Căn bệnh khiến cụ bà 93 tuổi bị ra máu âm đạo kéo dài,phải cắt tử cung

Chia sẻ Facebook
27/11/2022 20:15:01

Một tháng trước, cụ bà 93 tuổi bị xuất huyết âm đạo kéo dài. Có thời điểm bệnh nhân bị ra huyết phải dùng đến 2-3 băng vệ sinh mỗi ngày kèm đau bụng vùng hạ vị.

Ngày 27/11, Bệnh viện từ Dũ (Tp.HCM) cho biết vừa thực hiện thành công ca phẫu thuật nội soi cắt tử cung cho bệnh nhân lớn tuổi nhất từ trước đến nay.

Theo đó, bà V.T.Y. (93 tuổi) được chẩn đoán xuất huyết hậu mãn kinh, u xơ tử cung dưới nội mạc, đái tháo đường type 2, tăng huyết áp, vết mổ cũ, béo phì.

Một tháng trước, bà Y. xuất hiện tình trạng xuất huyết âm đạo kéo dài. Lúc đầu ra huyết rỉ rả và ngày càng nhiều hơn. Có thời điểm bị ra huyết phải dùng 2-3 băng vệ sinh mỗi ngày, kèm đau bụng vùng hạ vị. Bệnh viện địa phương chẩn đoán theo dõi ung thư nội mạc tử cung rồi chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện Từ Dũ.

Tại Bệnh viện Từ Dũ, bà Y. được điều trị ổn định các bệnh lý nền rồi nạo sinh thiết kênh và lòng tử cung để xác định nguyên nhân xuất huyết. Kết quả, bà bị tăng sản điển hình nội mạc tử cung, một bệnh lý lành tính.

Sáng 21/11, bác sĩ Nguyễn Văn Hưng, Trưởng khoa Phụ, Bệnh viện Từ Dũ trực tiếp thực hiện nội soi cắt tử cung và 2 phần phụ cho bệnh nhân 93 tuổi.

Sau 2 giờ phẫu thuật, ca mổ thành công. 24 giờ sau, người bệnh khỏe hơn, tự thở tốt, da niêm hồng, mạch huyết áp ổn định, bụng mềm, vết mổ khô, không sốt. Bà Y. được chuyển về Khoa Phụ để tiếp tục theo dõi.

Nội mạc tử cung là lớp niêm mạc của tử cung (dạ con). Trong chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ, nội mạc tử cung sẽ thay đổi, estrogen mà buồng trứng sản xuất làm cho nội mạc tử cung dày lên chuẩn bị cho tử cung của phụ nữ có thể sẵn sàng để mang thai.

Tăng sản nội mạc tử cung (hay còn gọi là quá sản nội mạc tử cung) thường xảy ra do estrogen quá mức nhưng lại bị thiếu progesterone. Sau khi trứng rụng, mức progesterone của phụ nữ sẽ tăng lên. Hormone này giúp tử cung sẵn sàng nhận trứng. Nếu không có thai, nồng độ estrogen và progesterone sẽ giảm xuống dẫn đến sự bong tróc của lớp niêm mạc (kinh nguyệt).

Tuy nhiên, nếu có sự mất cân bằng nội tiết tố, nội mạc tử cung có thể dày lên và phát triển quá mức. Sự phát triển bất thường này là tăng sản nội mạc tử cung. Các tế bào trong nội mạc tử cung phát triển với kích thước, hình dạng không đều nhau và tỉ lệ tuyến/mô đệm tăng. Nói cách khác, đây là tình trạng nội mạc trở nên dày bất thường do việc sản xuất dư thừa lượng các tế bào trong lớp nội mạc tử cung.

Có hai loại tăng sản nội mạc tử cung chính dựa trên loại thay đổi tế bào trong nội mạc tử cung:

- Tăng sản nội mạc tử cung đơn thuần (không có tế bào không điển hình): Loại này bao gồm các tế bào bình thường, không có các tế bào nhân dị dạng, không có khả năng bị ung thư. Tình trạng này có thể cải thiện tốt.

