Căn bệnh người Việt mắc cao nhất thế giới có xu hướng trẻ hoá

Chia sẻ Facebook
15/07/2022 14:23:42

Nhiều học sinh, sinh viên đã phải chịu những cơn đau khớp ở cổ tay, vai gáy khi dành quá nhiều thời gian sử dụng máy tính và điện thoại di động…


Tổn thương dạ dày cấp tính, biến chứng chân tay vì tự chữa đau xương khớp

Theo thống kê của Hội Cơ xương khớp Việt Nam, nước ta là một trong các quốc gia có tỷ lệ người mắc bệnh xương khớp cao nhất thế giới với trên 30% người trên 35 tuổi và 60% người trên 65 tuổi mắc căn bệnh này.

Điều đáng lo ngại do không phải bệnh gây chết người ngay tức thì nên nhiều người dân vẫn chủ quan, tự điều trị theo phương pháp truyền miệng hoặc lạm dụng thuốc giảm đau nên để lại những hệ quả khôn lường.

Mới đây nhất, Bệnh viện Việt Nam – Thuỵ Điển Uông Bí đã tiếp nhận một trường hợp bị biến chứng do uống thuốc nam chữa đau xương khớp.

Sử dụng nhiều điện thoại cũng làm gia tăng các bệnh xương khớp ở người trẻ

Theo đó, bị đau xương khớp nhiều, người bệnh N.V.T 62 tuổi trú tại Quang Trung – Mạo Khê đã tìm mua theo bài thuốc nam được nhiều người mách bảo. Nhưng chỉ sau khoảng 1 tuần uống thuốc người bệnh cảm thấy bỏng rát và đau vùng thượng vị nhiều.

Ngày 12/7, người bệnh đã đến khám tại Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí và được nội soi dạ dày để làm chẩn đoán.

Theo các bác sĩ Bệnh viện cho biết: khi tiến hành nội soi dạ dày cho người bệnh nhận thấy: toàn bộ niêm mạc vùng hang vị dạ dày là các tổn thương viêm sung huyết rất mạnh và kèm theo là các tổn thương xuất huyết tụ máu bề mặt niêm mạc.

Với tổn thương này có thể gặp do vi khuẩn HP, do sử dụng thuốc, ăn uống… Đối với trường hợp này, khi test vi khuẩn HP cho kết quả âm tính.

Qua tìm hiểu được biết trước đó người bệnh uống thuốc nam để chữa đau xương khớp và các triệu chứng xuất hiện ngay sau quá trình dùng thuốc. Do vậy những tổn thương cấp tính tại dạ dày của người bệnh, các bác sĩ nghi ngờ nhiều do người bệnh sử dụng thuốc nam.

Các bác sĩ  nhận định, những tổn thương này gây ra tình trạng đau bụng cấp tính vùng thượng vị, ảnh hưởng tới ăn uống và sinh hoạt của người bệnh. Nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời có thể gây viêm loét rộng hơn, chảy máu ổ loét…

Bên cạnh những tổn thương tại đường tiêu hóa, nhiều trường hợp sử dụng thuốc nam không rõ nguồn gốc, còn gây suy gan cấp, suy thận, rối loạn đông máu… thậm chí ảnh hưởng tới tính mạng của người bệnh.

Tương tự, tại khoa Phẫu thuật Chấn thương Chi trên và Vi phẫu, Bệnh viện TWQĐ 108  thời gian qua cũng tiếp nhận nhiều trường hợp người bệnh bị biến chứng bàn tay, cổ tay do sử dụng tiêm thuốc giảm đau trong điều trị đau khớp.

Trong số này phải kể đến bệnh nhân V.V.T (sinh năm 1954, Quảng Ninh) nhập viện trong tình trạng viêm mủ khớp cổ tay, viêm hoại tử gân duỗi vùng cẳng bàn tay tháng thứ 2 sau tiêm Corticoid khớp và bao gân.

Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị nhiễm trùng nặng, khớp sưng to, nóng đỏ, đau nhức... do tiêm vào khớp. Người bệnh được phẫu thuật dẫn lưu mủ, mổ nạo vét hoại tử, cắt lọc mô viêm kết hợp dùng kháng sinh, hiện tại bệnh nhân đang được theo dõi tại khoa Chấn thương Chi trên và Vi phẫu.

