Cận cảnh quá trình trang trí "ông lợn" trước giờ diễn ra lễ rước

Chia sẻ Facebook
05/02/2023 00:35:07

“Ông lợn” được đặt lên chiếc kiệu cao khoảng 1,2m tạo dáng, người dân mới bắt đầu trang trí, việc trang trí phải đơn giản nhưng lại mang tính thẩm mỹ cao.

Lễ rước “ông lợn" là nét đẹp văn hóa tâm linh của người dân làng La Phù (Hoài Đức, Hà Nội). Đây là dịp để dân làng tưởng nhớ công ơn của Tĩnh Quốc Tam Lang dưới thời Hùng Duệ Vương thứ 6 đã có công đánh giặc gìn giữ bờ cõi.

Tục truyền rằng, mỗi khi Đức Thánh Tam Lang tập hợp quân sĩ đánh giặc, người dân thường thổi xôi, thịt lợn để khao quân. Ông được vua Lê Đại Hành, vua Trần Thái Tông, vua Lê Thái Tổ và vua Quang Trung ban sắc phong... Vị lạc tướng tài ba đã “hóa” vào lúc 0h đêm ngày 13, rạng sáng ngày 14 tháng Giêng. Từ đó, cứ đến ngày này hàng năm, người dân xã La Phù lại tổ chức lễ hội rước lợn, qua đó tưởng nhớ ngày giỗ của Tam Lang Đại Vương…

Sau 3 năm tạm dừng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Lễ rước "ông lợn" được tổ chức lại vào 13 tháng Giêng năm Quý Mão. Trao đổi với Người Đưa Tin, bà Nguyễn Thanh Bình – Phó Chủ tịch UBND xã La Phù cho biết, năm nay lễ hội được tổ chức trở lại khiến người dân trên địa bàn nô nức, phấn khởi, đây là lễ hội truyền thống để duy trì nét đẹp văn hóa truyền thống của địa phương.

Trước khi diễn ra các hoạt động lễ hội thì UBND xã đã có văn bản xin chủ trương của UBND huyện Hoài Đức về công tác tổ chức lễ hội, mặt khác cũng xây dựng kế hoạch đảm bảo an toàn trong khi diễn ra lễ hội, đáp ứng an ninh, trật tự và an toàn để lễ hội được diễn ra văn minh. Ngoài ra, Công an huyện Hoài Đức đã tăng cường lực lượng để cùng Công an xã đảm bảo trật tự an ninh trong quá trình tổ chức lễ hội và đảm bảo các tình huống, sự cố xảy ra nếu có.

Để cho hoạt động lễ hội trở nên sôi động, lành mạnh, vui tươi, đoàn thanh niên xã tổ chức các trò chơi dân gian diễn ra từ ngày mùng 10 tháng Giêng. Đồng thời nghiêm cấm tuyệt đối hoạt động mê tín dị đoan, không để xảy ra tệ nạn xã hội….

"Điểm mới trong lễ hội năm 2023, UBND xã đã thành lập các gian hàng để trưng bày các sản phẩm truyền thống của xã La Phù như bánh kẹo, hàng dệt kim, ẩm thực truyền thống để quảng bá hình ảnh, thương hiệu sản phẩm tới đông đảo du khách thập phương khi tới chiêm bái lễ hội", Phó Chủ tịch UBND xã La Phù nói.

Theo ghi nhận của Người Đưa Tin từ trưa ngày 3/2 (tức 13 tháng Giêng năm Quý Mão) trước giờ tổ chức lễ rước “ông lợn” nhiều người dân đã tới đình để làm lễ, vái vọng.

Chia sẻ về quy trình rước lợn, ông Nguyễn Duy Ngọc (66 tuổi, thôn Tiền Phong 1, xã La Phù) cho biết, sau khi đã thịt, "ông lợn" sẽ được đặt lên một chiếc khung tuýp nước bằng sắt đã được uốn cong để tạo dáng chống mình lợn lên cao và được đặt lên chiếc kiệu cao khoảng 1,2m tạo dáng cho “ông lợn”.

"Về quá trình nuôi “ông lợn" rất khắt khe, từ quá trình chọn giống, con giống phải đảm bảo theo yêu cầu là đuôi dài, đầu mặt vuông, chân móng phải gọn vững chắc để trong quá trình mình nuôi có thể gánh được trọng lượng của “ông lợn” từ 220 đến 250kg móc...

Đến việc cho ăn, thức ăn là cám gạo hoặc có chất tinh bột và chất xơ khác, tuyệt đối không dùng thuốc tăn trọng", ông Ngọc nói.


Sau khi đặt “ông lợn” lên chiếc kiệu cao khoảng 1,2m tạo dáng cho “ông lợn”, người dân mới bắt đầu trang trí cho “ông lợn” bằng những bông hoa từ giấy màu, tết hoa tươi thành vòng.


Trang trí ông lợn phải đơn giản nhưng lại mang tính thẩm mỹ cao.


Được biết, tại đêm rước ra đình làng La Phù năm Quý Mão sẽ có 17 “ông lợn”.


Người dân đang gấp rút chuẩn bị lễ vật để 17h rước cùng “ông lợn” qua các làng, ngõ trong xóm.

Video:

Chia sẻ Facebook