Cần tái cấu trúc mạnh hơn nữa với thị trường tài chính, bất động sản

Chia sẻ Facebook
23/10/2022 08:29:33

Các đại biểu Quốc hội cho rằng, cần ổn định kinh tế vĩ mô, cũng như điều hành thị trường xăng dầu một cách năng động hơn.

Uống một “liều thuốc đắng”

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 4, sáng 22/10 các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2022, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và việc tổng kết Nghị quyết 54 của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Tp.HCM.

Phát biểu gợi mở vấn đề tại tổ, Chủ tịch UBND Tp. HCM Phan Văn Mãi, Trưởng Đoàn ĐBQH Tp. HCM cho biết, đối với Tp.HCM, có một số vấn đề cần Trung ương nhận diện, có giải pháp như vụ việc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) xảy ra vừa qua; vụ thiếu xăng dầu cục bộ; dự toán giao thu ngân sách cho Tp.HCM trong năm 2023; thực hiện cơ chế chính sách đặc thù...

Hay vấn đề thiếu xăng, đây không phải là chuyện nhỏ, không chỉ ảnh hưởng đến sinh hoạt người dân mà ảnh hưởng lớn đến vận chuyển hàng hóa, đe dọa an ninh năng lượng, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh, ảnh hưởng vĩ mô.

Chủ tịch UBND Tp. HCM Phan Văn Mãi gợi mở các vấn đề thảo luận.

“Nhìn rộng ra đó là an ninh năng lượng. Tại sao cả nước chỉ có Tp.HCM là tình hình xăng dầu như thế. Phải chăng, khâu điều phối, dự trữ xăng dầu, an ninh năng lượng chưa tương xứng với Tp.HCM - đầu tàu kinh tế cũng như cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam?”, ông Phan Văn Mãi đặt vấn đề.

Về phía Tp.HCM kiến nghị Quốc hội, Chính phủ hỗ trợ để tiếp tục thực hiện Nghị quyết 54, để chuẩn bị cho Nghị quyết mới. Tinh thần Nghị quyết mới phải toàn diện hơn, mạnh mẽ hơn, với tinh thần phân cấp phân quyền, giải quyết các vướng mắc mà Tp. HCM đang gặp phải mà luật chưa quy định, hoặc đã quy định nhưng chưa rõ ràng, chồng chéo.

Thảo luận tại tổ về nội dung này, ĐBQH Trần Hoàng Ngân (đoàn Tp.HCM) đánh giá, năm 2022 tình hình thế giới biến động rất nhanh, xuất hiện nhiều yếu tố bất định, tuy nhiên báo cáo của Chính phủ đã nêu lên những kết quả tích cực trong năm 2022.

Phân tích về những ảnh hưởng trong năm 2022, đại biểu Ngân cho biết, đầu tiên là do chính sách nới lỏng tiền tệ trong 2 năm 2020, 2021.Nhiều quốc gia trên thế giới đã tung nhiều gói kích thích kinh tế, cho nên chính vì lẽ đó cung tiền trên thị trường quốc tế gia tăng, áp lực đến lạm phát.

Đầu năm chưa nhìn thấy rõ lạm phát nhưng khi xung đột giữa Nga – Ukraine bất đồng từ cuối tháng 2, cộng hưởng với chính sách tiền tệ nới lỏng của 2 năm trước đã thổi bùng lên cơ sóng lạm phát.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân góp ý kiến tại tổ.

Khi cơn sóng lạm phát toàn cầu nổi lên, thậm chí đạt đỉnh cao nhất trong vòng 30-40 năm qua, các nước thường phải uống một “liều thuốc đắng”, rất sợ tăng lãi suất, thắt chặt tiền tệ, nước nào uống càng nhiều thì tác dụng phụ càng lớn.

Cho nên, theo ông Ngân dấu hiệu kinh tế thế giới hiện nay đang rơi vào suy giảm, thậm chí quốc tế đang đánh giá báo cáo IMF có khả năng một số quốc gia rơi vào suy thoái.

Ông nêu dẫn chứng, điển hình như Mỹ đã rơi vào suy thoái, ở quý I âm, quý II kinh tế tiếp tục tăng trưởng âm. Điều đó cho thấy kinh tế toàn cầu hiện nay IMF báo cáo mới nhất trong tháng 10/2022 dự báo kinh tế toàn cầu từ mốc 6% năm 2021 xuống 3,2% năm 2022, năm 2023 xuống 2,7% (tức theo xu hướng giảm dần.

Lạm phát toàn cầu cũng được dự báo sẽ tăng đỉnh trong năm 2022 là 8,8% nhưng sẽ giảm xuống trong năm 2023 là 6,5%.