- Tăng sản nội mạc tử cung không điển hình: Loại này là tiền ung thư và là kết quả của sự phát triển quá mức của các tế bào bất thường. Nếu không được điều trị, nó có thể chuyển thành ung thư tử cung hoặc nội mạc tử cung.


Triệu chứng chính của tăng sản nội mạc tử cung là chảy máu tử cung bất thường. Những dấu hiệu của tăng sản nội mạc tử cung gồm:
- Kinh nguyệt ngày càng kéo dài và ra nhiều hơn bình thường.

- Có ít hơn 21 ngày kể từ ngày đầu tiên của một kỳ kinh đến ngày đầu tiên của kỳ kinh tiếp theo.

- Bị chảy máu âm đạo mặc dù đã đến tuổi mãn kinh.

Phương pháp điều trị thường bao gồm liệu pháp hormone hoặc phẫu thuật:

-Liệu pháp nội tiết tố

Progestin, một dạng tổng hợp của progesterone, có sẵn ở dạng thuốc viên cũng như thuốc tiêm hoặc dụng cụ tử cung. Phụ nữ có thể sẽ cần được điều trị trong ít nhất sáu tháng, có nguy cơ tái phát cao hơn nếu phụ nữ bị béo phì hoặc được điều trị bằng progestin đường uống và cần tái khám hàng năm. Đôi khi, bệnh không diễn tiến xấu hơn và tình trạng có thể tự biến mất.

- Phẫu thuật cắt bỏ tử cung


Bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật cắt bỏ tử cung nếu trong quá trình điều trị, tăng sản nội mạc tử cung không điển hình phát triển, sau 12 tháng điều trị không có cải thiện, bị tái phát hoặc tình trạng xấu đi, máu không ngừng chảy. Cắt bỏ tử cung sẽ làm giảm nguy cơ ung thư, tuy nhiên, sau khi cắt bỏ tử cung phụ nữ sẽ không thể mang thai được nữa. Đây có thể là một lựa chọn tốt nếu phụ nữ đã đến tuổi mãn kinh, không có kế hoạch mang thai hoặc có nguy cơ ung thư cao.

Liên quan đến trường hợp trên, theo các bác sĩ, trước đây tuổi của bệnh nhân là một yếu tố cần được xem xét trước khi quyết định phẫu thuật nội soi vì liên quan đến an toàn cuộc mổ.

Đặc điểm ở người cao tuổi là hệ thống tim mạch khó thích nghi với các tình huống căng thẳng, dễ bị hạ thân nhiệt và chịu đau kém trong và sau phẫu thuật. Ngoài ra, thông khí cơ học bị thay đổi và phản xạ bảo vệ đường thở kém; suy giảm chức năng thận nên dễ có nguy cơ ngộ độc thuốc mê; thay đổi về tư thế, áp lực trong ổ bụng khi bơm hơi CO2 có thể ảnh hưởng lên huyết động, hô hấp.

Tuy nhiên hiện nay, với sự phát triển của y học, người bệnh cao tuổi được khảo sát các chức năng tim phổi, điều trị tối ưu bệnh nền nếu có trước mổ. Các thiết bị, phương tiện theo dõi, các thuốc gây mê mới, thuốc hóa giải tốt giúp đảm bảo an toàn trong và sau phẫu thuật, hạn chế thấp nhất các nguy cơ, biến chứng.

Trong sản phụ khoa, phẫu thuật nội soi đã thay thế được 70-80% tất cả các phẫu thuật. Phẫu thuật nội soi ở người cao tuổi có thể giúp người bệnh ít đau sau mổ, nhanh chóng hồi phục và giảm thời gian nằm viện, giảm tỉ lệ nhiễm trùng hậu phẫu.


Minh Hoa (t/h)

Chia sẻ Facebook