Cần rà soát lại các quy định về quản lý điều hành giá xăng dầu
Muốn đảm bảo hài hòa lợi ích các bên, phải tạo được một thị trường xăng dầu cạnh tranh thực sự, không có doanh nghiệp thống lĩnh thị trường, giá cả để thị trường quyết định...
Khẩn trương rà soát quy định
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký Công điện số 1039/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ gửi Bộ trưởng các Bộ: Công Thương, Tài chính, Thông tin và Truyền thông; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc quản lý, điều hành mặt hàng xăng dầu.
Theo đó, xăng dầu là mặt hàng chiến lược, quan trọng, tác động trực tiếp đến ổn định kinh tế vĩ mô và sản xuất, sinh hoạt của doanh nghiệp, người dân. Trong thời gian qua, thị trường xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, nguồn cung không ổn định, giá biến động với biên độ lớn và thường xuyên.
Trong khi thị trường trong nước có hiện tượng một số doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu tại một số địa phương đóng cửa, tạm ngừng kinh doanh hoặc bán hàng với số lượng hạn chế đã gây ảnh hưởng nhất định đến tâm lý và đời sống sinh hoạt của người dân.
Để đảm bảo đảm thị trường xăng dầu hoạt động ổn định, lành mạnh, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng: Công Thương, Tài chính, Thông tin và Truyền thông, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện khẩn trương, nghiêm túc các chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ tại các văn bản: số 2790/VPCP-KTTH ngày 15-8-2022, số 6329/VPCP-KTTH ngày 23-9-2022, số 326/TB-VPCP ngày 12-10-2022, số 3785/VPCP-KTTH ngày 25-10-2022, số 3816/VPCP-KTTH ngày 27-10-2022, Thông báo số 341/TB-VPCP ngày 30-10-2022 và các văn bản có liên quan, trong đó tập trung các nhiệm vụ, giải pháp sau:
Một , Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan:
a) Tiếp tục chủ động bám sát diễn biến thị trường và quy định pháp luật trong công tác quản lý, điều hành mặt hàng xăng dầu để sớm khắc phục tình trạng nêu trên; bảo đảm nguồn cung xăng dầu phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân trong mọi tình huống.
b) Tiếp tục chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, doanh nghiệp phân phối kinh doanh xăng dầu chủ động phối hợp, cân đối từ nguồn sản xuất trong nước và nguồn nhập khẩu nhằm bảo đảm duy trì nguồn cung xăng dầu liên tục cho thị trường trong nước.
c) Thường xuyên kiểm tra, giám sát, kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với các hành vi đầu cơ găm hàng, buôn lậu xăng dầu qua biên giới và các hành vi vi phạm khác trong kinh doanh xăng dầu; đồng thời khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm nguồn cung xăng dầu và an ninh năng lượng quốc gia.
d) Khẩn trương rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 1-11-2021 và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3-9-2014 về kinh doanh xăng dầu, nhất là các quy định về thời gian điều hành giá xăng dầu; quỹ bình ổn giá xăng dầu; việc thống nhất đầu mối quản lý nhà nước về kinh doanh xăng dầu; các tiêu chuẩn, điều kiện, quyền và nghĩa vụ của thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối và các quy định không hợp lý khác cần sửa đổi, bổ sung…; bảo đảm khoa học, hợp lý, khả thi, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của tình hình thực tiễn và công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.
Hai , Bộ Công Thương, Bộ Tài chính theo chức năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương thực hiện các chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ về việc hoàn thiện Chiến lược phát triển dự trữ quốc gia đến năm 2030 và các văn bản có liên quan; bảo đảm duy trì nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước trong mọi tình huống, đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân; hài hòa lợi ích của nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
Ba, các Bộ: Công Thương, Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẩn trương phối hợp chặt chẽ với các Hiệp hội, các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu để rà soát, tổng hợp các vấn đề vướng mắc phát sinh, chủ động xem xét, xử lý theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Bốn, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính bảo đảm cung cấp kịp thời, khách quan, trung thực các thông tin liên quan đến xăng dầu, phản ánh tổng thể tình hình thị trường xăng dầu trên thế giới và trong nước trong bối cảnh có nhiều khó khăn như hiện nay.
Năm , UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ được giao kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh của các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn theo quy định; yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn cam kết thực hiện nghiêm quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và Nghị định số 95/2021/NĐ-CP; thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động kinh doanh xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn, việc tuân thủ quy định về niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết, thời gian đăng ký bán xăng dầu...; trường hợp phát hiện có sai phạm, xử lý nghiêm theo quy định.
