Campuchia không phát hiện ca mắc mới trong 10 ngày, WHO lo ngại xuất hiện nhiều biến thể mới ở Triều Tiên
Đến sáng 18/5, thế giới có trên 523,65 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 6,29 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 84,39 triệu ca mắc và hơn 1,027 triệu trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 30.000 người nhiễm virus SARS-CoV-2 .
Cơ quan Quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA) đã cấp phép sử dụng bộ kit xét nghiệm tại nhà đối với các bệnh đường hô hấp như COVID-19 hay cúm mùa. Người dân Mỹ có thể mua bộ kit này mà không cần đơn của bác sĩ. Trước đó, FDA đã phê duyệt một số loại thuốc kháng virus khác nhằm hỗ trợ điều trị bệnh nhân COVID-19 tại nhà, đầu tiên là Molnupiravir và mới đây là Paxlovid.
Một phân tích vừa được công bố cho thấy, nước Mỹ lẽ ra đã có thể ngăn ngừa 300.000 ca tử vong nếu người dân tiêm vaccine ngừa COVID-19. Phân tích trên được các nhà nghiên cứu của Trường Y tế Công cộng Brown, Bệnh viện Brigham và Phụ nữ, Đại học Havard và Chương trình Trí tuệ nhân tạo (AI) vì sức khỏe của Microsoft (AI for Health) phối hợp thực hiện dựa trên những dữ liệu thực tế từ Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ và tờ The New York Times. Kết quả cho thấy, trong giai đoạn từ tháng 1/2021 đến tháng 4/2022, ít nhất 318.000 bệnh nhân mắc COVID-19 đã có thể được cứu sống nếu trước đó đã tiêm vaccine ngừa COVID-19.
Hai nghiên cứu mới đây cho thấy hiệu quả bảo vệ của vaccine ngừa COVID-19 do Pfizer-BioNTech sản xuất đối với trẻ em và trẻ vị thành niên Mỹ trong bối cảnh làn sóng lây nhiễm biến thể Omicron . Nghiên cứu thứ nhất kết luận vaccine này có hiệu quả bảo vệ khoảng 71% sau khi hoàn thành mũi thứ 3 đối với các trẻ em trong độ tuổi từ 12 - 15 tuổi. Nghiên cứu thứ hai cho thấy, vaccine giúp giảm nguy cơ mắc bệnh hoặc nhập viện ở trẻ em từ 5 - 17 tuổi sinh sống tại bang New York. Cả hai nghiên cứu này vừa được xuất bản trên tạp chí khoa học JAMA.
Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ , vào ngày 17/5, nước này ghi nhận tổng cộng trên 43,12 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 524.200 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này.
Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 665.000 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 30,7 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.
Hành khách sẽ vẫn bị yêu cầu đeo khẩu trang trên các chuyến bay của Đức ngay cả khi Liên minh châu Âu (EU) thông báo đã nới lỏng các biện pháp hạn chế để chống dịch bệnh COVID-19 đối với du khách. Cho đến nay, giới chức Đức chưa có kế hoạch dỡ bỏ quy định đeo khẩu trang bắt buộc trên các chuyến bay dù EU đã đưa ra hướng dẫn mới liên quan đến các quy định phòng chống dịch. Vì vậy, hành khách bay đến và đi từ Đức vẫn phải đeo khẩu trang khi lên, xuống máy bay và trong suốt hành trình bay.
Ngoài máy bay, đến nay Chính phủ Đức thông báo giới chức nước này chưa có kế hoạch dỡ bỏ quy định đeo khẩu trang bắt buộc trên các phương tiện công cộng khác trong tương lai gần.
Bộ trưởng Y tế Đức Karl Lauterbach giải thích rằng, không thể dỡ bỏ quy định đeo khẩu trang bắt buộc trên các phương tiện giao thông công cộng ở thời điểm này, khi Đức vẫn ghi nhận trên dưới 150 ca tử vong và 70.000 ca mắc mới mỗi ngày. Các chuyên gia cho rằng, số ca mắc trên thực tế có thể còn cao hơn nhiều. Cho đến nay, gần 76% dân số Đức đã tiêm hai mũi vaccine phòng COVID-19 và khoảng 60% đã được tiêm mũi nhắc lại.
