địa phương trong việc quản lý các tổ chức, cá nhân đang thực hiện hoạt động liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài trên địa bàn theo quy định cần được tăng cường hơn nữa.


9 năm áp dụng, đã đến lúc cần xem xét lại?

Quy định miễn thi môn ngoại ngữ tại kỳ thi THPT quốc gia (hiện nay là kỳ thi tốt nghiệp THPT) và được tính điểm 10 môn ngoại ngữ đối với thí sinh có một trong các chứng chỉ ngoại ngữ hợp lệ và đạt điểm tối thiểu theo quy định của Bộ GDĐT bắt đầu áp dụng từ năm 2015 đến nay. Trong đó, điểm tối thiểu Bộ quy định đối với chứng chỉ tiếng Anh là TOEFL ITP 450 điểm, TOEFL iBT 45 điểm và IELTS 4.0 điểm.

Tuy nhiên, điểm 10 này không dùng để xét tuyển ĐH, cao đẳng và ở những năm đầu áp dụng cách tính này, các trường hầu hết chưa có phương thức xét tuyển kết hợp ưu tiên thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ nên mức độ phổ biến của những chứng chỉ này chưa nhiều. Nhưng những năm gần đây, chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, đặc biệt là tiếng Anh như IELTS, TOEFL… được nhiều trường ĐH, cao đẳng sử dụng để xét tuyển sớm. Như năm 2023, cả nước có hơn 100 cơ sở giáo dục ĐH, cao đẳng xét tuyển bằng chứng chỉ IELTS theo hình thức tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển, cộng điểm ưu tiên.

Những thí sinh sở hữu chứng chỉ này tùy từng mức điểm có thể lựa chọn nộp hồ sơ vào nhiều trường ĐH để giành một suất trúng tuyển sớm kết hợp với học bạ, điểm thi tốt nghiệp THPT… tùy yêu cầu của từng trường, chủ yếu từ mức IELTS 5.5 trở lên. Trong đó, có những trường công khai dành tới 20% chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển kết hợp sử dụng chứng chỉ quốc tế như Trường ĐH Kinh tế quốc dân… Ghi nhận mùa tuyển sinh năm 2023, trường này có khoảng 11.000 hồ sơ đăng ký có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, tăng gấp 220 lần so với năm 2017.

Thậm chí, tuyển sinh vào cấp THPT, THCS ở một số trường, nếu thí sinh có các chứng chỉ ngoại ngữ này cũng được tuyển thẳng hoặc cộng điểm ưu tiên. Hiện Hà Tĩnh là địa phương duy nhất xét đặc cách học sinh có chứng chỉ IELTS 7.0 là học sinh giỏi cấp tỉnh. Từ thực tế chứng chỉ ngoại ngữ được ưa chuộng hiện nay, cô Nguyễn Thanh Diệu - giáo viên tiếng Anh, Trường THPT Xuân Mai (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) cho rằng có phần thiệt thòi những em không có điều kiện để luyện thi và đăng ký thi IELTS do chi phí không hề rẻ. Vì vậy, cô Diệu đề xuất các trường ĐH xem xét tăng sử dụng các chứng chỉ nội như VSTEP trong tuyển sinh sẽ phù hợp với phần lớn học sinh trong nước do chi phí hợp lý hơn.

Trong khi đó, Ngô Thục Anh (học sinh lớp 12, Trường THPT Cao Bá Quát, Gia Lâm, Hà Nội) cho hay, dù sắp tới Bộ GDĐT có thay đổi như thế nào thì vẫn không thay đổi mục tiêu đạt chứng chỉ IELTS 6.5 đã đặt ra. Tuy nhiên, em và các bạn cũng mong muốn nếu có thay đổi Bộ sớm công bố để chúng em khỏi thấp thỏm chờ đợi.

Ông Đặng Minh Tuấn (giảng viên khoa Sư phạm, Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, để việc đánh giá năng lực của người học không phụ thuộc vào kênh đánh giá của các tổ chức quốc tế, Bộ GDĐT có thể tổ chức một kỳ thi đánh giá năng lực ngoại ngữ với các tiêu chí phù hợp với giáo dục Việt Nam giống như cách mà ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Bách khoa Hà Nội,... đang làm. Như vậy, vừa có thể đánh giá được năng lực học sinh mà không phụ thuộc vào bất cứ đơn vị quốc tế nào.

Chia sẻ Facebook