Cận cảnh những điểm nghẽn chờ vành đai 3 "giải cứu"

Chia sẻ Facebook
30/05/2022 22:48:07

Đường vành đai 3 TP.HCM đã được quy hoạch hơn 10 năm qua nhưng đến nay chưa được xây dựng khép kín. Do đó, dòng xe từ các tỉnh thành phải quá cảnh qua TP.HCM khi đi từ vùng này sang vùng khác, gây quá tải, kẹt xe.

Một xe container bị sự cố sáng 26-5 trên tuyến đường Nguyễn Thị Định vào cảng Cát Lái (thành phố Thủ Đức) đã gây kẹt xe cho nhiều cung đường.


Phóng viên Tuổi Trẻ Online đã theo những chuyến xe container ngược xuôi trải nghiệm thực tế tại những điểm nóng kẹt xe trên những cung đường đang từng ngày chờ vành đai 3 "giải cứu".


Hiện các tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương; TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và các tuyến quốc lộ hướng tâm (quốc lộ 1, quốc lộ 13, quốc lộ 22)… đều quá tải, đặc biệt vào khung giờ cao điểm ở các cửa ngõ của thành phố.

Video: TP.HCM trông chờ đường vành đai 3 để giải tỏa kẹt xe


Vành đai 3 sẽ giao với tất cả cao tốc, quốc lộ trên địa bàn thành phố, tạo thành vòng tròn phân luồng phía ngoài, giải quyết được cả ba vấn đề về ùn tắc, tai nạn và ô nhiễm môi trường , góp phần nâng cao chất lượng đời sống người dân.

Các tài xế xe container chỉ biết alô thông báo về chuyến hàng không thể đúng hẹn để vào cảng ở TP.HCM.

Cầu Phú Mỹ kết nối đường Nguyễn Văn Linh và Võ Chí Công là một trong những điểm nóng ùn tắc do đang "gánh" một lượng lớn xe chở hàng từ các tỉnh miền Tây chạy qua quốc lộ 1 đi vào cảng Cát Lái, hoặc quá cảnh để lên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đi các tỉnh Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, Nam Trung Bộ.

Một tài xế chạy xe container từ cảng Cát Lái lên Bình Dương đang đối mặt với ùn tắc trên đường ĐT743 của Bình Dương. Tuyến đường này kết nối thành phố Thủ Dầu Một (Bình Dương) với thành phố Thủ Đức (TP.HCM) và thành phố Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai)

Tài xế bất lực nhìn dòng xe ùn tắc khi từ thành phố Thủ Đức chở hàng lên Bình Dương thông qua đường ĐT743. Theo các bác tài, đường kẹt xe nên mỗi ngày chỉ chạy một chuyến hàng. Khi đường sá được đầu tư thông suốt, mỗi ngày có thể chạy được 2 - 3 chuyến, thu nhập sẽ cao hơn, chuyên tâm hơn cho hành trình lái xe.

Không chỉ xe vận chuyển hàng hóa mà nhiều xe du lịch, xe cá nhân cũng chung số phận bị kẹt xe

Đại lộ Nguyễn Văn Linh có 10 làn xe, là tuyến huyết mạch của khu Nam Sài Gòn để đi lên cụm cảng Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) và trung tâm thành phố. Nếu có đường vành đai 3, con đường này sẽ giảm lượng xe lưu thông đáng kể.

Dòng xe từ Long An về TP.HCM qua quốc lộ 50 cũng nhích từng mét đường. Tuyến đường nối liền từ TP.HCM qua Long An đến Tiền Giang. Khu vực này luôn thường trực xảy ra tai nạn do đường hẹp xe đông, lại “cõng thêm” hàng ngàn xe rác chạy đến khu xử lý chất thải Đa Phước.

Đường hẹp, xe cộ quá đông nên chỉ cần một va chạm hay sự cố nhỏ, đường Võ Chí Công luôn có nguy cơ ùn tắc kéo dài. Đây cũng là nguyên nhân làm chi phí logistics ở nước ta luôn cao. Trong ảnh: ùn tắc dẫn đến dòng xe nối đuôi nhau trên đường Võ Chí Công.

Tuyến tỉnh lộ 8 qua khu vực trung tâm huyện Củ Chi hiện bị áp lực nặng nề bởi hai dòng xe vận chuyển hàng hóa từ Bình Dương về miền Tây và ngược lại.

Mệt mỏi với dòng xe từ thành phố Thủ Đức về Bình Dương qua ngã ba Tân Vạn

Áp lực kẹt xe luôn đè nặng lên các tài xế, cũng là thời điểm mệt mỏi nhất khi vận chuyển hàng hóa. Nhiều tài xế cho biết nhiều khi phải ăn cơm trên xe, ngủ trên xe khi bị kẹt cứng.

Dòng xe chở hàng dồn nén qua quốc lộ 1 hướng từ cầu vượt Sóng Thần về Suối Tiên. Theo tính toán, mỗi năm TP.HCM thiệt hại khoảng 1,2 triệu giờ công lao động, hơn 1 tỉ USD do ùn tắc giao thông.

Đường vào cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây luôn quá tải, trong khi cao tốc Bến Lức - Long Thành thi công từ năm 2014 đến nay vẫn chưa hoàn thành. Nếu đường vành đai 3 hoàn thành kết hợp với cao tốc Bến Lức - Long Thành sẽ tạo thêm một hướng kết nối giữa TP.HCM với sân bay Long Thành, ngoài cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.

Dòng xe kẹt cứng tại ngã ba Tân Vạn (Bình Dương - TP.HCM). Nhiều doanh nghiệp vận tải than thở đường tắc khiến việc vận chuyển hàng hiện nay lỗ nhiều hơn lời, luôn đối diện bị chủ hàng phạt do chậm trễ hàng hóa.

Cao tốc Bến Lức - Long Thành đoạn qua huyện Nhà Bè sẽ kết nối với KCN Hiệp Phước. Đường cao tốc này kết nối với cao tốc TP.HCM - Trung Lương tại nút giao trên địa bàn tỉnh Long An, tạo sự thông thương từ các tỉnh miền Tây sang các tỉnh miền Đông, góp phần giảm ùn tắc trên các tuyến quốc lộ 1, quốc lộ 51.

Đường vành đai 3 TP.HCM dài 76,34km đi qua 4 địa phương TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An với tổng mức đầu tư 75.378 tỉ đồng.

Hiện Chính phủ đã trình Quốc hội xem xét quyết định chủ trương đầu tư dự án vành đai 3 TP.HCM tại kỳ họp tháng 5. Giai đoạn 1, dự án làm 4 làn xe cao tốc và đường song hành hai bên (bố trí không liên tục) với quy mô mỗi bên từ 2 đến 3 làn xe.


Đường vành đai 3 có 6 nút giao lớn, 4 vị trí kết nối ra, vào kết nối với các đường cao tốc, quốc lộ.

Chia sẻ Facebook