Cần nghiên cứu tác động của thuốc lá thế hệ mới trước khi thí điểm
Theo BS Nguyễn Hải Công, bất kỳ sản phẩm nào có tác động đến sức khỏe, dù là thuốc lá làm nóng hay thuốc lá điện tử đều cần được nghiên cứu một cách toàn diện.
Chưa phải thời điểm thích hợp
Thuốc lá thế hệ mới bao gồm thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng, là khái niệm khá mới mẻ ở Việt Nam với sự khác biệt lớn nhất là không có quá trình đốt cháy như thuốc lá truyền thống.
Mặc dù chưa có cơ chế quản lý cụ thể, chưa được phép lưu hành, kinh doanh nhưng các sản phẩm thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng đã có mặt nhiều nơi trên thị trường trong một thời gian dài.
Người tiêu dùng tại Việt Nam có thể dễ dàng tiếp cận các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới không rõ nguồn gốc trên thị trường.
Do vậy, vào cuối năm 2022, Bộ Công Thương đã đề xuất cho phép thí điểm nhập khẩu, lưu thông thuốc lá làm nóng như một sản phẩm thuốc lá trong thời gian 2 năm.
Còn đối với thuốc lá điện tử, Bộ Công Thương đề xuất nên tiếp tục nghiên cứu, đánh giá kỹ các bằng chứng khoa học liên quan đến sự an toàn của dung dịch thuốc lá điện tử. Tuy nhiên, đề xuất này còn nhiều ý kiến trái chiềucả về mặt quản lý, cũng như sức khỏe người tiêu dùng.
Nhìn nhận dưới góc độ y tế, BS Nguyễn Hải Công, Chủ nhiệm Khoa Lao và Bệnh Phổi, Bệnh viện Quân y 175 cho biết, hiện nay, giải pháp được coi là sự thay thế, giảm thiểu tác hại cho những người khó bỏ thuốc lá truyền thống đang ngày càng phổ biến trong cộng đồng phải kể đến thuốc lá thế hệ mới (bao gồm thuốc lá làm nóng và thuốc lá điện tử).
Các nước phát triển như Anh, New Zealand, Hoa Kỳ, Canada... cũng đã nhìn nhận về tiềm năng giảm thiểu tác hại của một số thành phần trong thuốc lá thế hệ mới, cho phép lưu hành và có những khuyến cáo người dùng chuyển dần sang các sản phẩm này vì trách nhiệm với bản thân và cộng đồng.
Tuy nhiên, Việt Nam chưa chính thức cho phép nhập khẩu và lưu thông các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới.
Theo BS Nguyễn Hải Công, hiện chưa có báo cáo hay nghiên cứu chính thức nào từ cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam về thuốc lá làm nóng nói riêng, hay thuốc lá thế hệ mới nói chung (như thành phần, các chất sinh ra khi làm nóng để không tạo khói, công nghệ sử dụng...).
Đồng thời, cũng chưa có thống kê và đánh giá tác động của thuốc lá thế hệ mới đối với người tiêu dùng và thị trường Việt Nam.
“Gần đây có ý kiến đề xuất thí điểm thuốc lá thế hệ mới. Tuy nhiên, tôi cho rằng đây chưa phải thời điểm thích hợp để thí điểm thuốc lá thế hệ mới.
Bởi vì, bất kể sản phẩm nào có tác động đến sức khỏe, dù là thuốc lá điện tử hay thuốc lá làm nóng đều cần được nghiên cứu một cách nghiêm túc và toàn diện, trước khi cho lưu thông để đảm bảo rằng chúng ta sẽ có cơ chế hợp lý phù hợp với tiềm năng giảm thiểu rủi ro của thuốc lá thế hệ mới (nếu có);
Đồng thời, cũng để đảm bảo khi chúng ta cho phép lưu thông dòng sản phẩm này sẽ tạo điều kiện người tiêu dùng tiếp cận với các sản phẩm hợp pháp đảm bảo chất lượng”, BS Hải Công cho biết.
