Cần kéo giảm lãi suất cho vay về mức hợp lý
Mặt bằng lãi suất huy động trên thị trường giảm nhanh trong thời gian qua, nhưng lãi suất cho vay vẫn chưa “hạ nhiệt” khiến thị trường rơi vào cảnh khó vay mới và khó trả nợ, trong khi nhu cầu từ thị trường quốc tế và nội địa vẫn đang suy giảm rõ rệt.
Cần kéo giảm lãi suất cho vay về mức hợp lý
Mặt bằng lãi suất huy động trên thị trường giảm nhanh trong thời gian qua, nhưng lãi suất cho vay vẫn chưa “hạ nhiệt” khiến thị trường rơi vào cảnh khó vay mới và khó trả nợ, trong khi nhu cầu từ thị trường quốc tế và nội địa vẫn đang suy giảm rõ rệt.
Mặt lãi suất cho vay vẫn ở mức cao
Một điểm dễ nhận thấy hiện nay là mặt bằng lãi suất huy động vẫn đang tiếp tục đi xuống, nhưng lãi suất cho vay vẫn chưa “nhúc nhích” theo. Đây cũng là câu hỏi mà nhiều người dân, doanh nghiệp đặt vấn đề trong thời gian qua, khi nhiều ngân hàng thương mại liên tục giảm lãi suất huy động.
Điểm nghẽn về việc lãi suất cho vay chưa giảm tương xứng với xu hướng giảm của lãi suất huy động cũng vừa được nhắc đến tại hội nghị trực tuyến toàn ngành ngân hàng bàn công tác tín dụng và triển khai Thông tư số 02/2023 về cơ cấu nợ vừa ban hành.
Theo đó, Phó thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú còn đặt vấn đề về sự chênh lệch lớn giữa lãi suất đầu vào và đầu ra của các nhà băng hiện nay trong bối cảnh toàn ngành đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để giảm lãi suất, còn thanh khoản hệ thống thì dư thừa. Thậm chí có tình trạng một số ngân hàng hạ lãi suất huy động nhưng lại tăng lãi suất cho vay so với cuối năm 2022.
Từ tháng 3, tín hiệu đảo chiều chính sách tiền tệ rõ ràng hơn, khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hai lần liên tiếp giảm lãi suất điều hành, trần lãi suất tiền gửi và trần lãi suất cho vay một số lĩnh vực ưu tiên của các tổ chức tín dụng.
Cùng với những công cụ khác, cho đến nay về cơ bản mặt bằng lãi suất tiền gửi, lãi suất cho vay của thị trường đã giảm đáng kể, theo đánh giá của NHNN. Cụ thể, hiện nay lãi suất cho vay mới phát sinh đối với nền kinh tế đã giảm 0,6% so với cuối năm 2022 và tiếp tục có xu hướng giảm trong thời gian tới.
Trong báo cáo trước đó, trong tháng 3, mặt bằng lãi suất huy động tiền đồng kỳ hạn 6-12 tháng khoảng 7-8,7%/năm, trong khi lãi suất cho vay bình quân đối với khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 9,6-11,3%/năm.
Còn theo báo cáo thị trường tiền tệ của Công ty chứng khoán SSI công bố hồi đầu tuần, mặt bằng lãi suất cho vay vẫn ở mức cao hơn so với thời điểm trước dịch Covid-19, dao động ở mức 10-10,5%/năm cho kỳ hạn 6 tháng và 11-12%/năm cho kỳ hạn 12 tháng cho doanh nghiệp sản xuất thông thường, trong khi lãi suất vay tiêu dùng hay cho vay mua nhà vẫn duy trì ở mức tương đối cao, khoảng 14%/năm.
Thực tế cũng cho thấy lãi vay đang giảm kiểu “nhỏ giọt” trong thời gian qua. Nhiều khoản vay mua nhà tại các ngân hàng thương mại vẫn ở trên mức 15%/năm, cá biệt tại TPHCM có trường hợp doanh nghiệp phản ánh cũng phải vay với mức lãi suất này.
Thông thường, chính sách tiền tệ sẽ mất một khoảng thời gian tương đối để “thấm” vào thị trường. Một số lãnh đạo nhà băng cũng như chuyên gia do đó kỳ vọng lãi suất cho vay sẽ giảm rõ rệt trong hai quí cuối của năm khi chi phí vốn bình quân của ngân hàng đi xuống.
