Cán bộ ngân hàng liên quan ra sao trong vụ vận chuyển trái phép 30 nghìn tỷ đồng ra nước ngoài?
"Bà trùm" sinh năm 1985 đã hợp thức các hồ sơ tạm nhập, tái xuất để nhiều lần chuyển trái phép tổng cộng hơn 30.000 tỷ đồng ra nước ngoài thông qua pháp nhân của 11 công ty, mà trong đó phần lớn là các công ty tự lập ra do người thân đứng tên, đồng thời liên hệ với các ngân hàng để thực hiện thanh toán quốc tế.
Như chúng tôi đã thông tin, Viện KSND TP Hà Nội vừa ban hành cáo trạng truy tố Nguyễn Thị Nguyệt (SN 1985, trú quận Tây Hồ) cùng 12 đồng phạm về tội "Vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới", theo Điều 189 Bộ luật Hình sự.
Ngoài các bị can nêu trên, Viện KSND Hà Nội còn xác định một số cán bộ, nhân viên của một số ngân hàng liên quan vụ án.
Theo cáo trạng, giai đoạn 2016-2020, Nguyễn Thị Nguyệt cùng chồng là Phạm Anh Tuấn cấu kết cùng Phạm Hữu Thuật và các bị can khác hợp thức hồ sơ tạm nhập, tái xuất để nhiều lần chuyển trái phép hơn 30.000 tỷ đồng ra nước ngoài thông qua pháp nhân của 11 công ty.
Trong 11 doanh nghiệp trên, 8 công ty do vợ chồng Nguyệt mượn giấy tờ của những người thân lập ra nhằm phục vụ việc chuyển tiền. Quá trình điều hành, vợ chồng Nguyệt lôi kéo dì, chị, em, cháu trong gia tộc tham gia đường dây phạm pháp.
Đồng thời, Nguyệt và Tuấn đã liên hệ với 3 ngân hàng ở Quảng Ninh, Lào Cai để chuyển tiền dưới hình thức thanh toán quốc tế.
Tại ngân hàng V., Viện kiểm sát cáo buộc Nguyễn Ngọc Sơn phụ trách khách hàng doanh nghiệp và Phan Ngọc Duy là Phó Giám đốc chi nhánh Móng Cái của ngân hàng này, biết Nguyệt sử dụng pháp nhân các công ty để chuyển tiền trái phép ra nước ngoài qua ngân hàng nêu trên. Tuy nhiên, Sơn và Nguyệt thỏa thuận, để tiện cho giao dịch, làm thủ tục chuyển tiền trái phép cho các công ty của Nguyệt, Sơn trực tiếp liên hệ với các bị can trong vụ án là Phạm Việt Hùng, Nguyễn Thị Hà và Nguyễn Minh Khang để nhận giấy A4 khống ký đóng dấu sẵn của các công ty, nhận nội dung phụ lục hợp đồng, thay đổi đối tượng thụ hưởng (bên thứ 3) qua email, nhận hồ sơ đề nghị thanh toán qua bưu điện. Mỗi giao dịch thanh toán quốc tế, Sơn được hưởng lợi số tiền 500 nghìn đến 1,5 triệu đồng/1 triệu USD. Tổng số tiền Sơn hưởng lợi khoảng 70 triệu đồng.
Tại Ngân hàng M., Viện KSND Hà Nội xác định nhân viên Phạm Thị Minh Ngân được giao thực hiện thanh toán quốc tế cho 6 công ty do Nguyệt thành lập. Tuy nhiên do đặc thù của ngân hàng M., nên cảnh sát đã chuyển hồ sơ của Ngân cho Cục Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng. Được biết đến nay, Cục Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng đã khởi tố bị can đối với Phạm Thị Minh Ngân về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ". Hiện bị can này được tại ngoại.
Tại ngân hàng S., cáo trạng nêu, Nguyễn Thị Nguyệt và các bị can đã nhiều lần chuyển hồ sơ thanh toán quốc tế của 4 công ty cho chi nhánh ngân hàng. Sau đó, các nhân viên Hoàng Thị Phương Anh và Nguyễn Thu Hoa đã tiếp nhận. VKSND xác định bị can Nguyệt nhiều lần bồi dưỡng cho 2 nhân viên này khoảng 80 triệu đồng. Năm 2018, trong một lần xử lý hồ sơ, Phương Anh và phía ngân hàng S. nghi ngờ hành vi chuyển tiền của bà Nguyệt trái quy định nên dừng giao dịch. Cơ quan tố tụng đánh giá Phương Anh và Hoa không biết Nguyệt chuyển tiền trái phép ra nước ngoài nên không đề cập xử lý.
Liên quan đến vụ án, cơ quan tố tụng xác định có 11 cá nhân là chủ các doanh nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội và TP.HCM liên quan đến việc chuyển tiền cho Nguyệt. Tuy nhiên, đến nay tài liệu thu thập được có trong hồ sơ vụ án chưa đủ căn cứ để xử lý hình sự nhóm trên nên Công an TP Hà Nội đã tách tài liệu vụ án liên quan đến các đối tượng giao tiền, nhận tiền từ khách rồi chuyển cho Nguyệt, đồng thời tách tài liệu liên quan đến các đối tượng là người có tiền chuyển ra nước ngoài để tiếp tục điều tra, xử lý sau.