Cán bộ né tránh, đùn đẩy, không dám làm gây khó thêm cho nền kinh tế
Nền kinh tế cần giải pháp đồng bộ để có thể bứt phá, trong đó vấn đề về người đứng đầu tại địa phương hiện rất đáng lo ngại còn tình trạng e sợ, đùn đẩy trách nhiệm.
Cần giải pháp mạnh mẽ để hỗ trợ doanh nghiệp
Sáng 25/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về nội dung đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2023.
Tham gia ý kiến, ĐBQH Nguyễn Thị Mai Thoa (đoàn Hải Dương) phản ánh hiện nay tình trạng lao động mất việc làm, giảm thu nhập đang là vấn đề thực tế đáng lo ngại. Đây cũng là vấn đề được phản ánh trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng.
Những tháng đầu năm 2023, số lượt rút bảo hiểm xã hội một lần tiếp tục tăng, số doanh nghiệp thành lập mới giảm.
Tình trạng này gây ảnh hưởng lớn đến mọi lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, đặc biệt trong các ngành dệt may, da giày, sản xuất linh kiện điện tử ở nhiều vùng, miền trên cả nước.
Đại biểu cho rằng, nếu không có những giải pháp mạnh mẽ, khả thi, tạo ra chuyển biến, thay đổi rõ rệt thì thị trường lao động sẽ chịu nhiều rủi ro, thách thức, người lao động sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Đặc biệt, trong số những người mất việc làm, giảm thu nhập có phần đông trong độ tuổi thanhh niên, là trụ cột gia đình. Tình trạng này kéo dài sẽ gây gánh nặng lớn về mặt an sinh, dễ dẫn đến gia tăng tệ nạn xã hội.
Đến nay, Chính phủ đã có một số giải pháp tháo gỡ, giải quyết điểm nghẽn như ứng dụng chuyển đổi số trong tìm kiếm nhân lực, việc làm, giải ngân vốn đầu tư công, gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.
Tăng cường kết nối cung - cầu lao động, hỗ trợ người lao động tìm kiếm việc làm, lần đầu tiên triển khai thí điểm sàn giao dịch làm việc trực tuyến toàn quốc; kịp thời hỗ trợ người dân, người lao động bị mất việc, giảm giờ làm.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”.
Đại biểu cho rằng cần có những giải pháp mạnh mẽ hơn nữa để hỗ trợ giải quyết khó khăn cho khối doanh nghiệp vừa và nhỏ, cắt giảm điều kiện, đơn giản hóa thủ tục hành chính để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi;
Có cơ chế rõ ràng để tăng cường trách nhiệm giải trình của công chức, người đứng đầu cơ quan hành chính, góp phần giảm tình trạng e sợ, đùn đẩy trách nhiệm; không dám làm, không dám quyết định.
Đại biểu Đặng Hồng Sỹ, đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận cũng cho biết, tình trạng từ cuối 2022, những tháng đầu 2023, tình trạng mất việc làm tăng, tập trung ở các tỉnh thành có nhiều khu công nghiệp. Tốc độ tăng trưởng năm 2022 cao, thu ngân sách vượt chỉ tiêu. Tuy nhiên, đời sống người dân thì còn nhiều khó khăn, đòi hỏi Chính phủ cần có giải pháp tháo gỡ kịp thời.
Theo đại biểu, nguyên nhân của tình trạng này là do biến động từ tình hình kinh tế thế giới cũng như một số vấn đề trong nước làm ảnh hưởng đến một số doanh nghiệp, khiến nhiều doanh nghiệp không tiếp cận được nguồn vốn, hoạt động sản xuất, kinh doanh đình trệ.
Đưa ra giải pháp cho vấn đề này, đại biểu cho rằng cần tiếp tục quán triệt triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, tổ chức các hội chợ xúc tiến thương mại để khai thác các thị trường mới. Cần có giải pháp hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp, đặc biệt với các doanh nghiệp liên quan đến bất động sản.
Ngoài ra, các đại biểu cho rằng cần đẩy mạnh các giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, sắp xếp tổ chức cơ cấu, nâng cao chất lượng đầu vào của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Động lực tăng trưởng kinh tế ở 3 khu vực
Phát biểu thảo luận, đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) cho hay, năm 2023, tác động từ bên ngoài và vấn đề nội tại chưa khắc phục triệt để, nên ngay từ đầu năm, nền kinh tế chúng ta đã gặp nhiều khó khăn. Điều này, chúng ta đã lường trước từ khi bàn về kịch bản phát triển năm 2023.
Do đó, đánh giá tình hình kinh tế năm 2023 và 6 tháng đầu năm phải có cách nhìn khách quan, nhìn nhận tác động cả bên ngoài, bên trong. Tác động mạnh từ bên ngoài làm cho bức tranh kinh tế 6 tháng đầu năm của Việt Nam ảm đạm.
Đại biểu nêu dẫn chứng, số lượng doanh nghiệp đăng ký giảm rất nhiều, số lượng công nhân đăng ký thất nghiệp rất nhiều. Chỉ trong ngày 23/5, Trung tâm dịch vụ việc làm Đồng Nai đã tiếp nhận 22.000 hồ sơ đăng ký thất nghiệp. Đây là con số đáng buồn. Động lực phát triển công nghiệp phía Nam cực tăng trưởng là Đồng Nai, Bình Dương. Tuy nhiên, có nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, công nhân thất nghiệp.
Một trong những nguyên nhân được đại biểu nêu là tiến độ giải ngân đầu tư công thấp, trong khi động lực tăng trưởng kinh tế ở 3 khu vực đầu tư công, xuất khẩu, đầu tư nước ngoài. Đầu tư nước ngoài hiện nay đang là vấn đề lớn khi chúng ta đang đối mặt luật chơi mới của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), đó là đưa thuế tối thiểu toàn cầu.
"Nếu chúng ta không thích ứng thì hàng loạt doanh nghiệp đầu tư nước ngoài sẽ bỏ đi. Cần bắt tay ngay sửa đổi các đạo luật liên quan đến đầu tư, trước mắt là ban hành Luật thuế tối thiểu toàn cầu Việt Nam", ông Vân nói.
Ông Vân tin rằng nếu có giải pháp đồng bộ thì quý II, III, IV kinh tế có thể bứt phá, với điều kiện có những giải pháp thích hợp.
Theo đó đại biểu nêu 7 nhóm giải pháp: Thứ nhất, Chính phủ phải có chương trình ngắn hạn, tập trung vào chính sách tài khóa và tiền tệ. Kịch bản đối phó ngắn hạn cần linh hoạt chính sách tài khóa và tiền tệ và một trong giải pháp chính là giảm VAT;
Thứ hai, điều chỉnh chính sách thu hút đầu tư, đặc biệt thuế tối thiểu toàn cầu để giữ chân nhà đầu tư và thu hút thêm.
Thứ ba, giải phóng năng lực trong nước, là các tập đoàn, tổng công ty có thương hiệu, doanh nghiệp start-up cần nuôi dưỡng, cần phải xem xét khách quan để tạo ra lực lượng doanh nhân thực sự hùng mạnh, tự chủ; thứ tư, không nên hình sự hóa các quan hệ kinh tế dân sự; thứ năm, cải cách thể chế, phải thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách thể chế mới đủ tầm để xác định đâu là đột phá...
Thứ sáu, chỉnh đốn nội vụ cán bộ,nên có chuyên đề giám sát tối cao về việc thực thi trách nhiệm, quyền hạn của người đứng đầu trong hệ thống hành chính Nhà nước; cuối cùng tăng lương, cơ cấu lại tiền lương bằng tinh giảm biên chế .