Tiến tới cơ chế thị trường
Theo PGS.TS. Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, mục tiêu của kinh doanh xăng dầu là lợi nhuận, giá xăng dầu tăng cao thì lợi nhuận cao. Trong bối cảnh giá cả biến động thường xuyên, liên tục, nhưng điều kiện thị trường xăng dầu còn có những doanh nghiệp thống lĩnh thị trường, thì buộc Nhà nước phải quy định giá với tần suất điều chỉnh theo chu kỳ 10 ngày một lần.
“Dù chu kỳ này đã giảm nhiều so với trước đây, nhưng giá xăng dầu trong nước cũng không thể biến động theo kịp giá thế giới, vì có lúc đầu mối nhập khẩu phải mua xăng dầu với giá rất cao, đến kỳ điều chỉnh giá lại xuống thấp. Chính điều kiện không nhịp nhàng này đã dẫn đến hiện tượng găm hàng mỗi khi giá xăng dầu thế giới tăng hoặc giảm, hoặc mỗi một lần có sự điều chỉnh xăng dầu trong nước.
Thực trạng này xảy ra một cách thường xuyên, Bộ Công Thương cũng đã rất quyết liệt xử lý dù chưa có biện pháp hình sự, nhưng đều có biện pháp tổ chức và hành chính, cụ thể là rút giấy phép doanh nghiệp xăng dầu vi phạm hoặc phạt tiền.
Khi thế giới đang khủng hoảng năng lượng do rất nhiều nhân tố, từ dịch bệnh, cung cầu, đến xung đột Nga - Ukraine khiến giá cả thường xuyên biến động và có xu hướng tăng cao. Tại Việt Nam, do thị trường xăng dầu chưa có sự cạnh tranh thực sự nên giá vẫn do Nhà nước quy định và nếu không điều hành một cách nhịp nhàng, cùng với đà tăng giảm của giá thế giới, thì chắc chắn hiện tượng găm hàng sẽ vẫn còn tiếp diễn, ảnh hưởng đến quyền lợi của nhà sản xuất, của người có nhu cầu tiêu dùng”, PGS.TS. Ngô Trí Long phân tích.
Vị PGS cũng bày tỏ sự đồng tình với cách làm và sự quyết liệt của Bộ Công Thương thời gian qua, khi xử phạt những doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu làm ăn không chân chính, vì động cơ lợi nhuận đã lợi dụng khủng hoảng để tạo ra nguồn cung mất cân đối giả tạo. Trong khi đó, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết đã tính toán một cách chặt chẽ về tổng cung và tổng cầu xăng dầu cho thị trường.
Có một số dư luận trái chiều, hay một số doanh nghiệp phản ứng từ cách hành xử của Bộ Công Thương, thậm chí có những doanh nghiệp đã gửi báo cáo lên Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Công Thương để lý giải những hành động này là chưa chuẩn xác, chưa thấu tình đạt lý. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, nếu chúng ta không kiên quyết, không mạnh tay, thì hiện tượng gây mất cân đối cung cầu xăng dầu một cách giả tạo sẽ dẫn đến nguồn cung năng lượng bị thiếu hụt, ảnh hưởng đến sản xuất tiêu dùng, đến cuộc sống người dân, cũng như vấn đề an ninh năng lượng quốc gia.
“Nước ta hiện nay dù có 36 đơn vị kinh doanh đầu mối xăng dầu, nhưng thực chất còn có những doanh nghiệp thống lĩnh thị trường. Để tránh tình trạng doanh nghiệp tự định giá, gây tác hại cho người tiêu dùng thì buộc nhà nước phải quy định giá nhưng mặt trái là không thể bắt nhịp, theo kịp thị trường thế giới.
Đồng thời, muốn dẹp bỏ hiện tượng gây bất bình trước công luận là mỗi lần điều chỉnh tăng giá, các cây xăng, đại lý bán hàng lại treo biển hết xăng, thì chúng ta phải có chế tài xử phạt hết sức nghiêm minh. Tuy nhiên, cũng phải tính toán, cân đối xem việc xử phạt đó có gây hệ lụy đến nguồn cung hay không? Thực tế từ quý 3 trở đi, nguồn cung xăng dầu của chúng ta đã đảm bảo và dự báo có khả năng đảm bảo trong nước từ 60-70%, vì vậy với cách làm quyết liệt của Bộ Công Thương là cần thiết nhưng cũng nên thận trọng và phải tính toán các hệ lụy liên quan”, vị chuyên gia khuyến nghị.