Cần lắng nghe và thấu hiểu

Chia sẻ Facebook
21/06/2022 11:04:29

Quá trình thảo luận về các sửa đổi trong phạm vi bảo hiểm xã hội cũng cần được cân nhắc với tư duy hệ thống để đánh giá sự tương quan với thiết kế của những chính sách khác trong lưới an sinh.


Năm ngoái, tôi được cơ hội thiết kế một khóa quản lý tài chính hộ gia đình và tiếp cận dịch vụ bảo hiểm cho những bệnh nhân ung thư và người thân chăm sóc. Đối với một số gia đình, đó không đơn thuần là khủng hoảng về sức khỏe mà còn kéo theo nhiều vấn đề khác.


Câu chuyện đâu dừng lại ở việc chi phí điều trị hay mất đi thu nhập của người bệnh, kéo theo đó là tạm thời mất thu nhập của những người chăm sóc, tốn nhiều chi phí hơn để duy trì vận hành chức năng của gia đình khi thiếu họ, nhiều khoản tiết kiệm phải lấy ra dùng và nhiều khoản nợ dần phát sinh vượt kiểm soát.

Trong chuỗi biến cố đó, nếu có ít nhất một loại bảo hiểm hỗ trợ, có lẽ những lo toan tài chính sẽ không khiến họ mất dần cơ hội để đầu tư vào chất lượng sống của các thành viên còn lại trong gia đình. Từ biến cố sức khỏe của một thành viên, nhiều gia đình phải đối mặt khủng hoảng tài chính, dẫn đến khánh kiệt kinh tế hộ gia đình.

Theo số liệu của World Bank, nhóm dân số dễ bị tổn thương về mặt kinh tế của chúng ta hiện nay đang cao gấp đôi nhóm dân số nghèo. Chiếm đa số là người nhập cư, người lao động phi chính thức và phụ nữ. Khoảng 20% người dân Việt Nam thường sống dưới ngưỡng an ninh kinh tế và khoảng 10% còn lại có nguy cơ đôi lúc bị rơi xuống dưới ngưỡng do các cú sốc gây ra.

Trong hoàn cảnh đó, chỉ cần một cú sốc của nền kinh tế ở cấp độ cộng đồng, hay rủi ro ở cấp độ hộ gia đình xảy ra, mà không có khoản tiết kiệm hoặc không tiếp cận được lưới an sinh, đặc biệt là chế độ bảo hiểm và trợ cấp xã hội hỗ trợ thì sẽ rất dễ rơi vào khủng hoảng tài chính.

Ứng xử trước những tình huống chấp nhận rời bỏ an sinh xã hội, hệ thống bảo hiểm xã hội cũng cần thấu hiểu tình cảnh và lắng nghe nguyện vọng của họ. Những chính sách nhân văn và minh bạch sẽ giúp xây dựng niềm tin của người lao động vào hệ thống bảo hiểm xã hội nhiều hơn.

Thay vì ngăn người lao động rút bảo hiểm bằng những quy định siết chặt hơn, tôi cho rằng cần giải quyết gốc rễ vì sao họ lại rời bỏ hệ thống đó.

Cụ thể, tôi kỳ vọng vào việc thu thập và phân tích dữ liệu về người rút bảo hiểm xã hội một lần. Dữ liệu được phân tích về đặc điểm nhân khẩu học, lý do rời đi và mục đích chi tiêu phần lớn số tiền ấy.

Kết quả sẽ có thể là những gợi ý cải cách quy định theo hướng cân bằng lợi ích cho người lao động hơn, cũng là căn cứ chính sách cho những chương trình trợ cấp an sinh xã hội còn thiếu vắng, hoặc chưa đủ tốt khiến cho người lao động phải tự giải quyết bằng số tiền bảo hiểm xã hội.

Điều này được mong đợi sẽ giúp làm giảm áp lực tài chính cho người lao động trong những tình huống khó khăn.

Là vì một lưới an sinh đủ tốt, sẽ cần những mắt lưới phù hợp, nâng đỡ hài hòa với nhau để bảo vệ và giữ cho những gia đình không rơi vào nhóm hộ nghèo, không bị bỏ lại phía sau.

Định hướng sửa Luật bảo hiểm xã hội (BHXH) trong thời gian tới sẽ không hạn chế việc rút BHXH một lần, mà tập trung vào xây dựng BHXH theo hướng người dân có nhiều lựa chọn, chủ động quyết định khi đã hiểu rõ được lợi ích của việc tham gia.

Chia sẻ Facebook