Camera giám sát có khả năng 'phân tích màu da' của Trung Quốc gây lo ngại
Việc xác định màu da trong các ứng dụng giám sát làm dấy lên những lo ngại về quyền con người và quyền công dân tại các nước phương Tây.
Hệ thống camera giám sát trên đường phố Trung Quốc (Nguồn: Reuters)
Theo báo cáo của Thị trường Video kết nối Internet (IPVM) - một nhóm chuyên nghiên cứu ngành giám sát và an ninh, có trụ sở tại Hoa Kỳ, nhà sản xuất thiết bị giám sát Trung Quốc Dahua Technology đang bán ở châu Âu các loại máy camera có tính năng 'phân tích màu da'.
Báo cáo cho thấy, kể từ năm 2016, hai công ty công nghệ trong lĩnh vực giám sát của Trung Quốc là Dahua và Hikvision đã giành được hợp đồng trị giá hàng tỷ USD từ các thiết bị giám sát. Tuy nhiên, các camera này hiện đang gây lo ngại.
Dahua hiện đang bán các camera có tính năng phân tích màu da ở ba quốc gia tại châu Âu, là Đức, Pháp và Hà Lan. Đây đều là các quốc gia có lịch sử có căng thẳng về vấn đề chủng tộc.
Từ tháng 2/2021, IPVM và Los Angeles Times đã đưa tin rằng, công ty Dahua Technology đã cung cấp một hệ thống giám sát video có khả năng 'cảnh báo về nhận dạng người qua màu sắc da theo thời gian thực' cho cảnh sát Trung Quốc, bao gồm kích thước lông mày, màu da và sắc tộc.
Theo một số kênh thông tin khác của Mỹ, các định nghĩa mà Dahua Technology gọi là 'từ điển dữ liệu' đề cập việc phân tích các màu da 'vàng', 'trắng', 'đen'.
'Về cơ bản là khi những camera này được bật lên, chúng sẽ tự động quét và xác định màu da của bất kỳ ai đi ngang qua, được các thiết bị này ghi hình lại. Có nghĩa là camera sẽ xác định xem người đứng trước nó có màu da đen, trắng hay vàng'
'Nếu máy quay thực hiện vào ban đêm hoặc nếu có bóng tối, nó có thể phân loại sai'
'Với việc cho phép chủ sở hữu và người điều hành camera lập hồ sơ chủng tộc trên quy mô lớn, phần mềm giám sát có chức năng phân tích tông màu da sẽ gây rủi ro đáng kể đối với quyền bình đẳng và nguyên tắc không phân biệt đối xử. Đơn giản là, ngay từ đầu đã không nên tạo ra và không nên bán các sản phẩm như vậy'
Bà Anna Bacciarelli nhấn mạnh rằng, tất cả các công ty đều phải có trách nhiệm tôn trọng nhân quyền và thực hiện các bước để ngăn chặn hoặc giảm thiểu bất kỳ rủi ro nhân quyền nào có thể phát sinh do hành động của họ.
Tại các quốc gia phương Tây, từ lâu, đã có những lo ngại về quyền con người và quyền công dân khi ra đời các công nghệ nhận diện khuôn mặt, nhận diện màu da. Nhất là khi các công nghệ này hoàn toàn có thể nhận diện sai.
Chính phủ Hoa Kỳ đã cấm các lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe và ngân hàng phân biệt đối xử với khách hàng dựa trên chủng tộc. IBM, Google và Microsoft đã hạn chế cung cấp dịch vụ nhận dạng khuôn mặt cho cơ quan thực thi pháp luật.
Liên minh châu Âu cũng đã thông qua đề xuất sửa đổi dự thảo Luật Trí tuệ nhân tạo, cấm hoàn toàn việc sử dụng hệ thống nhận dạng khuôn mặt ở những nơi công cộng.
Bên cạnh các lo ngại về nhân quyền, một số nước cũng lo ngại việc sử dụng các camera giám sát của các tập đoàn công nghệ Trung Quốc có chức năng phân tích màu da có thể tiềm ẩn đe dọa an ninh quốc gia vì các dữ liệu đó có thể được chuyển về cho các cơ quan chức năng của chính quyền Trung Quốc.
Tuy nhiên, phía công ty Dahua Technology cho biết, tập đoàn này cam kết không xây dựng các giải pháp nhằm mục tiêu phân biệt bất kỳ chủng tộc, sắc tộc hoặc quốc gia nào. Khả năng phân tích tông màu da của camera là một chức năng thiết yếu trong công nghệ giám sát, xác định chung các đặc điểm có thể quan sát được như chiều cao, cân nặng, tóc và màu mắt cũng như màu da. Đó là một tính năng cơ bản của giải pháp bảo mật thông minh chứ không phải công cụ để phân biệt chủng tộc.
'Trái ngược với những cáo buộc đã được đưa ra bởi một số phương tiện truyền thông, Dahua Technology đã không và sẽ không bao giờ phát triển các giải pháp nhắm mục tiêu phân biệt đối xử với bất kỳ nhóm dân tộc cụ thể nào'