Cần sớm điều chỉnh bảng giá đất

Chia sẻ Facebook
15/06/2022 08:06:12

Cục thuế các địa phương không được trả lại hồ sơ, không được kéo dài thời hạn giải quyết hồ sơ chuyển nhượng bất động sản (BĐS) mà phải tính thuế theo đúng quy định. Đây là chỉ đạo của Tổng cục Thuế vừa được gửi đến cơ quan thuế các địa phương.

Người dân làm thủ tục nhà đất tại chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai quận 7 (TP.HCM) - Ảnh: TỰ TRUNG


Cơ sở pháp lý cho việc tính thuế chuyển nhượng quyền sử dụng đất được nêu trong điều 17 của thông tư 92 năm 2015 của Bộ Tài chính rằng: giá tính thuế là giá ghi trên hợp đồng chuyển nhượng. Nếu hợp đồng chuyển nhượng không ghi giá hoặc ghi giá thấp hơn mức do UBND cấp tỉnh quy định, giá tính thuế là giá do UBND cấp tỉnh quy định tại thời điểm chuyển nhượng.

Với chỉ đạo trên của Tổng cục Thuế, nhiều người dân hy vọng sẽ chấm dứt tình trạng hàng nghìn hồ sơ chuyển nhượng BĐS bị một số cơ quan thuế "ngâm" nhiều tháng trời hoặc trả lại như đã diễn ra từ đầu năm đến nay. Mặt khác, cơ quan thuế địa phương cũng không bối rối với việc "xác định giá đúng" BĐS khi xử lý hồ sơ chuyển nhượng.

Trong thực tế, theo Tổng cục Thuế, từ đầu năm đến nay cả nước đã có khoảng 85.000 bộ hồ sơ chuyển nhượng BĐS phải kê khai lại giá và số thuế thu thêm tăng 222 tỉ đồng.

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội hôm 8-6, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết sau khi tăng cường quản lý thuế với hoạt động chuyển nhượng BĐS, 5 tháng đầu năm cả nước đã thu được khoảng 16.200 tỉ đồng, tăng 6.600 tỉ đồng so với cùng kỳ năm 2021.

Đặc biệt, có trường hợp sau khi được vận động đã kê khai lại giá giao dịch từ 500 triệu đồng lên thành 10 tỉ đồng. Rõ ràng tình trạng kê khai "nhà đất hai giá" để giảm tiền thuế thu nhập cá nhân và lệ phí trước bạ phải nộp đã xảy ra lâu nay, gây thất thu cho ngân sách nhà nước.

Việc Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế có giải pháp để siết quản lý thuế đối với hoạt động chuyển nhượng BĐS là cần thiết.

Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Ngọc Tú - chuyên gia về thuế, mục đích thu cho ngân sách bước đầu đạt kết quả tích cực nhưng biện pháp thực hiện của ngành thuế đang có những lỗ hổng pháp lý vì cơ quan thuế không có cơ sở công nhận hay từ chối công nhận mức giá chuyển nhượng nhà, đất ghi trong hợp đồng công chứng.

Việc cơ quan thuế kéo dài thời gian giải quyết hay trả lại hồ sơ chuyển nhượng BĐS cũng gây bức xúc cho người nộp thuế và ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của người dân. Gốc rễ của vấn đề gây thất thu thuế từ giao dịch chuyển nhượng BĐS là do bảng giá đất UBND tỉnh quy định thấp hơn nhiều so với thực tế.

Như giá đất ở đường Phan Đình Giót (Hà Đông), UBND TP Hà Nội quy định từ năm 2020 đến hết năm 2024 có giá cao nhất chưa đến 17 triệu đồng/m2, trong khi thực tế giá giao dịch cao hơn nhiều. Chính quyền địa phương chắc chắn biết rất rõ bất cập này song không điều chỉnh, bởi đây cũng là căn cứ để bồi thường cho dân khi lấy đất làm dự án.

Nếu điều chỉnh bảng giá đất sát giá thị trường, số tiền mà ngân sách bồi thường cho dân khi lấy đất làm dự án cũng tăng cao. Do đó, theo ông Tú, không thể bắt dân nộp thuế theo giao dịch nhưng chỉ bồi thường theo giá ở bảng giá do UBND các địa phương quy định.

Giải pháp để chống thất thu ngân sách, đảm bảo công bằng với dân là phải sửa bảng giá đất của UBND tỉnh, TP. Bởi việc thu thuế phải thực hiện đúng luật, chứ không thể ép dân như biện pháp đã triển khai trong mấy tháng vừa qua.

Thủ tướng sẽ chỉ quyết định giá đối với rất ít hàng hóa, dịch vụ đặc biệt quan trọng như đất đai, có thể xem xét bỏ quỹ bình ổn giá để giá xăng dầu được vận động hoàn toàn theo cơ chế thị trường.

Chia sẻ Facebook