Cầm 100 triệu đồng đi gửi tiết kiệm: Lãi suất của các ngân hàng đang ra sao?
Với số tiền gửi từ 50-100 triệu đồng, ở kỳ hạn 6 tháng, ngân hàng số Cake by VPBank đang áp dụng lãi suất 8,3%/năm.
So sánh lãi suất của một số ngân hàng với kỳ hạn 6 tháng
Theo biểu lãi suất mới nhất áp dụng từ ngày 21/10, lãi suất huy động tiền gửi cao nhất của Ngân hàng số Cake by VPBank là 8,5%/năm cho kỳ hạn 6 tháng, áp dụng cho số tiền gửi từ 300 triệu đồng trở lên.
Với số tiền gửi thấp hơn, từ 50-100 triệu đồng, Cake áp dụng lãi suất 8,3% cho kỳ hạn 6 tháng. Nếu gửi tiết kiệm online với số tiền dưới 50 triệu, khách hàng sẽ được hưởng lãi suất 8,2% cho kỳ hạn này.
Cùng gửi tiết kiệm online với kỳ hạn 6 tháng, các ngân hàng khác có mức lãi suất từ 8% trở lên bao gồm Kienlongbank (8,1%) và NCB (8%).
Một số ngân hàng khác với mức lãi suất trên 7% có SCB với lãi suất 7,95%, NamABank và VietABank với 7,9%, Techcombank và BacABank cùng ở mức 7,7%, OCB với mức lãi suất 7,5%.
Lãi suất huy động thấp nhất với kỳ hạn 6 tháng thuộc về Agribank với lãi suất 4,8%.
So sánh một số ngân hàng khi gửi tiết kiệm online với kỳ hạn 12 tháng
Ở kỳ hạn 12 tháng, các ngân hàng có lãi suất trên 8% có Kienlongbank (8,6%), SCB (8,55%), VietABank (8,3%), NamABank và NCB (8,2%) và BacABank (8,1%).
Với Ngân hàng số Cake by VPBank, nếu gửi số tiền từ 50-100 triệu đồng, khách hàng sẽ được hưởng mức lãi suất 8,4%, còn với số tiền dưới 50 triệu đồng, lãi suất được hưởng là 8,3%. Với số tiền gửi từ 300 triệu đồng trở lên, lãi suất 8,6%/năm được áp dụng cho kỳ hạn 12 tháng.
Bên cạnh đó, mức lãi suất ở Cake cao nhất là 8,8%/năm dành cho các khoản tiền gửi từ 300 triệu đồng trở lên ở kỳ hạn 24 tháng và 36 tháng.
Theo thống kê, Agribank là ngân hàng với lãi suất gửi tiết kiệm online 12 tháng thấp nhất, với mức lãi suất là 6,4%.
Giới chuyên môn dự báo, lãi suất tiền gửi nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng trong những tháng cuối cùng của năm 2022.
Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) nhận định mặt bằng lãi suất huy động có thể tiếp tục tăng trong các tháng cuối năm 2022 do: (1) Nhu cầu tín dụng tăng khi nền kinh tế phục hồi, (2), Thanh khoản thị trường 1 chịu nhiều áp lực khi tăng trưởng huy động không theo kịp tăng trưởng tín dụng, sẽ buộc các NHTM nâng lãi suất huy động; và (3) Nhu cầu tiền mặt mùa cao điểm – Tết Nguyên Đán tăng cao vào cuối năm sẽ tiếp tục gây áp lực lên thanh khoản hệ thống.