Cần làm rõ tỉ lệ 30% đối với tổng thời lượng phim của mỗi đài truyền hình
Tại Hội nghị - hội thảo triển khai Luật Điện ảnh, các đại biểu đã thẳng thắn đóng góp những ý kiến sát với thực tế, giúp làm rõ các quy định, dễ hiểu, dễ thực hiện.
Chiều 26/9, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị - Hội thảo triển khai Luật Điện ảnh, đóng góp ý kiến xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Điện ảnh và dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 38/2021/NĐ-CP. Sự kiện có sự tham gia của nhiều đại diện Bộ, ban ngành và các cơ quan liên quan. Tại Hội nghị, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã nhận được nhiều ý kiến góp ý nhằm làm rõ hơn nội dung trong các dự thảo Nghị định.
Liên quan đến TỶ LỆ PHÁT SÓNG PHIM TRUYỀN HÌNH VIỆT NAM , ông Đỗ Thanh Hải - Phó Tổng Giám đốc Đài THVN - cho rằng việc thời lượng phát sóng phim truyện Việt Nam phải đạt ít nhất 30% là khó áp dụng và cần làm rõ tỉ lệ 30% áp dụng đối với tổng thời lượng phát sóng phim, bao gồm 5 loại hình quy định trong Luật Điện ảnh hay áp dụng đối với tổng thời lượng phim truyện? Tỷ lệ 30% đối với tổng thời lượng phim của mỗi đài truyền hình sẽ chỉ áp dụng đối với các kênh truyền hình quảng bá hay cả các kênh truyền hình trả tiền, các gói dịch vụ trên nền tảng internet và di động?
Về tỷ lệ phát sóng phim Việt Nam là 30% theo quy định tại Dự thảo cần phải được xây dựng đồng bộ với các chính sách khuyến khích sản xuất phim Việt Nam để đảm bảo tính khả thi của quy định, tránh trường hợp cung không đủ cầu, dẫn tới tăng giá bản quyền phim do các đơn vị phát sóng phải cạnh tranh để mua bản quyền trong khi không có các phim có chất lượng đủ tốt để phát sóng.
Trên thực tế, tỷ lệ phát sóng 30% phim Việt Nam là tỷ lệ rất khó khả thi với các đài truyền hình trong nước, nhất là các Đài có quy mô vừa và nhỏ cũng như các kênh truyền hình được sản xuất để phát sóng trên hệ thống truyền hình trả tiền, vì:
Thứ nhất, do sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trong việc mua bản quyền phim Việt Nam đến từ các hạ tầng OTT và các hạ tầng streaming xuyên biên giới cung cấp dịch vụ tại Việt Nam, với tiềm lực tài chính mạnh cho phép mua độc quyền nội dung trong thời gian dài hạn (5-10 năm), những hạ tầng này hiện giữ quyền 80% tổng số phim Việt chiếu rạp trong vòng 4 năm trở lại đây.
Thứ hai, với sự phát triển mạnh mẽ của dịch vụ OTT, các công ty sản xuất phim cũng xây dựng app OTT của riêng mình và giữ quyền độc quyền những phim do mình sản xuất để phát trên hạ tầng của mình mà không chia sẻ bản quyền với các đơn vị phát sóng như trước đây. Đây cũng là xu hướng của ngành nghe nhìn toàn cầu (ví dụ Disney, HBO…) và sẽ ngày càng rõ rệt hơn trong thời gian sắp tới tại Việt Nam. Khó khăn trong việc mua bản quyền sẽ buộc các kênh truyền hình trong nước đầu tư sản xuất phim để đảm bảo tỉ lệ phát sóng phim Việt Nam. Tuy nhiên, chi phí đầu tư để sản xuất phim cũng ngày càng tăng cao và cao hơn nhiều so với chi phí mua bản quyền phim. Với xu hướng sụt giảm doanh thu của các kênh truyền hình tuyến tính, đây thực sự là khó khăn rất lớn đối với các Đài truyền hình truyền thống và các kênh truyền hình trả tiền trong nước.
Thứ ba, việc vi phạm bản quyền phim trên nền tảng Internet trở nên rất nghiêm trọng và gây thiệt hại rất lớn cho những đơn vị đầu tư sản xuất phim. Nếu không có những chính sách và biện pháp bảo vệ bản quyền cương quyết và mạnh mẽ hơn thì các doanh nghiệp trong nước sẽ rất khó có thể đầu tư lâu dài trong việc sản xuất phim Việt Nam, đặt biệt là phim có chất lượng cao.
Ngoài ra, tỉ lệ phát sóng phim Việt Nam cần được áp dụng công bằng giữa các đài truyền hình trong nước, các nền tảng nội dung số trong nước và các nền tảng cung cấp nội dung xuyên biên giới có cung cấp dịch vụ tại Việt Nam.