Bộ Y tế Israel ngày 16/5 thông báo, kể từ 0h ngày 20/5, Israel sẽ bãi bỏ quy định xuất trình kết quả xét nghiệm âm tính COVID-19 khi nhập cảnh nước này đối với mọi hành khách đến từ tất cả các quốc gia bằng đường hàng không, đường bộ hoặc đường biển. Tuy nhiên, người nhập cảnh qua đường hàng không vẫn phải khai báo y tế trước khi lên máy bay.
Kể từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát đến nay, Israel đã có tổng cộng trên 4,1 triệu ca mắc, trong đó hiện chỉ còn gần 15.500 ca đang được điều trị. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Israel đến nay là 10.805. Trong tuần qua, tại nước này có 10 ca tử vong liên quan đến COVID-19, giảm 63% so với tuần trước đó.
Hãng thông tấn Triều Tiên KCNA ngày 17/5 cho biết, trong 24 giờ qua, đã có thêm 6 người tử vong, nâng số trường hợp tử vong vì sốt ở Triều Tiên lên 56. Triều Tiên cũng ghi nhận gần 1,5 triệu ca sốt và trên 660.000 người đang được điều trị. Trước diễn biến nghiêm trọng của dịch bệnh, Triều Tiên đã huy động quân đội phân phát thuốc và triển khai hơn 10.000 nhân viên y tế nhằm truy vết các trường hợp lây nhiễm. Để người dân có thể mua thuốc bất cứ lúc nào, nhiều cửa hàng thuốc ở Triều Tiên đã mở cửa 24/24 giờ.
Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo, việc Triều Tiên chưa bắt đầu chương trình tiêm chủng, có nguy cơ khiến dịch COVID-19 có thể lây lan nhanh chóng tại nước này. Ngày 17/5, Giám đốc phụ trách xử lý các tình huống khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ông Michael Ryan, cho rằng, mức độ lây nhiễm cao của virus SARS-CoV-2 ở những người chưa được tiêm chủng, như tại Triều Tiên, tạo ra nguy cơ xuất hiện những biến thể mới cao hơn.
Triều Tiên, một thành viên của WHO, đang phải đối phó với đợt bùng phát dịch COVID-19 đầu tiên, làm dấy lên lo ngại về một cuộc khủng hoảng lớn do thiếu vaccine và cơ sở hạ tầng y tế còn hạn chế.Trả lời câu hỏi về đợt bùng phát dịch COVID-19 ở Triều Tiên, ông Mike Ryan cho rằng, nếu không kiểm soát được sự lây lan, nguy cơ xuất hiện các biến thể mới luôn cao hơn. Tổng Giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, cũng cho biết, ông "quan ngại sâu sắc" về việc virus lây lan trong cộng đồng dân cư chưa được tiêm chủng.
Từ ngày 17/5, 35.000 trường học ở Thái Lan đã chính thức mở cửa trở lại sau 2 năm chủ yếu tổ chức theo hình thức trực tuyến. Các trường học đã bố trí các khu vực sàng lọc, kịp thời cách ly học sinh có triệu chứng và nguy cơ cao, đồng thời xây dựng kế hoạch ứng phó để tiếp tục mở cửa trường học ngay cả khi phát hiện các ca mắc COVID-19 trong lớp học. Học sinh đã tiêm chủng đầy đủ, mắc COVID-19 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ vẫn có thể đến trường. Bộ Y tế công cộng Thái Lan khẳng định sẽ không đóng cửa trường học, lớp học dù phát hiện các ca lây nhiễm trong học sinh, sinh viên.
WHO trước đó cho biết Triều Tiên vẫn chưa thông báo chính thức về đợt bùng phát dịch COVID-19 tại nước này.
Hãng thông tấn quốc gia Campuchia (AKP) ngày 17/5 dẫn lời Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen cho biết, khách du lịch chưa tiêm vaccine phòng COVID-19 sẽ không được miễn cách ly khi nhập cảnh Campuchia.