Theo bệnh nhân T., cách nay 2 năm, ông bị đau khớp nên đã đến phòng khám tư để chữa trị. Sau 2 lần tiêm trực tiếp vào khớp, cơn đau đỡ hẳn, song đến mũi tiêm thứ ba, ông không thể đi lại được vì khớp chân sưng phù.

Một trường hợp khác, anh Đỗ Văn P. (1982, Nam Định) bị nhiễm trùng bàn tay phải trước khi nhập viện 108 để điều trị. Theo lời kể của a P., cách đây 10 tháng anh bị tai nạn lao động dây quật vào mặt trước đầu cẳng tay dưới bàn tay phải, không có vết thương.

Sau đó, anh bị đau nhiều ở chỗ quật, anh đi tiêm thuốc nhằm giảm đau, sau tiêm xuất hiện vết loét chỗ tiêm và chảy dịch vàng.

Nhiều người coi việc tiêm trực tiếp vào khớp như biện pháp chữa đau khớp đặc biệt hiệu quả và ít tốn kém. Song, không ít trường hợp chỉ đến mũi tiêm thứ hai đã bị biến chứng nhiễm trùng, teo cơ, cứng khớp, mất chức năng vận động.


Bệnh xương khớp ngày càng trẻ hoá

Bệnh xương khớp không phải là bệnh gây hậu quả nghiệm trọng ngay tức thời  nhưng nhưng người bệnh cảm thấy phiền phức, khó chịu, ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày.

Đây cũng là bệnh gây tàn phế rất cao. Các nghiên cứu trên bệnh nhân khớp cho thấy chỉ sau 5 năm phát bệnh, số bệnh nhân khớp còn chức năng lao động bình thường chỉ khoảng 40%, và 16% mất chức năng đi lại nghiêm trọng.

Ngoài ra, bệnh còn gây các biến chứng như mệt mỏi, tim mạch, thiếu máu, ác tính và loãng xương. Đặc biệt đối với biến chứng tim mạch có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ lên đến 4 lần.

Theo nghiên cứu, tại các bệnh viện, tỷ lệ người đến khám và điều trị các bệnh về xương khớp gia tăng trong những năm gần đây và có xu hướng trẻ hóa.

Có nhiều nguyên nhân khiến tình trạng bệnh xương khớp ngày càng trẻ hóa. Trong đó, nhiều người trẻ ít vận động, ngồi/nằm một chỗ dùng máy tính, điện thoại nhiều, tư thế làm việc đè ép lâu ngày khiến các khớp không được nuôi dưỡng đúng mức.

Ngoài ra, nhiều người chuộng thức ăn nhanh, đồ ngọt, lạm dụng chất có cồn, thuốc lá, thuốc tây không có chỉ định của bác sĩ cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

Các bác sĩ cho biết viêm khớp là triệu chứng có các biểu hiện sưng, nóng, đỏ, đau tại các khớp. Bệnh thường gặp ở tuổi bắt đầu của sự lão hóa, nhưng cũng có thể xảy ra ở lứa tuổi thanh thiếu niên.

Tuy nhiên, ngày càng có nhiều bệnh nhân nhập viện do biến chứng nhiễm trùng khớp, teo cơ, cứng khớp..., chỉ vì lạm dụng tiêm thuốc vào khớp, nhất là corticoid.

Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Châu, PT Chủ nhiệm khoa Nội- Cơ Xương khớp, Bệnh viện TWQĐ 108, có nhiều phương pháp điều trị bệnh lý khớp. Biện pháp tiêm corticoid vào khớp là một trong số biện pháp cho tác dụng giảm đau nhanh và có thể phát huy tác dụng vài tuần tới vài tháng.

Tuy vậy, đây chỉ là một biệt pháp điều trị trong cả liệu trình điều trị cho một số bệnh lý xương khớp. Chính vì vậy, phương pháp này bắt buộc phải được chỉ định của bác sĩ chuyên khoa có kiến thức và tay nghề.

Thực tế, có không ít trường hợp lạm dụng việc tiêm vào khớp để trị bệnh đã và đang bị các biến chứng không hồi phục như: teo cơ, loãng xương, suy tuyến thượng thận, mất chức năng vận động, tàn phế...

Đặc biệt để tránh những biến chứng khác cho cơ thể do sử dụng các loại thuốc nam không rõ nguồn gốc chữa đau xương khớp, các bác sĩ cũng khuyến cáo người dân có vấn đề về sức khỏe, hệ xương khớp, cần được sự thăm khám và tư vấn của bác sĩ để lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp.


N. Huyền

Chia sẻ Facebook