Cần quy định thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài
Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đề xuất có quy định chung về thực hiện dân chủ tại tất cả các loại hình doanh nghiệp và quy định chi tiết về dân chủ trong doanh nghiệp nhà nước.
Ngày 23-3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật đồng ý phương án đổi tên luật như Chính phủ đề nghị và cho rằng cần xác định thôn, tổ dân phố cũng là đơn vị cơ sở để người dân thực hiện dân chủ.
Về thực hiện dân chủ ở cơ sở tại doanh nghiệp - đây là nội dung Chính phủ xin ý kiến Quốc hội vì còn có 2 loại ý kiến khác nhau, cơ quan thẩm tra cũng có 2 loại ý kiến chính.
Một số tán thành với đề xuất của Chính phủ là luật chỉ quy định có tính nguyên tắc về việc thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp, nhưng để bảo đảm tương xứng, cân bằng với các loại hình dân chủ ở cơ sở khác, đề nghị bổ sung vào dự thảo luật một chương riêng quy định về thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp, trong đó có thể luật hóa một số nội dung về thực hiện dân chủ tại nơi làm việc (doanh nghiệp) hiện được quy định trong nghị định của Chính phủ.
Tuy nhiên, đa số ý kiến trong cơ quan thẩm tra cho rằng bên cạnh các quy định đã có của pháp luật về lao động, dự thảo luật nên tập trung quy định việc thực hiện dân chủ ở cơ sở đối với doanh nghiệp nhà nước, là nơi trực tiếp quản lý, sử dụng nguồn lực của Nhà nước, nhằm góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nguồn lực đầu tư của Nhà nước và kiểm soát tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
Ý kiến tham gia thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội về nội dung này cũng còn khác nhau.
Ngoài các loại ý kiến trên, có ý kiến còn đề nghị không quy định về thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp vì cơ chế thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp khác rất nhiều so với dân chủ trong cơ quan nhà nước hay ở xã, phường, thị trấn; các nội dung đang được quy định tại pháp luật về lao động, trong Bộ luật dân sự, Luật doanh nghiệp… và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn.
Do đó nếu quy định trong luật không đưa ra được những nội dung mới, đặc thù sẽ dẫn đến chồng chéo, trùng lặp trong hệ thống pháp luật.
Góp ý dự án luật, Phó chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng c òn tình trạng dân chủ hình thức, chưa thật lắng nghe ý kiến nhân dân hay quyền làm chủ của nhân dân còn bị vi phạm, tham nhũng, quan liêu, sách nhiễu chưa được ngăn chặn, đẩy lùi.
Bên cạnh đó còn có tình trạng lợi dụng dân chủ để chống đối, xuyên tạc gây mất an ninh trật tự, chia rẽ nội bộ, do đó theo ông Mẫn, tờ trình, báo cáo cần đánh giá rõ.
Về dân chủ cơ sở ở doanh nghiệp, trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh nói nên có quy định chung về thực hiện dân chủ cơ sở cho tất cả các loại hình doanh nghiệp và có quy định kỹ hơn với doanh nghiệp nhà nước vì có nhiều nội dung liên quan tổ chức bộ máy, ngân sách nhà nước, cơ chế chính sách.
Tuy vậy, theo bà Thanh, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài... đang chiếm tỉ lệ rất lớn không quy định trong luật này, mà để điều chỉnh ở luật chuyên ngành thì chưa đủ sức mạnh thực hiện dân chủ.
Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị cân nhắc thấu đáo nhận thức về nội hàm “dân chủ”, để quy định với mức độ phù hợp, phòng tránh việc các đối tượng xấu lợi dụng để chống phá...
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh đây là dự án luật quan trọng và khó vì phạm vi điều chỉnh rộng, nhiều loại hình, nhiều chủ thể. Do đó cần được nghiên cứu, đầu tư kỹ lưỡng, kể cả ở cơ quan trình và cơ quan thẩm tra để đảm bảo chất lượng trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3 vào tháng 5 tới.
"Yêu cầu phải có văn bản luật để thực hiện dân chủ ở cơ sở một cách thực chất, hiệu quả, đi vào cuộc sống, tránh hình thức, phô trương", ông Huệ nói.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, cần làm rõ vì sao Việt Nam có quy định rồi mà 16 năm vẫn không triển khai được Quỹ phát triển điện ảnh và đừng có lập quỹ cho bằng được.