Thủ tướng Hun Sen nêu rõ, Campuchia đón chào tất cả du khách, nhưng người chưa tiêm phòng COVID-19 vẫn phải cách ly 7 ngày. Thủ tướng Hun Sen nhấn mạnh rằng, Campuchia đã vượt qua các làn sóng dịch bệnh do các biến thể của virus SARS-CoV-2 như Alpha, Delta và Omicron gây ra, nhưng hiện vẫn chưa chiến thắng COVID-19. Campuchia đang dốc toàn lực và thúc đẩy chiến dịch tiêm phòng COVID-19 nên chưa thể cho phép khách chưa tiêm phòng nhập cảnh mà không cách ly.
Tính đến ngày 16/5, khoảng 93,79% trong tổng số dân 16 triệu người của Campuchia đã được tiêm các mũi vaccine cơ bản phòng COVID-19, trong đó khoảng 9 triệu người đã tiêm mũi thứ 3 và 2,2 triệu người đã tiêm mũi thứ 4. Trong 10 ngày gần đây nhất, Campuchia không phát hiện ca mắc mới COVID-19. Tổng số ca mắc COVID-19 được ghi nhận tại Campuchia kể từ đầu dịch đến nay là 136,262 ca và 3.056 người thiệt mạng. Campuchia phát hiện ca mắc COVID-19 đầu tiên tại tỉnh Preah Sihanouk hồi cuối tháng 1/2020.
Ngày 17/5, Nhật Bản cho biết sẽ tiến hành "du lịch thử nghiệm" dưới hình thức các tour du lịch trọn gói giới hạn vào tháng 5 trước khi mở cửa trở lại hoàn toàn du lịch. Mặc dù du lịch là một trụ cột chính của nền kinh tế Nhật Bản, khách du lịch quốc tế không được phép nhập cảnh vào Nhật Bản kể từ khi nước này áp dụng các biện pháp kiểm soát biên giới nghiêm ngặt vào năm 2020, khi đại dịch COVID-19 bắt đầu diễn ra.
Cơ quan Du lịch Nhật Bản cho biết hôm 17/5 rằng họ sẽ bắt đầu cho phép các tour du lịch theo nhóm nhỏ nhập cảnh từ cuối tháng 5 này. Đây được coi như "trường hợp thử nghiệm" để thu thập thông tin trước khi nước này tiếp tục mở rộng hoạt động du lịch rộng rãi hơn vào một ngày chưa được xác định trong thời gian tới.
Ngày 17/5, giới chức y tế Thượng Hải cho biết, trung tâm tài chính lớn của Trung Quốc này đã đạt mục tiêu cắt đứt chuỗi lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng tại toàn bộ 16 quận trên địa bàn, Phát biểu tại buổi họp báo, Phó Giám đốc Ủy ban Y tế thành phố Thượng Hải Zhao Dandan nêu rõ: "Toàn bộ 16 quận của Thượng Hải đã đạt mục tiêu Không COVID trong cộng đồng".
Thượng Hải là trung tâm tài chính lớn của Trung Quốc, nơi có các công ty đa quốc gia và bến cảng hàng hóa bận rộn bậc nhất thế giới. Làn sóng lây nhiễm mới dịch COVID-19 lan rộng ở Thượng Hải đã khiến thành phố này phải thực hiện phong tỏa nghiêm ngặt. Các lệnh phong tỏa ở Thượng Hải và những biện pháp hạn chế được áp đặt để ngăn dịch COVID-19 lây lan ở nhiều thành phố khác của Trung Quốc đã ảnh hưởng không nhỏ tới chuỗi cung ứng toàn cầu.
Các loại vaccine cúm cũng có khả năng phòng COVID-19, đặc biệt là những thể nặng nhất, nhưng tác dụng này có thể không kéo dài. Nghiên cứu có sự tham gia của hơn 30.000 nhân viên y tế tại Qatar cho thấy, so với những người chưa tiêm phòng cúm, những người đã tiêm vaccine cúm được bảo vệ gần 90% trước nguy cơ mắc COVID-19 nặng trong những tháng tiếp theo. Nghiên cứu được tiến hành vào cuối năm 2020 trước khi vaccine ngừa COVID-19 được phân phối ra thị trường và củng cố những kết luận trước đó rằng việc tăng cường hệ miễn dịch sử dụng vaccine cúm và các vaccine khác có thể giúp cơ thể chống lại virus SARS-CoV-2.