Để có thể hiện thực hóa điều này, BS Hải Công cho rằng, cần có sự chuẩn bị kỹ càng về cơ sở khoa học, cơ sở kỹ thuật, cơ sở pháp lý để đảm bảo các sản phẩm thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng này được quản lý một cách toàn diện, đồng bộ và phù hợp.
Tiếp tục nghiên cứu tác động
Cũng chia sẻ với báo chí quan điểm trước đề xuất về thí điểm thuốc lá thế hệ mới, Bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho rằng nếu cho phép thí điểm sẽ dẫn đến hậu quả nặng nề cũng như nhiều vướng mắc pháp lý.
Cụ thể, chưa có đủ dữ liệu đánh giá tác động chính sách, đặc biệt là tác hại đến sức khỏe, xã hội, gánh nặng bệnh tật, hệ lụy cho giới trẻ và chi phí, tác động xã hội…
Bộ Y tế cũng cho rằng, hiện Việt Nam chưa đủ điều kiện bảo đảm cho việc xây dựng và thực hiện chính sách thí điểm thuốc lá mới do thuốc lá mới có chứa nhiều thành phần hoá học, phụ gia và hương liệu có hại cho sức khoẻ mà ngay cả các quốc gia có nền khoa học kỹ thuật tiên tiến vẫn chưa đủ điều kiện để phân tích, kiểm nghiệm.
Cũng theo Bộ Y Tế, nếu cho phép thí điểm thuốc lá thế hệ mới, các bộ sẽ phải xây dựng và ban hành hàng loạt cơ chế, quy định cho việc thí điểm bao gồm quản lý kinh doanh , cấp phép, xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn sản phẩm, cảnh báo sức khoẻ…
Đưa ra khuyến cáo để các cá nhân sử dụng thuốc lá có trách nhiệm, không gây ảnh hưởng đến sức khỏe của mọi người xung quanh, Chủ nhiệm Khoa Lao và Bệnh Phổi nhấn mạnh trách nhiệm này bao gồm hai phần: Trách nhiệm với cộng đồng và trách nhiệm với bản thân.
Với cộng đồng, người sử dụng thuốc lá cần tuân thủ chặt chẽ quy định không hút thuốc tại nơi công cộng, gần trẻ nhỏ hay phụ nữ mang thai,... để tránh khói thuốc ảnh hưởng đến môi trường, sức khoẻ của người khác.
Với bản thân, phương thức lý tưởng nhất là người dùng cố gắng cai nghiện thuốc lá thông qua việc hạn chế, giảm liều lượng sử dụng, bỏ hẳn hút thuốc, không sử dụng thuốc lá trong thời gian dài hoặc cân nhắc giải pháp giảm thiểu tác hại.
Năm 2022, tại tọa đàm "Đề xuất thí điểm thuốc lá thế hệ mới: Liệu đã chín muồi?", ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chia sẻ, chúng ta có thể tận dụng kết quả nghiên cứu của các nước khác, nhưng không có nghĩa chúng ta mang nguyên kết quả này áp dụng với Việt Nam. Vì họ đánh giá dựa trên mẫu người dùng và những sản phẩm được lưu hành trong nước sở tại, trong khi trong tay chúng ta hiện chưa có gì.
ĐBQH Phạm Văn Hòa, Uỷ viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng nhận định, luật pháp của chúng ta quy định tiêu chuẩn, tiêu chí của thí điểm là phải có khảo sát, thống kê, đánh giá tác động về mặt lợi và hại của một sản phẩm. Tuy nhiên, tính tới thời điểm này, Việt Nam chưa có thống kê và đánh giá tác động một cách đầy đủ củathuốc lá thế hệ mới đối với sức khỏe con người. Việc tổ chức thí điểm về sử dụng và lưu hành thuốc lá thế hệ mới cần được thực hiện cẩn trọng, khách quan .