Theo ông Ngân, xung đột Nga – Ukraine hiện vẫn còn tiếp tục kéo dài, OPEC lại tuyên bố cắt giảm khai thác dầu; hay khủng hoảng năng lượng châu Âu là một cảnh báo; chính sách zero Covid của Trung Quốc cũng có thể gây ra sự gián đoạn nguồn cung nguyên vật liệu và đứt gãy chuỗi cung ứng…

Tình hình phức tạp địa chính trị xuất hiện ở một số nơi có thể tạo ra một nguy cơ cản trở dòng chảy thương mại toàn cầu cũng như dòng vốn đầu tư quốc tế; biến đổi khí hậu phức tạp tác động đến sức khỏe con người, làm cho suy giảm và suy thoái của thế giới có khả năng gia tăng.

"Nêu những tình hình thức tạp trên để thấy năm nay chúng ta hoàn thành đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu, tôi cho đó là nỗ lực rất đáng trân trọng, giúp chúng ta có động lực để phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ, mục tiêu kinh tế - xã hội mà Đại hội Đảng toàn quốc đã đề ra và kế hoạch kinh tế - xã hội 2021-2025", ông Ngân nhấn mạnh.

Quyết liệt ổn định kinh tế vĩ mô

Với tình hình bên ngoài vẫn còn những yếu tố bất định, bất ổn với độ mở lớn ông Ngân cho rằng chúng ta đang gặp nhiều thách thức trong điều hành chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa trong thời gian tới. Do đó, đại biểu Ngân đề nghị cần phải quyết liệt hơn trong ổn định kinh tế vĩ mô trong thời gian tới, cụ thể là:

Cần phải tái cấu trúc mạnh hơn nữa thị trường tài chính, thị trường bất động sản và tạo ra một thể chế chặt chẽ và minh bạch.

Về thị trường trái phiếu, tôi nghĩ rằng đây là thị trường có vai trò rất quan trọng trong việc huy động vốn trung và dài hạn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, phải đảm bảo được thể chế rõ ràng, minh bạch, hiệu quả để kiểm soát thị trường này, đảm bảo cho người dân, doanh nghiệp khi giao dịch mua bán trái phiếu trên thị trường phải rõ ràng và minh bạch, có kiểm tra giám sát.

Đồng thời, phải đẩy nhanh xử lý các tổ chức tín dụng  yếu kém để tạo một thị trường hệ thống an ninh tiền tệ chặt chẽ, hiệu quả.

Cần xem xét thu hút FDI một cách chọn lọc, để giảm thâm hụt lao động cũng như thâm hụt năng lượng ở Việt Nam.

Không để tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ (Ảnh: Hữu Thắng).

Bên cạnh đó, cần điều hành thị trường xăng dầu một cách năng động hơn, quyết liệt hơn, hiệu quả hơn rút ngắn thời gian điều chỉnh giá xăng dầu, không để tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ khi mỗi lần chuẩn bị điều chỉnh giá cả. Về vấn đề này, công tác điều hành cần phải xem xét, tính toán điều hành cung cầu thế nào, giá cả, phí… là bài toán Chính phủ cần tập trung nhiều hơn.

"Do diễn biến của giá xăng dầu thời gian tới còn những diễn biến phức tạp, nên thời gian tới có thể ủy nhiệm cho UBTVQH có những quyết định liên quan đến vấn đề thuế, trong đó có thuế tiêu thụ đặc biệt cũng như thuế giá trị gia tăng. Đồng thời, cần quan tâm nhiều hơn nữa lĩnh vực văn hóa, xã hội nhất là lĩnh vực y tế, giáo dục", đại biểu Ngân đề nghị.

Liên quan tới chính sách về xăng dầu, ĐBQH Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp. HCM nhìn nhận cũng xảy ra những cú sốc nhỏ về xăng dầu, không đủ nguồn cung cho thị trường, làm cho người dân rất khó khăn có được nhiên liệu để phục vụ cho quá trình đi lại. Có rất nhiều nguyên nhân, trong đó chờ tăng giá cũng là nguyên nhân dẫn đến khan hiếm xăng dầu…


“Tôi cho rằng, Bộ Tài chính và Bộ Công thương thời gian qua điều hành chưa sát với tình hình thực tế của thị trường, thời gian tới cần phải khắc phục, hai Bộ cần phải phối hợp nhịp nhàng hơn. Nếu như chưa quyết được giá xăng và chi phí khác có liên quan thì dùng dự trữ có Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Nghi Sơn.  Như vậy, mới bình ổn được thị trường”, đại biểu Trần Anh Tuấn nêu .

Chia sẻ Facebook