Mỗi nhà băng có lý do riêng để “phòng thủ” trong bối cảnh thị trường bất định và rủi ro cao như hiện nay, tuy nhiên, việc để mức chênh lệch quá cao trong một số trường hợp dễ gây phản cảm, đồng thời có vẻ như đi ngược với chủ trương đồng hành giữa nhà băng và nền kinh tế.
Tiếp tục kéo giảm lãi suất
Nhu cầu giảm lãi suất đầu ra dường như ngày càng cấp thiết hơn, trong bối cảnh tiếp cận vốn đang là điểm nghẽn của nhiều lĩnh vực kinh doanh, cũng như tiêu dùng trong bối cảnh kinh tế vĩ mô thế giới và Việt Nam vẫn có nhiều biến số bất định. Mặt bằng lãi suất cao không chỉ làm giảm nhu cầu đầu tư tiêu dùng, mà còn kéo theo vòng xoáy nợ xấu, ảnh hưởng tiêu cực nói chung đến cả thị trường trong thời gian dài.
Tại cuộc họp thường trực Chính phủ hồi đầu tuần với các bộ, ngành và bốn ngân hàng thương mại nhà nước về các giải pháp giảm lãi suất cho vay, tháo gỡ khó khăn cho trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp tục yêu cầu các ngân hàng phải giảm lãi suất huy động và cho vay, trên cơ sở đảm bảo cân đối các biến số vĩ mô khác như lạm phát hay tỷ giá.
Thông tin từ NHNN sau đó cho biết, bốn ngân hàng thương mại nhà nước chiếm trên 50% thị trường tín dụng của Việt Nam đều “đồng thuận rất cao” với chủ trương của Chính phủ và NHNN trong việc giảm lãi suất cho vay trong thời gian tới.
Ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, cho rằng với định hướng giảm lãi suất và sự cam kết của các ngân hàng thương mại, NHNN sẽ tiếp tục đưa ra nhiều giải pháp chính sách, một mặt hỗ trợ các ngân hàng giảm lãi suất, mặt khác điều hành để tạo thanh khoản ổn định, tạo niềm tin vững chắc cho thị trường trong việc hỗ trợ các tổ chức tín dụng cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế với lãi suất cho vay hợp lý, để hỗ trợ cho quá trình phục hồi nền kinh tế trong thời gian tới.
Xét riêng về chính sách tiền tệ, đại diện Vụ Chính sách tiền tệ cho biết trong thời gian qua, NHNN đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, công cụ điều hành chính sách tiền tệ để tăng lượng tiền cung ứng cho nền kinh tế và giảm lãi suất cho vay hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế.
Trên thị trường mở, từ đầu năm 2023 đến nay, NHNN liên tục duy trì các phiên chào mua giấy tờ có giá đảm bảo thanh khoản cho hệ thống. Kể từ đầu tháng 3 trở lại đây, lãi suất chào mua giấy tờ có giá được NHNN giảm từ mức 6%/năm xuống mức 5,5%/năm, hiện là 5,0%/năm. Mặt bằng lãi suất thị trường liên ngân hàng giảm nhanh, tạo điều kiện để các tổ chức tín dụng có thêm dư địa giảm lãi suất huy động và cho vay đối với nền kinh tế.
Ngoài ra, thanh khoản cũng dồi dào khi lượng lớn tiền đồng vào nền kinh tế để đưa vào lưu thông khi NHNN mua vào ngoại tệ để bổ sung dự trữ ngoại hối. Tỷ giá tiền đồng được đánh giá là ổn định so với các đồng tiền khác trong khu vực.
Không chỉ có lĩnh vực chính sách tiền tệ, Chính phủ đang thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ từ cả phía cung và cầu khác nhau trên nhiều lĩnh vực, để hỗ trợ thị trường giảm chi phí vốn, đặc biệt là nỗ lực khơi thông thị trường bất động sản cũng như thị trường vốn quan trọng là trái phiếu doanh nghiệp. “Thông điệp tiếp theo từ phía Chính phủ và NHNN là tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại hạ lãi suất phù hợp hơn với điều kiện kinh tế hiện tại”, nhóm phân tích Công ty chứng khoán SSI bình luận.
D.Nguyễn
TBKTSG