Cán bộ phường xã quá tải: Ảnh hưởng quyền lợi người dân
Cùng với thông tin TP.HCM "dôi dư" cán bộ công chức lại là chuyện cán bộ nhiều phường, xã ở TP.HCM bị quá tải vì công việc từ hai năm nay.
Thực trạng nhiều công chức chủ động xin nghỉ việc hoặc nghỉ hưu trước tuổi nếu tiếp tục kéo dài sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của 10 triệu người dân.
Những cán bộ đang làm việc tại Thủ Đức - đơn vị tiên phong của mô hình "thành phố trong thành phố" - có lẽ thấu hiểu nhất áp lực công việc. Báo chí đưa tin hàng chục ngàn hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở và quyền sở hữu nhà ở trên địa bàn thành phố này tồn khá lâu.
Tại cơ quan Bảo hiểm xã hội ngày nào cũng phải tiếp đón hàng trăm người nộp hồ sơ nhận bảo hiểm xã hội một lần. Cán bộ buộc lòng phải hẹn lại do lỡ hẹn, lực bất tòng tâm khi địa bàn này có một khu công nghệ cao, hai khu công nghiệp, hai khu chế xuất với hàng trăm ngàn công nhân.
Vấn đề nóng đang thu hút sự quan tâm của nhân dân hiện là tiến độ cấp căn cước công dân gắn chip. Tháng 10-2021, TP Thủ Đức với 14 điểm cấp căn cước công dân, phục vụ từ 7h đến 22h, không nghỉ trưa, kể cả ngày lễ, chủ nhật. Thủ Đức có 34 phường và 1,2 triệu nhân khẩu. TP.HCM có 4 xã, phường trên 100.000 dân và 51 xã, phường trên 50.000 dân, ở Thủ Đức có cả hai.
Tôi dẫn dụ chuyện ở TP Thủ Đức để nêu ý kiến trước thực tế cán bộ công chức nhiều nơi tại TP.HCM quá tải vì công việc. Trong khi chờ "công nghệ 4.0" hỗ trợ, đã có một số ngành luân chuyển cán bộ từ cấp quận về phường. Những địa bàn ngoại thành có dân số ít, nên tạm thời đưa sang theo diện "trưng dụng" cho nơi đông nhân khẩu hơn.
Ở thành phố đông dân nhất, giá cả thị trường cũng… cao nhất. Mức lương công chức như hiện tại trở nên quá khiêm tốn. Theo tôi, cần khẩn trương áp dụng cách hưởng lương theo vị trí công tác, đảm bảo công bằng và động viên cán bộ yên tâm tiếp tục cống hiến.
Hiện nay TP.HCM có 5.705 công chức, viên chức dôi dư so với số lượng biên chế được trung ương giao, trong đó có 3.601 công chức và 2.104 viên chức.