Ông Đỗ Thanh Hải cho biết thêm, hiện nay về cơ bản chỉ có Đài THVN có năng lực sản xuất phim truyện Việt Nam để phát sóng đáp ứng tỷ lệ 30%, do đó, để đảm bảo tính khả thi của quy định về tỉ lệ phát sóng phim Việt Nam và sự đồng bộ với chính sách khuyến khích phát triển điện ảnh trong nước, Đài THVN đề xuất quy định tỉ lệ phát sóng phim truyện Việt Nam là 10% thay vì 30% (trong trường hợp quy định này áp dụng đối với toàn bộ hệ thống các kênh truyền hình, bao gồm truyền hình trả tiền và tổng thời lượng phát sóng phim được hiểu là tổng thời lượng phát sóng phim truyện); đồng thời cần quy định lộ trình cho việc tuân thủ tỉ lệ phát sóng phim Việt Nam đối với các đài truyền hình, các nền tảng nội dung số trong nước và các nền tảng cung cấp nội dung xuyên biên giới chứ không ấn định ngay tỉ lệ 10%... Ngoài ra, cũng cần đưa ra những chính sách phù hợp với các Đài truyền hình có quy mô nhỏ và kênh truyền hình phát trên hệ thống truyền hình trả tiền.
Về lộ trình áp dụng tỉ lệ phát sóng phim Việt Nam, ông Đỗ Thanh Hải cho rằng cần nghiên cứu xây dựng phương án tỉ lệ tăng dần theo thời gian, có lộ trình theo từng giai đoạn và tính đến tình hình sản xuất phim Việt Nam tại thời điểm đó, đơn vị nào đạt hoặc vượt tỉ lệ theo quy định trước thời hạn sẽ được hưởng những chính sách ưu đãi về thuế…
QUY ĐỊNH VỀ PHÂN LOẠI VÀ PHỔ BIẾN PHIM TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG
Liên quan đến vấn đề này, ông Đỗ Thanh Hải cho rằng thực tế đang gây ra nhiều vướng mắc. Hiện nay, nhiều Đài truyền hình, trong đó có Đài THVN với chức năng là cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện, ngoài các kênh truyền hình đều có hệ thống phân phối chương trình trên internet như báo điện tử, chuyên trang báo điện tử, các nền tảng ứng dụng... được tổ chức hoạt động theo quy định của Luật Báo chí và Nghị định về phát thanh, truyền hình. Ngoài ra, điều 20 Luật Điện ảnh quy định cơ quan báo chí được phép phổ biến phim trên hệ thống truyền hình khi có giấy phép hoạt động truyền hình và có quyết định phát sóng để phổ biến phim trên hệ thống truyền hình Việt Nam hoặc phổ biến phim trên gói dịch vụ truyền hình theo yêu cầu trên không gian mạng. Việc cấp và thu hồi quyết định phát sóng do người đứng đầu cơ quan báo chí có giấy phép hoạt động truyền hình quyết định theo quy định của pháp luật.
Đối chiếu từ điều 20 Luật Điện ảnh và căn cứ tình hình hoạt động báo chí của Đài THVN và các Đài Phát thanh - Truyền hình, để tránh chồng chéo, ông Đỗ Thanh Hải đề nghị cần loại trừ các Đài Phát thanh - Truyền hình ra khỏi đối tượng, phạm vi áp dụng của điều khoản quy định về phân loại và phổ biến phim trên không gian mạng.
Bên cạnh đó, việc yêu cầu sử dụng tài khoản do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Cục Điện ảnh) cấp quyền truy cập để đăng tải hoặc cập nhật thông báo danh sách phim cũng đang gây ra một số vướng mắc. Ông Đỗ Thanh Hải cho rằng cần có quy định cụ thể hơn để hướng dẫn việc xác thực thông tin hoặc tính hợp lệ trong khai báo thông tin của người dùng.
Ngoài ra, hiện nay mô hình AVOD (Advertising video on demand - dịch vụ video theo yêu cầu có quảng cáo) đang được triển khai mà không yêu cầu người dùng bất kỳ bước đăng nhập hoặc đăng ký nào nên các đơn vị cung cấp dịch vụ AVOD sẽ không thể xác thực được một số thông tin cụ thể của người dùng. Về bản chất, tương tự như các nền tảng xã hội khác như YouTube, nền tảng AVOD được tạo ra để tận dụng "doanh thu từ quảng cáo kỹ thuật số" thay vì bất kỳ khoản thanh toán nào. Do vậy, ông Đỗ Thanh Hải cũng đề nghị quy định cần nêu rõ loại trừ phạm vi áp dụng đối với nền tảng AVOD.
Thảo luận về QUỸ PHÁT TRIỂN ĐIỆN ẢNH , nhiều ý kiến cho rằng quy định nguồn hình thành Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh không phù hợp với Luật Ngân sách Nhà nước khi có 2 nguồn ngân sách nhà nước chi cho cùng một nội dung. Việc quy định các tỷ lệ % phải nộp vào Quỹ nêu tại khoản 3 điều 21 của Dự thảo là chưa rõ cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn, cần phải có đánh giá tác động đến các đối tượng chịu sự tác động của quy định và làm rõ hơn trước khi đưa vào Dự thảo.
