Cận cây sanh thế "lạ" ở thủ phủ cây cảnh miền Bắc, dân làng coi như "bảo vật" dù 10 tỷ cũng không bán
Cặp sanh cổ được đặt giữa sân đình, người dân khẳng định là vô giá và chưa từng có ý định bán, dù giá lên đến tiền tỷ.
Thời gian gần đây, những cây cảnh sở hữu thế hiếm, cành tay độc lạ luôn là một trong những siêu cây cảnh được giới yêu cây cảnh săn lùng. Thậm chí, có không ít người đã sẵn sàng "dốc tiền tỷ" mà vẫn chưa thể sở hữu được những báu vật này.
Điển hình, tại làng Vị Khê được ví như cái nôi của nghề cây cảnh miền Bắc nơi sản sinh ra dòng sanh Nam Điền nổi tiếng cả nước. Hiện trong làng còn lưu giữ cặp sanh cổ dáng trực trên 100 tuổi được ví như báu vật, nơi lưu giữ những hồn cốt bí truyền của người xưa với nghề cây cảnh bonsai.
Thông tin trên Thương Hiệu & Sản Phẩm, làng nghề Vị Khê, xã Điền Xá, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định nổi tiếng khắp nước với giống cây sanh Nam Điền, được giới chơi cây đánh giá là giống sanh giá trị bậc nhất. Nơi đây nhiều sản phẩm sanh Nam Điền được giới yêu cây cả nước săn lùng, có những giao dịch lên tới hàng chục tỷ đồng.
Nổi bật ở làng Vị Khê hiện nay, có hai cây cảnh được người dân thay nhau chăm sóc, coi là bảo vật của làng, nhiều người sành chơi kéo về hỏi mua nhưng trả giá nào người dân trong làng cũng nhất quyết không "gật đầu" bán.
Chia sẻ với VTC News, ông Nguyễn Tuấn Hữu, thủ nhang đình Vị Khê nói về gốc tích của hai cây quý: “Câu chuyện về đôi cây này từ bé đến lớn chúng tôi được nghe rất nhiều. Cả làng đều coi đây là bảo vật để thay nhau trông giữ và chăm sóc".
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Thế Lực, trưởng thôn Vị Khê thì tự hào nói: “Đôi cây này là của ông ngoại tôi, tuổi đời chính xác thì có lẽ không ai rõ nhưng cả trăm năm trước ông tôi đã đưa cây đi dự thi và được nhà vua ban thưởng”.
Ông Lực nhấn mạnh, năm 1924, ông ngoại của ông là cụ Nguyễn Văn Lã đã đi bộ, gánh đôi cây sanh trực của mình vào dự thi tại kinh thành Huế. Sau nhiều ngày dự thi, tác phẩm đôi sanh trực đạt được giải 3 và được vua Bảo Đại ban thưởng bằng một số lượng lớn gạch xây nhà.
Sau cuộc thi, phần thưởng được cụ Lã sử dụng để xây một mái nhà khang trang, còn đôi sanh đạt giải tiếp tục được cụ Lã nuôi trồng, chăm sóc.
“Căn nhà được xây bằng số gạch vua ban thưởng hiện nay vẫn còn và đang được sử dụng”, ông Lực nói thêm.
Nói thêm về giá trị của đôi cây này, ông Lực nhấn mạnh: “Chắc chắn so với những cây giá trị hàng chục tỷ đồng trên thị trường thì đôi cây này không hề thua kém. Tuy nhiên, về giá trị thực của nó thì là vô giá bởi dân làng chúng tôi không có ý định bán, chưa từng định giá”.
Sau nhiều năm trường tồn với thời gian, đôi cây là bảo vật của làng, hiện nay đang được giao cho hội nghệ nhân của làng có trách nhiệm chăm sóc và bảo quản. Bởi người làng muốn lưu giữ để truyền từ đời này sang đời khác, duy trì truyền thống làng nghề cây cảnh hơn 800 trăm năm lịch sử.
