Cẩm nang nhập môn “vũ trụ ảo” Metaverse dành cho giới HR, các sếp doanh nghiệp đều cần phải biết
Việc ứng dụng Metaverse vào trong quản lý nhân sự tại các doanh nghiệp Việt cần có sự chuyển đổi "dè chừng" với những bước đi "ăn chắc mặc bền".
Trong trạng thái bình thường mới, khi phần lớn doanh nghiệp vẫn loay hoay với các cuộc họp Zoom và Teams, "vũ trụ ảo" Metaverse đã cho phép một công ty tại Úc đào tạo thành công 2.000 nhân viên mới trong vòng chưa đầy một năm. Để có thể thuận lợi đón đầu xu thế Metaverse trong năm 2022, doanh nghiệp Việt nên cân nhắc 03 lưu ý dưới đây từ chuyên gia nhân sự.
Quản chuyện con người bằng Metaverse, tại sao không?
Tháng 10/2021, Facebook đổi tên công ty thành Meta, ra mắt "vũ trụ ảo" Metaverse, bày tỏ tham vọng hướng tới thế giới thực tế ảo đa chiều. Trong thông cáo báo chí được gửi đi, Metaverse được gã khổng lồ công nghệ định nghĩa: "Metaverse là một thế giới ảo để bạn có thể tương tác với những người có khoảng cách địa lý xa, hoặc ở một đất nước khác. Tại đây, bạn có thể học, chơi, hẹn hò, làm việc, mua sắm và hơn thế nữa."
Trên thực tế, trong lĩnh vực nhân sự, lợi ích của Metaverse không chỉ "gói gọn" trong phạm trù trên, mà còn vượt xa khỏi mọi giới hạn và mang đến cho bộ phận HR cùng doanh nghiệp một "nền tảng" điều hành mới, điển hình là việc phát triển phòng đào tạo nhân viên ảo. Năm 2017, KFC đã phát triển căn bếp ảo mang tên "The Hard Way: A KFC Virtual Training Escape Room" (tạm dịch: Phòng huấn luyện thực tế ảo của KFC) để hướng dẫn nhân viên mới. Nhân viên sẽ truy cập vào gian bếp này và tự tay thực hành chế biến gà KFC theo công thức của nhà sáng lập Colonel Sanders.
Năm 2022, công ty tư vấn giải pháp IT – Accenture đã đưa việc đào tạo nhân viên trong Metaverse lên tầm cao mới khi xây dựng thế giới ảo mang tên "One Accenture Park". Tại đây, đội ngũ lao động sẽ được tham gia vào các hoạt động huấn luyện ảo và được thưởng những phần quà thú vị là huy hiệu hoặc xu thưởng nhằm giúp nhân viên có thêm động lực tham gia các hoạt động.
"Metaverse là một "công cụ" mang tính thời đại, giúp doanh nghiệp bắt nhịp với đường đua của các "ông lớn" quốc tế trong năm 2022. Khi cùng tham gia một thế giới ảo, sự tương tác và kết nối của nhân viên được gia tăng đáng kể dù công ty áp dụng chính sách làm việc từ xa. Đồng thời, việc truyền đạt những kiến thức, trải nghiệm thực tế của doanh nghiệp cũng trở nên dễ dàng hơn nhờ vào vũ trụ ảo Metaverse sống động." - Bà Tiêu Yến Trinh – CEO của Talentnet nhận định về tiềm năng của Metaverse.
3 lưu ý cho người "dẫn đường" xu thế Metaverse năm 2022 tại Việt Nam
Để ngành nhân sự Việt Nam bước vào không gian ảo Metaverse, bà Tiêu Yến Trinh đưa ra 03 bước mà doanh nghiệp cần nắm rõ:
Từng bước "nhập môn" Metaverse
Dẫu Metaverse đang được cả thế giới chú ý, thế nhưng công nghệ này vẫn còn nhiều "lợi bất cập hại". Tại Việt Nam, chỉ có một số ít Tập đoàn lớn đã và đang ứng dụng Metaverse vào trong tuyển dụng. Điển hình là Unilever đã phát triển một quy trình tuyển dụng trực tuyến cho người lao động tham gia tuyển dụng. Theo đó, 12 trò chơi được "thiết kế" để kiểm tra năng lực của ứng cử viên trong nhiều lĩnh vực khác nhau và có liên quan đến vị trí ứng tuyển. Sau đó, ứng viên được yêu cầu nộp một video phỏng vấn và được phân tích bằng trí tuệ nhân tạo. Cuối cùng, danh sách ứng viên được rút gọn và gửi đến cho đơn vị tuyển dụng tiếp tục quy trình phỏng vấn trực tiếp.
