Cần nhưng không được vội
"Hà Nội chưa có chủ tịch chính thức phải không? Phải chọn người cho đúng, quan trọng là công tác cán bộ". Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh như vậy trong buổi tiếp xúc cử tri ngày 23-6...
Thời điểm đó, Tổng bí thư nói về lựa chọn nhân sự thay thế cho những vị trí quan trọng sau khi có những cán bộ bị kỷ luật.
Ông phân tích: "Chuẩn bị người thay lại phải chọn người cho đúng, cho chính xác, chứ không phải vội vàng, lại đưa vội người nào đó lên kế tục ngay. Nếu không chín chắn thì không chính xác, nhỡ tiêu cực thì sao?".
Dù có người lo lắng "xử lý hết cán bộ thì lấy đâu người làm việc", nhưng lò càng nóng thì càng có điều kiện để sàng lọc cán bộ, chọn người phù hợp. Khi cán bộ đã bị xử lý, lại không chọn kỹ người thay thế thì sẽ mất cả niềm tin, những đổ vỡ có thể còn lớn hơn nữa.
Chậm mà chắc là vậy. Chậm để tránh những người "nhanh chân" chạy chọt, cơ hội mà Tổng bí thư đã nhiều lần nhắc nhở "đừng thấy đỏ mà tưởng chín". Không thể vội vàng vì phải rà soát thật kỹ, tuyệt đối tránh sai sót, làm mất niềm tin của nhân dân.
Việc lựa chọn và giáo dục cán bộ luôn được Đảng ta coi trọng. Sinh thời, ngay khi nước nhà vừa giành được độc lập, trong Thư gửi ủy ban nhân dân các kỳ, huyện, tỉnh và làng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chấn chỉnh, lên án gay gắt những biểu hiện không thể chấp nhận đối với những người làm cán bộ:
"Cậy thế mình ở trong ban này ban nọ, rồi ngang tàng phóng túng, muốn sao được vậy, coi khinh dư luận, không nghĩ đến dân. Quên rằng dân bầu mình ra là để làm việc cho dân, chứ không phải để cậy thế với dân...
Lấy của công dùng vào việc tư, quên cả thanh liêm, đạo đức... Kéo bè, kéo cánh, bà con bạn hữu mình, không tài năng gì cũng kéo vào chức này chức nọ. Người có tài có đức nhưng không vừa lòng mình thì đẩy ra ngoài. Quên rằng việc là việc công, chứ không phải việc riêng gì dòng họ của ai...".
Thực ra các quy định về quy trình, tiêu chuẩn lựa chọn cán bộ rất công phu, bài bản. Để chọn được đúng cán bộ phải rà soát các quy định về tài sản, vợ con, rà soát những việc cán bộ đã làm trước khi được giao trọng trách.
Thế nhưng quy trình nào thì cũng được vận hành bằng những con người cụ thể. Làm sao để tránh chọn nhầm người là việc không dễ. Bài học về tình trạng cục bộ địa phương, bè phái, "cánh hẩu" vẫn là nỗi lo thường trực về công tác cán bộ.
Chính sự thiếu công tâm ngay từ ban đầu sẽ dễ dẫn đến chuyện bao che, "cái nẩy sẩy cái ung", cán bộ "nhúng chàm" vì thiếu tu dưỡng, cậy có ô dù, "ông anh, bà chị" che chắn. Nếu chưa đến mức ấy thì cũng là đẩy người có năng lực ra rìa, đưa người "hợp vía", yếu kém, leo cao, chui sâu vào bộ máy vì biết cách vừa lòng, vì đồng hương, "biết điều".
Cũng từ chuyện "cánh hẩu", phe nhóm mà âm ỉ "cua cậy càng, cá cậy vây", chỉ nhăm nhăm lợi ích cá nhân, để vợ con, người thân làm bậy, thao túng, như nhiều bài học nhãn tiền.
Thế nên tìm người đúng thay thế cán bộ bị kỷ luật là việc rất cần thiết nhưng lại không thể vội. Cũng không sợ kỷ luật hết cán bộ lấy ai làm việc như có người từng lo lắng.
"Con chị nó đi, con dì nó lớn", ông trưởng chưa có thì cứ để ông phó tạm quyền, rồi sàng lọc, chọn người cho kỹ lưỡng. Quan điểm rất rõ ràng của người lãnh đạo cao nhất của Đảng đã làm lòng dân thêm tin tưởng.
Chọn đúng người nhưng cũng cần xác lập môi trường tốt, giám sát chặt để người tốt sẽ tốt thêm lên, cán bộ hoàn thiện thêm phẩm chất, kỹ năng, làm việc hiệu quả. Cán bộ chọn kỹ đến mấy nếu môi trường không tốt, bị cám dỗ, bị cạnh tranh thiếu lành mạnh cũng sẽ khó phát huy.
"Lửa thử vàng", công tác cán bộ luôn được Đảng quan tâm, làm chặt chẽ, kỹ lưỡng. Với tinh thần ấy, hy vọng đội ngũ cán bộ sẽ thêm mạnh, thêm vững, việc chặt vài cành cây sâu sẽ làm cả cái cây, cả cánh rừng xanh tốt, khỏe mạnh như mục tiêu Đảng đặt ra khi đẩy mạnh công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết lúc đầu cả ông Nguyễn Thanh Long và Chu Ngọc Anh chưa nhận thức hết sai phạm của mình nhưng cuối cùng đều nhận thức, hứa hẹn sẽ sửa chữa thế này, thế khác. Hiện 2 ông này đã bị bắt tạm giam để điều tra.