Nhìn bề ngoài, hai cây cảnh này không to, hoành tráng như những “siêu cây” đình đám mà bây giờ dân chơi cây đang chuộng, nhưng chúng được làm theo đúng dáng long cổ, tay cút hoàn thiện, đều nhau, rễ đẹp…
Cặp sanh cổ thụ ở làng Vị Khê đã trải qua những biến cố lịch sử, những thăng trầm của nghề cây cảnh bởi vậy nó là nơi lưu giữ những giá trị truyền thống làng nghề. Bao thế hệ người dân làng Vị khê đã tạo dựng tên tuổi, sự nghiệp từ nghề cây cảnh được cha ông truyền thụ. Bởi vậy họ nâng niu, bảo về cặp sanh cổ để các thế hệ mai sau tìm hiểu và luôn trân trọng nghề cây cảnh truyền thống trăm năm.
Cũng tại tỉnh Nam Định, trước đó cũng có một người yêu cây cảnh quyết giữ cây sanh để trưng bày trong nhà dù được trả 10 tỷ cũng không màng tới. Theo đó, một cây sanh già có dáng thế đẹp mắt, được anh Định, một người chơi cây cảnh tại Hải Lý, Hải Hậu, Nam Định trồng và tạo dáng gần 23 năm được hé lộ trên mạng xã hội , gây sự chú ý.
Cơ duyên tìm được cây sanh coi như báu vật trong nhà cũng thất tình cờ khi cách đây hàng chục năm khi anh Định nhìn thấy gốc cây độc đáo này tại 1 bờ ao. Khi đó, toàn bộ thân cây đổ rạp xuống, bò ngoằn ngèo theo viền bờ. Ngay lần đầu tiên đã bị cuốn hút bởi vẻ đẹp kỳ vĩ, đồ sộ và nhiều tầng ý nghĩa của cây nên anh Định đã quyết định mua về. Đặc biệt, trước ngày tìm thấy gốc cây quý, anh Định cũng đã mơ 1 giấc mơ kỳ lạ về việc sẽ có người giúp đỡ. Sực nhớ đến giấc mơ này, và liên tưởng đến linh vật rồng đang giáng thế, anh Long tìm cách mua về.
Cây sanh già có kích thước "khủng", ước tính chiều cao trên 3m, thân rộng đủ chỗ cho nhiều người ngồi, tán cây được cắt tỉa đẹp mắt. Gốc sanh già xù xì, uốn kỳ dị toạ trên đá càng tạo cho chậu cảnh sự cổ quái, gây chú ý với nhiều người trong giới.
Nhìn từ xa cây có dáng như rồng bay nên anh chủ quyết định đặt tên chậu cảnh là dáng Long. "Dáng cây hoàn toàn thiên tạo, và nó giống con rồng đến nỗi bất kỳ ai, ngay cả những cô chú đi chợ, không phải người chơi cây cảnh cũng nhìn ra được dáng, thế", anh Định nói.
Vớiđộ "hoành tráng", thế đẹp, chậu Long được nhiều khách thập phương chú ý, giá trị cũng không hề nhỏ. Vì gắn bó nhiều kỷ niệm, nên dù đã có khách trả giá gần 10 tỷ đồng nhưng anh vẫn quyết định giữ lại cây Long trong khuôn viên nhà. Thậm chí, anh ấp ủ dự định tìm kiếm dáng cây tương tự với mong muốn có cặp Long trấn giữ, mang lại nhiều vượng khí.
Sở hữu cây quý nên anh Định ít khi tham gia các triển lãm sinh vật cảnh. Phần vì kích thước cây quá lớn, việc vận chuyển khó khăn và cộng với công việc cá nhân khó thu xếp nên cây sanh cổ đa phần được anh để trong khuôn viên nhà.
Trúc Chi (t/h)