Vì thế, theo bà Trinh, doanh nghiệp nội địa cần từng bước học hỏi, trau dồi kiến thức về Metaverse để có thể chủ động ứng dụng. Đồng thời, các nhà lãnh đạo có thể "nhập môn" bằng cách áp dụng Metaverse vào một số hạng mục nhân sự như sàng lọc CV ở những bước đầu tiên trong tuyển dụng, mở các cuộc họp/meeting để trao đổi công việc…
Thử nghiệm để xác định ứng dụng Metaverse hiệu quả
Mỗi doanh nghiệp có những nhu cầu khác nhau, bởi thế, việc thử nghiệm các nền tảng Metaverse khác nhau để xác định nền tảng phù hợp nhất là điều rất quan trọng. Do đó, các lãnh đạo cần kiên trì "ném đá dò đường" nhằm chọn ra nền tảng Metaverse phù hợp với văn hoá và hoạt động của công ty.
Metaverse còn sở hữu tiềm năng "vô hạn" trong việc mô phỏng các buổi đào tạo kỹ năng mềm liên quan đến DEI (Đa dạng văn hoá) trong doanh nghiệp và kỹ năng cá nhân của mỗi nhân viên. Theo nghiên cứu của PwC và Talespin, nhân viên tiếp thu kiến thức trên nền tảng Metaverse nhanh gấp 4 lần so với việc học tại lớp. Ngoài ra, việc được kết nối và thực hành trực tuyến giúp nhân viên cảm thấy tự tin hơn khi áp dụng kỹ năng mới gấp 2,75 lần so với cách học cũ.
Chuyển đổi "dè chừng" cùng Metaverse
Tại Triển lãm Di động toàn cầu 2022 (tên tiếng Anh: Mobile World Congress), Phó Chủ tịch của Meta, ông Dan Rabinovitsj khẳng định, hệ thống mạng thiết bị di động và mạng viễn thông ngày nay vẫn chưa sẵn sàng cho công nghệ vũ trụ ảo. Do đó, việc áp dụng công nghệ "ảo" có thể dẫn đến những vấn đề về an toàn hệ thống, an ninh mạng trong "vũ trụ thật". Ngoài ra, để có thể ứng dụng Metaverse chuẩn chỉnh, doanh nghiệp cần sẵn sàng một nguồn chi phí lớn cho các thiết bị công nghệ, cơ sở hạ tầng, phần cứng cũng như hệ thống mạng .
Trong khi đó, tại Việt Nam, các doanh nghiệp vẫn còn đang loay hoay bài toán con số và bắt nhịp đường đua hậu Covid-19. Đồng thời, hạ tầng mạng Internet trong nước cũng ở mức thấp so với khu vực và trên thế giới. Khi sự cố xảy ra, nhà mạng sẽ không đủ hạ tầng ứng cứu cho các doanh nghiệp nội địa. Chính vì thế, việc ứng dụng Metaverse vào trong quản lý nhân sự tại các doanh nghiệp Việt cần có sự chuyển đổi "dè chừng" với những bước đi "ăn chắc mặc bền".
"Cũng như khi áp dụng một hình thức làm việc mới, doanh nghiệp đều phải sẵn sàng một chiến lược hoàn chỉnh để ngăn ngừa "trục trặc kỹ thuật" trong quá trình chuyển giao. Tương tự, khi trở thành người "dẫn đường" cho xu hướng Metaverse trong nhân sự, các nhà lãnh đạo cần tỉnh táo lựa chọn hạng mục phù hợp khi ứng dụng Metaverse và phác thảo một bản kế hoạch "dò đường" chỉn chu với các công cụ đo lường cụ thể để tránh tình trạng mất người – mất của", bà Trinh khẳng định.
Thiên An
Theo Nhịp Sống Kinh Tế