“Cần nhanh chóng kết thúc câu chuyện trái phiếu hiện nay”

Chia sẻ Facebook
15/11/2022 22:14:43

"Trái phiếu được gọi tên tác nhân chính tác động tới thị trường hiện nay, cần nhanh chóng đưa ra giải pháp để kết thúc câu chuyện trái phiếu hiện nay. Cần phân loại rõ những doanh nghiệp nào được định nghĩa là đàng hoàng, doanh nghiệp nào không đàng hoàng".

Trái phiếu doanh nghiệp, theo ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng giám đốc CTCK Đông Á vẫn là tác nhân chính tác động xấu tới diễn biến thị trường chứng khoán hiện nay.

Ông có phân tích gì về diễn biến thị trường chứng khoán hiện nay?

Thị trường đang chịu nhiều áp lực thông tin không lường trước, thông tin cục bộ. Chẳng hạn, sự kiện HOSE, HNX bị rút khỏi liên minh sở, lập tức xuất hiện lời đồn các quỹ ETF rút khỏi thị trường Việt Nam, theo đó nhà đầu tư bán mạnh.

Nếu nhìn vào kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong VN30 và trên sàn nói chung vẫn tốt, tăng trưởng 17-18%. Ngoại trừ một số ngành như thép bị ảnh hưởng bởi tăng tỷ giá, ít nhất phải hết quý 4 này, thị trường tiêu thụ chậm, lượng hàng tồn kho cao, nhưng một số ngành vẫn thuận lợi.

Tôi cho rằng, tất cả nguyên do quy lại vấn đề thông tin thị trường trái phiếu. Đây là thị trường "ầm ĩ" thời gian qua, chưa có dấu hiệu chấm dứt. Ban đầu thị trường này màu mỡ nhưng khi phát triển quá nóng, Chính phủ thấy có nhiều lỗ hổng cần minh bạch trở lại. Nhưng có thể thấy chúng ta phanh thị trường quá gấp làm cho hàng hoạt doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn.

Trên thị trường chứng khoán, doanh nghiệp bất động sản chiếm tỷ trọng lớn, khoảng 15%, chỉ xếp sau ngân hàng. Thị trường bất động sản lại tác động tới hàng loạt lĩnh vực khác. Vì vậy, nếu xét tổng dư nợ trái phiếu riêng bất động sản không phải quá lớn nhưng liên đới nhiều ngành nên khi bất động sản bị ảnh hưởng thì nhiều nhóm ngành liên quan bất động sản cũng tác động bị theo.

Ngoài việc lãi suất ngân hàng tăng, dòng tiền vốn rẻ không còn, nhà đầu tư thấy TTCK không đủ hấp dẫn nên rút tiền ra, thì USD tăng làm cho nhiều doanh nghiệp vay USD phải trích lập. Có thể kể đến HPG, MWG, ngoài trả lãi suất bằng USD còn phải chịu ảnh hưởng từ tỷ giá tăng.

VN-Index giảm từ hơn 1.500 điểm xuống vùng 950 điểm hiện nay chịu tác động bởi bức tranh nhiều góc độ chứ không chỉ riêng trái phiếu. Nhưng có thể thấy trái phiếu là tác nhân chính yếu.


Ông có bình luận gì về lo ngại giải chấp cổ phiếu?

Thực chất TTCK bây giờ mới lộ rõ ra vấn đề, các ông chủ doanh nghiệp vay tiền từ CTCK bằng cách thế chấp cổ phiếu đang nắm giữ. Họ vay quá dễ dàng, các cổ phiếu giảm tác động dây chuyền lớn trên TTCK, đặc biệt là cổ phiếu bất động sản.

Khi xảy ra việc các CTCK dự đoán nhóm bất động sản chịu ảnh hưởng lớn, dòng tiền khó tới đầu quý 1/2023 nên CTCK bóp margin từ nhóm này. Các CTCK đồng loạt cắt margin theo. Chính vì vậy các ông chủ doanh nghiệp không xoay sở dòng tiền kịp. Nếu như các năm trước, dòng tiền doanh nghiệp cuối năm khá tốt, năm nay như là năm hạn của bất động sản. Bởi bản thân ngân hàng cũng siết, đầu ra của bất động sản đóng băng dẫn đến dòng tiền bị tắc.

Trên sàn, có những cổ phiếu bất động sản giảm từ 80.000 đồng xuống còn hơn 20.000 đồng/cp cho dù những cổ phiếu trong ngành tốt thì nhà đầu tư vẫn so sánh. Họ có thể bán cổ phiếu đang có giá 40.000 đồng để canh mua vào cổ phiếu đã giảm về còn 20.000 đồng. Như vậy cả nhóm cổ phiếu bất động cùng bị kéo xuống.

Ngoài ra, có điểm khác quan trọng, cổ phiếu cũng là tài sản đảm bảo cho nên khi cổ phiếu trên sàn bị CTCK cắt margin khiến giá cổ phiếu giảm. Theo đó giá tài sản đảm bảo cho phát hành trái phiếu cũng giảm. Đơn vị làm phát hành thì yêu cầu các ông chủ doanh nghiệp bổ sung tài sản. Như trường hợp DIG thế chấp 55 triệu cổ phiếu, giá cổ phiếu rớt mạnh nên doanh nghiệp bị yêu cầu bổ sung thêm tài sản thế chấp. Tôi cho rằng còn nhiều đơn vị khác rơi vào tình trạng như vậy.

Hệ lụy của thị trường, các ông chủ dễ dàng vay tiền không đưa ra các giải pháp chống rủi ro khi tắc dòng tiền bâu giờ là bài toán rất rõ. Hầu hết các đơn vị bất động sản không đưa ra giải pháp nào để chống khủng hoảng tắc dòng tiền. Một ngành giảm quá sâu thì ảnh hưởng dây chuyền nên thị trường giảm sâu.


