Căn bệnh nhiều người mắc, tỷ lệ ở nữ cao gấp 7 lần nam: Dấu hiệu ban đầu rất dễ bị bỏ qua

Chia sẻ Facebook
22/04/2022 21:04:43

Với tính chất công việc phải ngồi nhiều, không di chuyển thường xuyên, dân văn phòng là đối tượng có nguy cơ cao mắc căn bệnh này.

Dấu hiệu ban đầu dễ bị bỏ qua


Ths.BS. Trương Hoàng Huy, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cho biết nhiều bệnh nhân tìm đến trung tâm khám với triệu chứng đau âm ỉ, nhức mỏi vùng cổ vai gáy và được chẩn đoán đau cơ xơ hóa.

Đau cơ xơ hóa là tình trạng rất nhiều người mắc phải (ước tính 2% dân số) và tỉ lệ mắc ở nữ cao gấp 7 lần so với nam giới. Các triệu chứng thường xuất hiện ở lứa tuổi 30 - 60.

Đa phần người bệnh chỉ cảm nhận được sự nhức mỏi nhẹ, thoáng qua và hồi phục lại sau một giấc ngủ ngon. Sau một thời gian dài, cơn đau tiến triển kiểu châm chích hoặc tê rần, nhức mỏi lan cả một vùng gân cơ, ấn một số điểm thấy đau nhói khó chịu. Cơn đau thường xuất hiện ở vùng sau đầu chạy xuống cổ, lan ra vai, xuống ngực, lâu dần có thể gây yếu cơ, teo cơ

Theo BS Huy, điều này gây ảnh hưởng sâu sắc đến công việc, sinh hoạt, thậm chí là tâm lí của người bệnh. Điển hình là nhiều người dễ mắc kèm các triệu chứng rối loạn tâm lí như trầm cảm, mất ngủ, stress. Đây cũng là lí do trong quá trình điều trị, bệnh nhân có thể được bác sĩ kê thuốc chống trầm cảm tuỳ theo mức độ.

Ngoài tình trạng đau nhức cơ bắp, bệnh nhân có thể chịu đựng một số triệu chứng khác như nhức đầu (>50%), viêm khớp thái dương hàm, hội chứng ruột kích thích, hội chứng chân không yên…

Nguyên nhân gây đau cơ xơ hóa

Đau cơ xơ hoá được cho là bệnh lý nhạy cảm, liên quan đến hệ thần kinh trung ương. Nguyên nhân chưa được xác minh rõ, song stress, rối loạn giấc ngủ sau khi mắc phải các bệnh lý như nhiễm trùng, virus được cho là góp phần gây ra bệnh. Nhiều bệnh nhân sau Covid-19 cũng xuất hiện các triệu chứng đau cơ xơ hóa.

Những người có bệnh lý mạn tính như viêm khớp dạng thấp, lupus ban đỏ hệ thống, viêm cột sống dính khớp... cũng dễ mắc phải tình trạng đau cơ xơ hóa.

Các nguyên nhân khác là lối sống và sinh hoạt công nghiệp, làm việc xuyên suốt 8 tiếng hoặc hơn, tư thế làm việc ít thay đổi và bị gò bó khiến cơ bắp (thường là khối cơ vùng cổ vai gáy, thắt lưng) bị lạm dụng trong một thời gian dài.

Kết quả là sau nhiều tháng, nhiều năm, các vùng cơ này bị thiếu máu và xơ hoá. Sự xơ hoá khiến cơ mất đi tính dẻo dai, dễ cảm thấy đau mỏi hơn, đó là lý do bác sĩ thường mượn hình ảnh quả mướp non và mướp xơ để ví von giải thích cho bệnh nhân hiểu về bệnh lý này.

Do môi trường làm việc và tính chất công việc mà nhân viên văn phòng thường là các đối tượng dễ mắc phải bệnh lý này.

Ở người mới mắc bệnh, khi ấn vào các điểm này sẽ có cảm giác đau chói khó chịu. Còn đối với những bệnh nhân bị mãn tính, tuy cảm thấy đau nhưng họ lại thích được xoa bóp và ấn mạnh vào đây.

Cách cải thiện khi có dấu hiệu bệnh

Để chẩn đoán, bác sĩ sẽ hỏi rõ tình trạng và sự tiến triển của các triệu chứng, kết hợp với sờ nắn tìm điểm đau khu trú. Một số cận lâm sàng thường được chỉ định là chụp X-quang, siêu âm, đo điện cơ, xét nghiệm máu.

Tuy triệu chứng gây nhiều khó chịu, thậm chí nặng nề nhưng đa phần bệnh nhân đều không có tổn thương thực thể (các xét nghiệm không ghi nhận kết quả gì đặc biệt). Song, do bệnh thường tiến triển sau 30 tuổi, cũng là lúc các dấu hiệu của bệnh lý thoái hoá, tổn thương thần kinh ngoại biên chớm xuất hiện. Nếu không được thăm khám và tư vấn kĩ, bệnh nhân thường dễ lầm tưởng, mặc định mình mắc các vấn đề liên quan đến thoái hoá hay thoát vị cột sống cổ, cột sống thắt lưng.

Thạc sĩ bác sĩ Trương Hoàng Huy khẳng định chính lối sống và sinh hoạt “công nghiệp’’ làm cơ bắp bị lạm dụng kéo dài. Ảnh: BVCC.


Việc điều trị đau cơ xoa hóa vẫn còn là một thách thức. Bệnh có xu hướng tiến triển thành bệnh mạn tính, có những khoảng thời gian thuyên giảm, song dễ tái phát và trở nên nặng hơn.

Nguyên tắc điều trị bệnh trước tiên phải ổn định các vấn đề bệnh lý đang mắc phải (nếu có) như viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp, nhiễm trùng…

Thuốc giảm đau thường được kê trong một thời gian để sớm làm an dịu các cơn đau.

Tâm lý trị liệu rất hiệu quả, đặc biệt với người bệnh ở giai đoạn khởi phát. Điều này giúp bệnh nhân nhận ra, kiểm soát và loại trừ các stress, từ đó cải thiện chất lượng cuộc sống và giấc ngủ. Thuốc chống trầm cảm có thể được cân nhắc sử dụng.

Ảnh minh hoạ tư thế giúp kéo giãn nhóm cơ vùng vai và thắt lưng (lưu ý bệnh nhân nên được hướng dẫn tập bởi một kĩ thuật viên có kinh nghiệm).


Cuối cùng, để mang lại hiệu quả tốt nhất và lâu dài, bệnh nhân cần được tư vấn rõ và hướng tới một lối sống lành mạnh, giảm thiểu căng thẳng tối đa; tham gia và duy trì các thói quen tốt như thể dục thể thao (yoga, aerobic, bơi lội…), chú trọng các bài tập giúp kéo giãn nhóm cơ bị đau, khi tập cần cố gắng duy trì tư thế kéo giãn tối thiểu 30 giây và lặp lại nhiều lần.

Việc cải thiện chất lượng giấc ngủ cũng rất quan trọng. Ngủ đủ giấc, giấc ngủ sâu không mộng mị sẽ giúp cơ thể hồi phục tốt, giảm nguy cơ tái phát.


Theo Mộc Trà

PHÁP LUẬT & BẠN ĐỌC

Chia sẻ Facebook