Cần kịch bản để xuất nông sản chính ngạch sang Trung Quốc

Chia sẻ Facebook
15/11/2022 08:31:31

Trung Quốc vừa cấp phép thêm cho nhiều mặt hàng nông sản được xuất chính ngạch vào nước này, mở ra cơ hội lớn cho các sản phẩm Việt chinh phục thị trường 1,3 tỷ dân.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết, yêu cầu về chất lượng và truy xuất nguồn gốc của các thị trường xuất khẩu, đặc biệt là thị trường Trung Quốc có thể làm chậm tiến độ xuất khẩu, tái diễn tình trạng ùn ứ tại cửa khẩu trong dịp cuối năm. Dù Trung Quốc vừa ký nghị định thư cho một số loại trái cây của Việt Nam như sầu riêng, chuối, chanh leo…xuất chính ngạch vào Trung Quốc. Thế nhưng việc chậm cấp mã số vùng trồng dẫn tới sản lượng trái cây xuất khẩu chính ngạch còn nhỏ giọt.

Từ nay đến quý 1 năm 2023, có khoảng 1 tấn trái cây tại ĐBSCL đến vụ thu hoạch gây áp lực lớn cho tiêu thụ

Điển hình, trong 1 tháng sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch, chỉ có khoảng 321 tấn sầu riêng được xuất qua cửa khẩu quốc tế đường bộ Lào Cai, với giá trị gần 1,06 triệu USD. Trong khi đó, từ nay đến cuối năm, Việt Nam sẽ có 26 vùng trồng sầu riêng đã được cấp mã số đến vụ thu hoạch xuất khẩu, sản lượng dự kiến khoảng 13.000 - 14.000 tấn/tháng.

Còn tại các cửa khẩu Hữu Nghị, Chi Ma, Tân Thanh, Cốc Nam (Lạng Sơn), năng lực thông quan đang chậm, do các điều kiện kiểm tra từ Trung Quốc vẫn khắt khe. Theo Cục Hải quan Lạng Sơn, thống kê trong ngày 10/11, tổng lượng xe xuất nhập khẩu thông quan qua 4 cửa khẩu trên đạt khoảng 1.005 xe.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả cho rằng, số lượng sản phẩm xuất khẩu chính ngạch của Việt Nam sang Trung Quốc ngày càng tăng nhưng so với tiềm năng còn rất hạn chế.

Để xuất khẩu nông sản tránh lặp lại vết xe đổ vào dịp cuối năm, ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, các đơn vị, địa phương cần khẩn trương xây dựng kế hoạch tiêu thụ sản phẩm cụ thể với từng sản phẩm. Ngoài ra, cần phải kiểm soát việc mở rộng diện tích một số loại cây trồng được phép xuất chính ngạch, tránh trường hợp nguồn cung tăng đột biến.

Ông Nguyễn Hữu Vượng, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn đề nghị Tổng cục Hải quan, và các đơn vị sớm có ý kiến với Tổng cục Hải quan Trung Quốc sớm mở cửa thông quan trở lại các cửa khẩu, cửa khẩu phụ, lối mở đang tạm dừng thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu.

Bộ NN&PTNT đẩy nhanh tiến độ đàm phán ký kết Hiệp định về kiểm dịch đối với hàng hoá nông sản xuất khẩu nhằm giảm tỷ lệ kiểm tra thực tế hàng hoá đối với các mặt hàng này, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam vào thị trường Trung Quốc.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, để giải quyết được tình trạng ùn tắc hàng nông sản tại các cửa khẩu, cần có lộ trình và hành động rõ ràng nhất quán từ cơ quan quản lý Nhà nước, chính quyền địa phương và có sự tham gia của các hiệp hội ngành hàng cũng như các doanh nghiệp để chuyển từ xuất tiểu ngạch, đường mòn, lối mở sang chính ngạch.

Xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc trong 10 tháng năm nay giảm khoảng 13% so với cùng kỳ năm ngoái.


Theo Dương Hưng

Chia sẻ Facebook