Theo ông xu hướng giảm hiện nay có hãm lại?

Dù chúng ta vừa rồi nhận được nhiều thông tin từ bên ngoài. Trước đây chúng ta cho rằng quyết định của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) ảnh hưởng tới thị trường, CPI Mỹ đang có xu hướng giảm, có vẻ biện pháp chống lạm phát của Mỹ bắt đầu phát huy tác dụng, tăng chậm hoặc có xu hướng giảm. Nên kinh tế Mỹ vẫn chưa rơi vào khủng hoảng khi GDP quý 3 vừa qua vẫn tăng nhẹ.

Nhìn trong hai quý tới, Mỹ có khả năng kiểm soát được lạm phát, có thể lãi suất tăng chậm lại. Đó là thông tin tích cực cho thế giới. Điều đó phản ánh ngay khi cuối tuần rồi USD-Index giảm, tỷ suất trái phiếu dài hạn giảm, nhiều đồng tiền trên thế giới tăng như bảng Anh. Cho thấy niềm tin nhà đầu tư thế giới trở lại.

Nhưng tâm lý đang bao phủ ở TTCK Việt Nam chưa có biện pháp giải tỏa. Mặc dù Chính phủ vừa rồi họp bàn giải cứu thị trường bất động sản.

Hiện trái phiếu đối mặt đáo hạn. Tại sao doanh nghiệp hiện nay dù vay trái phiếu dài hạn nhưng vẫn tranh thủ quyết liệt trả trước hạn. Có lẽ các "ông chủ" có sự lo sợ, họ gom dòng tiền trả trái chủ cho nhanh. Thay vì có dòng tiền tập trung hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng bây giờ do thị trường đang định nghĩa doanh nghiệp nào phát hành trái phiếu là có vấn đề, nên các doanh nghiệp mua lại trước hạn.

Cho nên hầu như những tháng còn lại của năm các hoạt động của doanh nghiệp rơi vào trạng thái khá dè dặt. Cuối năm không có quá nhiều điều tích cực, đặc biệt thị trường bất động sản. Mặc dù có nhiều tin nhưng thị trường vẫn khó.

Nếu như chúng ta không có giải pháp, cứ để trôi hoài thì không xác định được TTCK nằm ở đâu. Nhiệm vụ lớn của nhiều doanh nghiệp hiện nay lo xoay sở dòng tiền nhiều hơn là triển khai sản xuất kinh doanh. Những doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng, chất lượng tài sản tốt cũng bị ảnh hưởng.

Tổng dư nợ trái phiếu hiện nay so với toàn bộ dư nợ thì tỷ trọng là thấp, không có gì đáng lo ngại. Lo ngại lớn là tài sản thế chấp nằm ở cổ phiếu nhiều. Mà cổ phiếu giảm giá tốc độ như hiện nay thì loay hoay không có bài toán giải quyết.

Ông đánh giá gì về thông tin được UBCK mới đây đưa ra, trong đó có các giải pháp phát triển thị trường?

Chúng ta bắt mạch được lý do TTCK giảm là do tâm lý nhà đầu tư. Mua chứng khoán là dựa vào gì? Dựa vào niềm tin, kỳ vọng. Bây giờ không có niềm tin, không có kỳ vọng thì tâm lý nhà đầu tư xấu. Vậy bài toán cần giải hiện nay là lấy lại niềm tin với nhà đầu tư.

Chúng ta cần đưa ra ngay giải pháp để củng cố niềm tin để ngày mai nhà đầu tư có hành động như thế nào. Thực tế hiện nhà đầu tư không muốn bán, nhưng giá ngày nào cũng giảm thì họ khó giữ cổ phiếu, phải bán để cắt lỗ, thậm chí họ không bán thì CTCK cũng cắt lỗ.

Một trong những giải pháp trong tầm tay đó là làm minh bạch thị trường phái sinh. Thị trường phái sinh đang là thị trường quá rủi ro, tác động quá lớn tới thị trường cơ sở. Trong khi thị trường cơ sở mới là nền tảng, thông qua đó doanh nghiệp huy động vốn từ cổ phiếu, trái phiếu. Thị trường cơ sở bây giờ đang là công cụ, thị trường phái sinh mới là chính. Nếu không nuôi thị trường cơ sở mà lại nuôi thị trường phái sinh thì không còn ý nghĩa. Phái sinh là công cụ phòng ngừa rủi ro nhưng thực tế lại quá rủi ro.

Giải pháp có thể làm là gì? Tôi cho rằng, chúng ta có thể tăng tỷ lệ ký quỹ trên phái sinh. Điều này sẽ hạn chế thành phần tham gia, người tham gia ít thì khả năng thao túng giảm, ít tác động tới thị trường cơ sở.

Về việc điều chỉnh giá thanh toán cuối cùng trong ngày đáo hạn phái sinh, theo đó không lấy giá đóng cửa phiên ATC của thị trường cơ sở vào ngày đáo hạn phái sinh mà lấy giá trung bình trong 30 phút cuối cùng trước khi đóng cửa của thị trường cơ sở. Thực tế 30 phút hay 60 không vấn đề. Hiện nay cổ phiếu về phiên chiều, thị trường đang bị giải chấp nhiều, công ty chứng khoán đợi cổ phiếu về là giải chấp. Cho nên phiên chiều trở nên mệt mỏi với nhà đầu tư. Phiên chiều trở thành con dao hai lưỡi.


Xin cảm ơn ông!

Chia sẻ Facebook