Cần khoan thư sức doanh nghiệp để nuôi dưỡng niềm tin và phục hồi

Chia sẻ Facebook
16/01/2024 04:50:18

Năm 2024 là lúc cần tiếp tục khoan thư sức dân, sức doanh nghiệp hơn bao giờ hết để nuôi dưỡng niềm tin và năng lực phục hồi của DN cũng như tổng thể nền kinh tế.

Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng Tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) mới đây đã có báo cáo chuyên đề gửi Thủ tướng Chính phủ về khảo sát tình hình doanh nghiệp cuối năm 2023 và nhận định bối cảnh kinh doanh năm 2024.

Sức lực của DN cần được vun đắp kịp thời

Theo đó, trên cơ sở kết quả khảo sát đối với các doanh nghiệp, Ban IV đánh giá mặc dù thời kỳ khó khăn của các doanh nghiệp vẫn đang tiếp diễn nhưng niềm tin đã quay trở lại.

Cụ thể, so với các con số của khảo sát tháng 4/2023, tình hình của doanh nghiệp đã lạc quan hơn, thể hiện niềm tin đã quay trở lại. Tỉ lệ doanh nghiệp đánh giá tích cực/rất tích cực tình hình kinh tế vĩ mô hiện nay gấp 2,7 lần so với khảo sát tháng 4; tỉ lệ đánh giá tích cực/rất tích cực về kinh tế ngành hiện tại gấp 2,5 lần; tỉ lệ đánh giá tích cực về triển vọng kinh tế vĩ mô 12 tháng tới gấp gần 3 lần.

Tỉ lệ doanh nghiệp dự kiến mở rộng quy mô mạnh tăng gấp 2 lần; tỉ lệ mở rộng quy mô vừa phải tăng gấp 2,5 lần. Các chỉ số, chỉ báo khác về triển vọng tiếp cận vốn, triển vọng thị trường, đánh giá hiệu quả hỗ trợ của chính quyền địa phương đều có tỉ lệ, điểm đánh giá cao hơn khảo sát tháng 4; phản ánh rõ nét niềm tin của doanh nghiệp đã dần quay trở lại.

Ban IV đánh giá mặc dù thời kỳ khó khăn của các doanh nghiệp vẫn đang tiếp diễn nhưng niềm tin đã quay trở lại.

Tuy nhiên, tình hình và triển vọng kinh tế qua góc nhìn của doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Trong tổng số 2.734 doanh nghiệp tham gia khảo sát, vẫn có 82,4% doanh nghiệp đánh giá tiêu cực/rất tiêu cực về tình hình kinh tế 6 tháng cuối năm 2023; 69,1% đánh giá tiêu cực/rất tiêu cực về triển vọng kinh tế năm 2024.

Về sức mạnh nội tại và dự kiến kinh doanh, có 72,8% doanh nghiệp dự kiến giảm quy mô, tạm ngừng kinh doanh hoặc ngừng kinh doanh trong năm 2024.

Trong số các doanh nghiệp dự kiến còn hoạt động năm 2024, có 58,9% có thể giảm quy mô lao động trên 5%, trong đó có 16,6% giảm trên 50%. Có 60,2% doanh nghiệp dự kiến giảm doanh thu, trong đó tỉ lệ giảm trên 50% doanh thu là 17,3%.

“Số liệu khảo sát và thống kê cho thấy rằng, doanh nghiệp kiệt sức là sự thật, đặc biệt sau 2 năm Covid-19 và 2 năm phải đối mặt với những bất ổn của kinh tế vĩ mô toàn cầu. Nếu không được vun đắp kịp thời, sức lực của doanh nghiệp sẽ cạn kiệt.

5 khó khăn chính của doanh nghiệp

Trong bối cảnh nêu trên, Ban IV cho biết nhiều chính sách hỗ trợ của Chính phủ đã nhận được một tỉ lệ nhất định doanh nghiệp đánh giá hiệu quả; hoạt động điều hành của chính quyền địa phương cũng đã nhận được sự đánh giá tích cực.

Tuy nhiên, để đáp ứng được yêu cầu thực tiễn trong bối cảnh năm 2024 nhiều biến số, bên cạnh tinh thần chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, các Bộ, ngành và chính quyền các địa phương cần phải nỗ lực hơn, đặc biệt trong việc đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ 5 khó khăn chính: (1) Khó khăn về đơn hàng; (2) Khó khăn về dòng tiền; (3) Khó khăn trong việc thực hiện các thủ tục hành chính và đáp ứng các quy định của pháp luật; (4) Nguy cơ hình sự hóa các giao dịch kinh tế; (5) Khó khăn về tiếp cận vốn vay.

Căn cứ vào tình hình thực tiễn và qua kiến nghị, đề xuất của các doanh nghiệp, Ban IV cho rằng nền kinh tế Việt Nam đã bước đầu vượt qua khó khăn, niềm tin và nội lực của doanh nghiệp vì thế đã trở lại.

Tuy nhiên, 2024 vẫn là một năm nhiều biến số do bối cảnh toàn cầu còn diễn biến phức tạp ảnh hưởng không nhỏ tới nội tại quốc gia, trong khi nội lực của doanh nghiệp đã bị bào mòn, do đó, sự quyết liệt, kịp thời phải liên tục được duy trì, lan tỏa từ Thủ tướng, Chính phủ đến các Bộ ngành, cấp cơ sở nhằm tiếp tục đồng hành hiệu quả, trợ lực, vun đắp niềm tin để người dân và doanh nghiệp vượt khó.

2024 được dự báo vẫn là một năm nhiều biến số do bối cảnh toàn cầu còn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ tới nội tại quốc gia.

Bên cạnh đó, khi bối cảnh thế giới nhiều biến số nhưng vai trò của Việt Nam không ngừng được củng cố trên trường quốc tế, đây là “thời điểm vàng” của cải cách, giải quyết triệt để những vấn đề nội tại của nền kinh tế cũng như của mô hình phát triển để tạo ra các động lực phát triển mới.

Mô hình phát triển kinh tế dựa trên thâm dụng tài nguyên, nguồn lực đã đến lúc chuyển đổi sang nền kinh tế dựa trên hiệu quả, sáng tạo với các xu hướng xanh và số. Việt Nam đang có thế và lực để tận dụng cơ hội, phát triển kinh tế dựa trên sáng tạo và công nghệ.

Do đó, Ban IV đề xuất Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư công để nâng cao chất lượng các cơ sở hạ tầng quan trọng của quốc gia và cơ sở hạ tầng kết nối nhằm tạo ra năng lực cạnh tranh dài hạn.

Đặc biệt Xây dựng các chính sách hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân một cách thực chất; hình thành và thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp dân tộc dẫn dắt vì đây là động lực quan trọng để Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình và đạt được mục tiêu trở thành nước thu nhập cao vào năm 2045.


Chuyển đổi nền kinh tế theo hướng xanh và tuần hoàn để hòa nhịp xu hướng phát triển bền vững của thế giới .

Chia sẻ Facebook