Đối với các tỷ lệ cụ thể được nêu tại khoản 3, ông Đỗ Thanh Hải đề nghị bỏ quy định trích 0,5% doanh thu từ hoạt động quảng cáo trong chương trình phim chiếu trên truyền hình và 0,05% tiền thuê bao của truyền hình trả tiền.
Các đài truyền hình hàng năm đã thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước gồm các khoản thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và các khoản nộp ngân sách Nhà nước theo quy định. Việc phải nộp thêm khoản 0,5% như Dự thảo quy định là không hợp lý và ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của các Đài truyền hình trong bối cảnh nguồn thu vốn đã sụt giảm do chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ và có phần bất bình đẳng của các phương tiện truyền thông mới, trên nhiều nền tảng hiện nay, bên cạnh đó còn tạo bất bình đẳng giữa các đơn vị trong nước và các nền tảng cung cấp nội dung xuyên biên giới và các nền tảng mạng xã hội. Kéo theo đó, các Đài không thể tập trung vào việc cân đối chi phí cho các nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền, các chương trình phục vụ nâng cao dân trí, giáo dục…
Quá trình sản xuất và phát sóng phim của các Đài truyền hình rất tốn kém, trong khi nguồn thu đến chủ yếu từ quảng cáo. Hàng năm nguồn thu này đã được đóng thuế theo quy định chung. Bên cạnh đó, quảng cáo truyền hình ngày càng bị cạnh tranh bởi sự phát triển của internet và các hình thức quảng cáo trên internet. Do đó, việc trích thêm một khoản từ nguồn thu quảng cáo sẽ tạo thêm nhiều khó khăn cho các Đài truyền hình Trung ương và địa phương đang đứng trước nhiều thử thách khi thực hiện cơ chế tự chủ tài chính. Đặc biệt là với các Đài có đầu tư trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nội dung như Đài THVN, Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh, Đài PT-TH Vĩnh Long... Chưa kể đến việc tỷ lệ đưa ra chưa xác định rõ là doanh thu sau khi trừ chi phí hay tổng doanh thu…
Còn đối với các doanh nghiệp truyền hình trả tiền, doanh thu từ thuê bao của truyền hình trả tiền đến từ nhiều nội dung khác nhau như các chương trình thể thao, văn hóa, gameshow, phim... và không phải chỉ từ duy nhất phim. Có những đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền hướng tới việc có thế mạnh là phim, nhưng cũng có những đơn vị hướng tới thế mạnh là các nội dung khác như thể thao... Trong trường hợp các đơn vị truyền hình trả tiền đầu tư sản xuất kênh dưới hình thức liên kết và khai thác quảng cáo trên các chương trình phim thì theo Dự thảo, các đơn vị này sẽ phải vừa nộp vào Quỹ 0,05% doanh thu thuê bao vừa phải nộp 0,5% doanh thu từ quảng cáo. Quy định như vậy là không hợp lý và phí chồng phí.
Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền hiện đang phải chịu sự cạnh tranh rất lớn và không bình đẳng từ các nền tảng cung cấp nội dung xuyên biên giới, nằm trong xu hướng sụt giảm thuê bao và doanh thu chung của ngành công nghiệp truyền hình trả tiền trên thế giới, đang phải nộp rất nhiều loại thuế, phí theo quy định. Việc phải đóng thêm một loại phí nữa (phí tính trên thuê bao, tính trên doanh thu quảng cáo từ phim, tính trên phí hậu kiểm và phí phân loại phim) sẽ thêm một gánh nặng tài chính quá lớn đối với các doanh nghiệp truyền hình trả tiền.
Về giải pháp, ông Đỗ Thanh Hải cho rằng nguồn thu của Quỹ có thể sẽ do Nhà nước tài trợ một phần và một phần do các tổ chức, cá nhân tự nguyện tài trợ. Những tổ chức, cá nhân nào tài trợ cho Quỹ sẽ được hưởng những lợi ích, ưu đãi mà Chính phủ quy định. Ông Đỗ Thanh Hải cũng đề xuất nên hướng tới quy định các đơn vị sở hữu kênh, các đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền, các đơn vị cung cấp nội dung xuyên biên giới cam kết trích một tỉ lệ phần trăm doanh thu nhất định để đầu tư sản xuất phim Việt Nam.
Cũng tại hội thảo, các đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét làm rõ thêm nhiều vấn đề về quy trình thực hiện dự án sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước…
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông cho biết, Ban tổ chức sẽ tiếp thu các ý kiến và sẽ có những điều chỉnh phù hợp trước khi trình dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Điện ảnh và dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 38/2021/NĐ-CP trước khi trình lên Thủ tướng Chính phủ.
Nhiều điều trong dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) vẫn còn đang gây tranh luận nhưng mục tiêu quan trọng nhất là hướng đến tạo điều kiện thuận lợi cho điện ảnh phát triển.