Can thiệp kịp thời cho những người bị trầm cảm
Theo nhiều chuyên gia, người mắc bệnh trầm cảm không thể tự chống đỡ một mình nên mô hình cấp cứu trầm cảm không chỉ cần thiết mà còn mang ý nghĩa nhân văn.
Ngày 25/8 là tròn 1 tháng mô hình cấp cứu trầm cảm của TP Hồ Chí Minh đi vào hoạt động. Đây là mô hình đầu tiên trên cả nước ra đời nhằm can thiệp kịp thời cho những người bị trầm cảm.
Bệnh nhân ngáo đá đang tự kề dao vào cổ và bụng hay một phụ nữ kích động trèo lên nóc xe cấp cứu nhảy múa chỉ là 2 trong số nhiều trường hợp cần được cấp cứu tâm thần mà bác sĩ Đồng Ngọc Hiền từng tiếp xúc.
Sau 1 tháng triển khai mô hình cấp cứu trầm cảm, tổng đài trung tâm cấp cứu 115 đã nhận được 24 cuộc gọi xin tư vấn và 11 cuộc gọi cầu cứu cần được cấp cứu tâm thần khẩn cấp. Đa số các ca cấp cứu trầm cảm đều còn trẻ, có ý định hoặc đang thực hiện hành vi tự sát. Các ca còn lại trong tình trạng kích động nặng.
Theo Bác sĩ Nguyễn Duy Long, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 TP Hồ Chí Minh, kết quả đó là nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa Trung tâm Cấp cứu 115 và Bệnh viện Tâm thần TP Hồ Chí Minh qua 2 số tổng đài 115 và 19001267.
Khi một đơn vị chuyên sâu về tâm thần kết hợp với 1 đơn vị có thế mạnh về phương tiện, cấp cứu phản ứng nhanh, mọi khó khăn về cấp cứu trầm cảm, tâm thần trước đây đều được khắc phục. Tuy nhiên, cấp cứu ngoại viện bình thường đã khó, cấp cứu tâm thần còn khó gấp nhiều lần do gặp phản kháng từ cả người bệnh lẫn người nhà. Vì thế, điều cần nhất là một quy trình chặt chẽ và sự đảm bảo về mặt pháp lý.
Sắp tới, trung tâm cấp cứu 115 sẽ tập huấn cấp cứu tâm thần cho 39 trạm vệ tinh trong thành phố để tăng hiệu quả hỗ trợ người dân ngay từ cấp quận huyện. Điều này rất có ý nghĩa khi số người bị trầm cảm tại TP Hồ Chí Minh ngày càng tăng, nhất là sau đại dịch COVID-19, chiếm tới 10%-12% lượng bệnh nhân tới khám ở bệnh viện tâm thần.