Cấm vận nhau qua lại: lộ dần nguy cơ khủng hoảng lương thực toàn cầu
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 3-5 ký sắc lệnh trả đũa phương Tây, nhắm vào "những hành động không thân thiện của các nhà nước nước ngoài và tổ chức quốc tế nhất định", Reuters dẫn thông báo từ Điện Kremlin.
Tình trạng "hòn bấc ném đi, hòn chì ném lại" này giữa Nga và phương Tây, theo giới chuyên gia, có thể để lại nhiều hậu quả xấu cho kinh tế thế giới, bao gồm nguy cơ hiển hiện là một cuộc khủng hoảng lương thực nghiêm trọng.
Khan hàng và tăng giá
Sắc lệnh của ông Putin không nêu cụ thể các cá nhân hay pháp nhân nào sẽ bị trừng phạt nhưng thông báo Nga sẽ cấm xuất khẩu "sản phẩm và nguyên liệu thô" cho các đối tượng đó. Sắc lệnh cũng bao gồm lệnh cấm giao dịch với các cá nhân và công ty nước ngoài, cho phép các pháp nhân phía Nga có quyền từ chối thực thi các thỏa thuận theo hợp đồng với những đối tượng bị cấm vận. Sắc lệnh nói Chính phủ Nga sẽ có 10 ngày để hoàn tất danh sách này.
Một ngày sau khi ký sắc lệnh, ông Putin phân tích chính những lệnh cấm vận mà phương Tây áp với Nga sẽ dẫn tới một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu. Reuters dẫn lời ông chủ Điện Kremlin nói trong cuộc họp về phát triển ngành sản xuất thực phẩm ở Nga rằng giá nhiên liệu tăng cao và tình trạng thiếu hụt phân bón đồng nghĩa các nước phương Tây sẽ in thêm tiền để mua nhu yếu phẩm, điều đó sẽ gây thiếu hụt lương thực ở các nước nghèo hơn.
"Họ rõ ràng đang làm tình trạng thiếu lương thực ở những vùng nghèo nhất thế giới thêm trầm trọng, gây ra những làn sóng di dân mới và nói chung, đẩy giá lương thực lên cao hơn", ông Putin nói. Ông cũng cho rằng: "Chúng tôi sẽ phải cẩn trọng hơn về việc cung ứng thực phẩm cho nước ngoài, nhất là giám sát kỹ lưỡng hơn xuất khẩu sang các nước thù địch với chúng tôi".
Cả Nga và Ukraine đều là những nước xuất khẩu lúa mì và bắp (ngô) lớn. Nga chiếm gần 17% lượng cung toàn cầu về lúa mì, là nước xuất khẩu lớn nhất, trong khi Ukraine chiếm 12%. Giá lúa mì thế giới hiện đã tăng khoảng 33% so với cuối năm 2021, theo báo New York Times.
Trang Business Insider dẫn lời người phát ngôn của Ngân hàng Thế giới (WB) nói "cuộc chiến tranh ở Ukraine diễn ra vào một thời điểm tồi tệ với thế giới", bởi "người nghèo và dễ tổn thương ở khắp nơi vốn đã khổ sở vì lạm phát cao và giá lương thực tăng, chưa kể chi phí nhiên liệu cũng tăng và các hạn chế thương mại. Sự thiếu hụt những hàng hóa đó và sự tăng giá nói chung càng gây sức ép lên lạm phát và an ninh lương thực".
Trở lại "mùa giáp hạt"
Theo Chương trình Lương thực thế giới (WFP) của Liên Hiệp Quốc, thậm chí trước cuộc chiến vẫn còn 811 triệu người thiếu ăn trên toàn thế giới và con số đó dự kiến tăng mạnh vào "mùa giáp hạt" năm nay - quãng thời gian từ khi trồng cấy vụ mùa mới vào đầu xuân đến khi thu hoạch vào mùa thu.
Nhiều người bây giờ, nhất là các thị dân hiện đã chiếm hơn 56% dân số toàn cầu, gần như đã quên mất ý niệm "mùa giáp hạt". Nhưng thời gian sắp tới rất có thể khái niệm này sẽ được nhắc lại nhiều nếu một cuộc khủng hoảng lương thực xảy ra.
Biến đổi khí hậu cũng khiến rủi ro tăng thêm khi ở nhiều vùng nông nghiệp trọng điểm của thế giới, hạn hán đang ngày càng trầm trọng. Ngay từ tháng 3, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres đã cảnh báo về một "cuộc khủng hoảng đói ăn toàn cầu".
Nga cũng là nước sản xuất hơn 50 triệu tấn phân bón mỗi năm, chiếm 13% tổng sản lượng toàn cầu. Ông Putin nói các lệnh cấm vận đã làm đứt đoạn mạng lưới logistics cung ứng phân bón từ Nga và Belarus, trong khi giá khí tăng khiến sản xuất phân bón đắt đỏ hơn ở phương Tây.
Ảnh hưởng cộng dồn của đứt gãy chuỗi cung ứng vì đại dịch COVID-19, giá nhiên liệu tăng cao và chiến tranh Ukraine sẽ rất khó lường. Chỉ số giá lương thực của Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO) đã tăng 38% giai đoạn từ tháng 1-2020 tới tháng 2-2022, rồi tăng thêm 12,7% nữa từ tháng 2 tới tháng 3-2022, lên mức kỷ lục. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) thì tiên đoán giá lương thực toàn cầu sẽ tăng 14% vào năm 2022 và vẫn tiếp tục tăng trong năm tới.
Một số nước sẽ bị ảnh hưởng nặng nề hơn. Lấy ví dụ vào năm 2018, Yemen nhập khẩu 58% bột mì từ Ukraine và Nga, tương đương 125kg trên một đầu người, tương đương khoảng 80% tổng lượng calorie trung bình một người Yemen tiêu thụ mỗi ngày. Do đó, tăng giá và đứt đoạn nguồn cung sẽ gây ra những hậu quả khôn lường với đất nước Ả Rập còn nghèo khó và vẫn chưa thoát khỏi nội chiến này.
Dầu ăn cũng khan hiếm
Ukraine và Nga là những nước sản xuất và xuất khẩu lớn nhiều mặt hàng thực phẩm trọng yếu khác, như dầu hạt hướng dương, lần lượt là 48% và 29% tổng mức xuất khẩu toàn cầu. Bột mì là loại ngũ cốc cơ bản cho 35% dân số toàn cầu, trong khi dầu hướng dương chiếm 9% tổng tiêu thụ dầu thực vật của thế giới. Cả hai đều là nước sản xuất nhiều phân bón.
Liên minh châu Âu (EU) đang lên kế hoạch cho gói trừng phạt thứ 6 đối với Nga liên quan đến chiến dịch quân sự của Matxcơva ở Ukraine.