Cận cảnh bên trong xưởng làm tóc giả xuất đi nước ngoài của hàng trăm phạm nhân

Chia sẻ Facebook
15/08/2022 15:33:59

Bên trong Trại giam Thanh Cẩm, đóng trên địa bàn huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa), nơi có hàng trăm phạm nhân đang cần mẫn làm tóc giả để xuất đi thị trường nước ngoài.

Trại giam Thanh Cẩm (Cục C10, Bộ Công an) đóng trên địa bàn huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa) hiện đang quản lý hơn 2.000 phạm nhân. Trong số này, có người từng là tội phạm nghiêm trọng, nhiều tiền án, tiền sự.

Xuất phát từ mong muốn phạm nhân có cơ hội trở thành người có ích, có nghề nghiệp sau khi ra tù, Trại giam Thanh Cẩm đã xây dựng nhiều mô hình lao động. Trong đó, nổi bật nhất là công việc làm tóc giả được nhiều phạm nhân hào hứng.

Trung úy Giang Đức Công – cán bộ Trại giam Thanh Cẩm cho biết, xưởng làm tóc giả hiện có quy mô gồm 150 phạm nhân, độ tuổi từ 18 đến 30. Do mặt hàng được xuất đi một số thị trường nước ngoài, nên yêu cầu đối với các phạm nhân làm công việc này đòi hỏi phải trẻ, khỏe và nhanh nhẹn.

"Khi phạm nhân đến đội, cán bộ quản giáo sẽ hướng dẫn làm từng mối tóc đầu tiên cho đến khâu gấp tóc, cách phân bổ tóc,… Đồng thời, thường xuyên quan tâm, động viên phạm nhân yên tâm lao động, cải tạo",

Đại tá Đàm Minh Phong - Giám thị Trại giam Thanh Cẩm động viên các phạm nhân lao động, cải tạo


Theo Trung úy Công, để làm ra một sản phẩm tóc giả trung bình mỗi phạm nhân mất khoảng 3-7 ngày, tùy loại sản phẩm. Để thành thạo với công việc này, trung bình các phạm nhân cũng phải trải qua thời gian đào tạo khoảng 3 tháng.

"Nhiều phạm nhân làm dư sản phẩm, cán bộ quản giáo và Ban giám thị cũng bồi dưỡng cho phạm nhân tổ chức ăn sáng vào thứ Bảy, Chủ nhật nhằm nâng cao đời sống. Ngoài ra, số tiền dư cũng được gửi vào tiền thư ký để phạm nhân gọi điện cho gia đình, thân nhân"


Chấp hành án phạt 10 năm 6 tháng tù về tội "Mua bán trái phép chất ma túy" tại Trại giam Thanh Cẩm, phạm nhân Phạm Công Huế (35 tuổi, hộ khẩu thường trú tại huyện Quan Sơn, Thanh Hóa) cảm thấy rất hài lòng với công việc làm tóc giả tại trại giam.

"Lúc đầu khi bắt đầu công việc này, tôi rất bỡ ngỡ, thậm chí còn không tự tin vào bản thân mình. Bởi yêu cầu kỹ thuật của nghề làm tóc giả đòi hỏi phải đi đúng 1 sợi hoặc có mặt hàng phải đi đúng theo 2 sợi,… thậm chí cách cầm mẫu tóc cũng phải tuân thủ đúng kỹ thuật mà công ty yêu cầu.


Tuy nhiên, với sự hướng dẫn tận tình của cán bộ quản giáo, tôi đã tiếp cận và làm rất tốt công việc này", phạm nhân Phạm Công Huế chia sẻ.

Theo Công Huế, để bắt đầu công việc này, trước tiên cần phân loại tóc theo đúng màu tóc. Tiếp đó, sẽ chọn kích thước và thực hiện theo hướng dẫn kỹ thuật của từng loại sản phẩm yêu cầu.

"Trước mắt, tôi sẽ truyền dạy lại cho những phạm nhân khác chưa thành thạo với công việc này. Với tương lai sau này, khi cải tạo tốt được ra trại, tôi sẽ tập trung và phát triển công việc mà tôi đã được học trong phân trại",

Cũng theo phạm nhân Huế, hiện nay ngoài đào tạo nghề cho phạm nhân, Trại giam Thanh Cẩm còn luôn đảm bảo chế độ chính sách, ăn uống đều đặn cho phạm nhân. Đặc biệt, trong các ngày Lễ, Tết, phạm nhân đều được cấp phát theo chế độ của Nghị định 133. Bên cạnh đó, cán bộ trại giam còn tạo điều kiện cho phạm nhân trong xưởng ăn thêm vào những ngày lẻ trong tuần (thứ Ba, Năm, Bảy) với chế độ 1 quả trứng/người để động viên phạm nhân an tâm lao động, cải tạo.

Chia sẻ Facebook