Cần quản lý khoản phí phát sinh của các nền tảng ngoại
Sau một thời gian bơm tiền chiếm lĩnh thị trường, hàng loạt nền tảng ngoại giờ đang có xu hướng bổ sung các loại phụ phí mới.
Sau dịch COVID-19, mua sắm trực tuyến trở thành một nhu cầu thiết yếu của người dùng. Riêng mảng đồ ăn thậm chí tăng trưởng tới 72% so với trước dịch. Nhưng điều đó cũng khiến người mua, người bán ngày càng phụ thuộc và khó khăn trước các khoản phí mới.
Anh Tùng - chuyên gia về ngành hàng F &B, chủ thương hiệu PizzaHome cho hay: "Một số nhà hàng phải tối ưu các khoản chi phí vận hành khác của mình để tiếp tục kinh doanh mới có thể có một phần lãi. Mức lợi nhuận đang trung bình khoảng 30% mà cắt tiền phí nền tảng 25%, còn mỗi 5% cho chi phí khác nữa thì không bao giờ đủ được, nghĩa là càng bán càng lỗ".
Theo các chuyên gia, cần phải có các quy định quản lý cụ thể cho các khoản phí mà nền tảng đưa ra. Mới đây, Grab cũng đã phải dừng thu khoản phụ phí nắng nóng sau khi có yêu cầu từ Cục Cạnh tranh và ảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương.
"Thứ nhất, rà soát chính sách về giá, phí và phụ phí nhằm đảm bảo tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật về cạnh tranh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Thứ hai, cần thông báo rõ ràng về cơ chế phân chia nguồn thu từ các loại phí, phụ phí", bà Hoàng Thị Thu Trang - Phó trưởng phòng, Phòng Điều tra hành vi hạn chế cạnh tranh, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương cho hay.
Bên cạnh đó, việc phát triển và thúc đẩy các nền tảng nội để hạn chế độc quyền và đáp ứng nhu cầu tham gia kinh tế số của người dân và doanh nghiệp cũng được là giải pháp bền vững cho vấn đề này.