Cái leng Nhật và chuyện tư duy tử tế
Anh bạn lên vườn làm phụ có đem theo một cái leng của Nhật mà anh tình cờ mua lại được từ những người đào vàng. Cái leng bằng nhôm, có tay cầm, cán ngắn vừa tầm, lưỡi to vừa phải, bầu nhọn hợp lý, cứng cáp và bén ngót.
Công việc vườn cần dùng đến cuốc, leng, cào hầu như mỗi ngày nên khi mua dụng cụ mình cố ý chọn mua loại tốt nhất ở cửa hàng vật dụng mà mình biết, để làm việc cho nhanh và đỡ mệt. Nhưng các loại dụng cụ mình dùng rất nhanh hỏng, khi thì quăn lưỡi khi thì gãy cán, loại bằng sắt không phải tra cán thì lại quá nặng so với sức mình. Mình tốn khá nhiều tiền cho việc mua sắm thay mới mãi những thứ lẽ ra không phải tốn nhiều lần mua.
Mình dùng ké cái leng của anh bạn để xúc đất, đào gốc chuối, bứng gốc cây khô, thậm chí chặt cây vẫn được. Công việc xong nhanh và rất đỡ mất sức vô ích. Mình thích mê cái leng và thầm nghĩ tới cái cuốc, cái cào của người Nhật chẳng biết sẽ tốt ra sao..
Khen người Nhật thì mình sẽ phải khen cả ngày và chuyện sẽ chỉ dừng ở đó, mình nghĩ nhiều hơn về việc tại sao người Việt không thể sản xuất ra các công cụ làm vườn hữu hiệu và ngon lành nhứt cho người nông dân trong khi Việt Nam là nước nông nghiệp? Không thể sản xuất hay không sản xuất?
Ngày xưa, ta có thể nói do trình độ, năng lực, nguyên liệu sản xuất của nước mình chỉ có thể làm được những thứ thô sơ. Thế nhưng ngày nay tại sao chúng ta vẫn không thể sản xuất những thứ tốt, hay, đẹp, bền, tiện dụng một cách đàng hoàng tử tế? À, chính là cái tư duy tử tế. Nước mình giờ chẳng thiếu thép, nhôm, máy móc và con người tài giỏi, chỉ thiếu mỗi tư duy làm ăn tử tế.
Có tư duy làm ăn tử tế thì người ta mới đặt cái tâm và tình yêu của họ vào công việc để làm ra những sản phẩm không chê vào đâu được. Điều này hoàn toàn trái ngược với tư duy làm ăn chụp giựt chỉ biết đặt việc kiếm tiền thật nhiều thật nhanh lên trên hết.
Nhìn ra xã hội, có mấy khi ta tự tin mua dùng hàng Việt Nam từ công cụ cho đến thực phẩm? Ta luôn phập phồng và biết trước chất lượng mọi thứ đều chỉ là tương đối. Ta chấp nhận nó như một điều hiển nhiên. Đó là một nghịch lý. Bởi chúng ta là con người, y như mọi con người ở các quốc gia khác, thế thì tại sao ta lại không được có cái quyền được sống, làm việc, thụ hưởng mà không phải phập phồng chỉ vì xã hội ta sống có quá nhiều người làm ăn chụp giựt? Ta chấp nhận điều đó thay vì phải thay đổi nó. Nhưng thay đổi như thế nào?
Tư duy làm ăn tử tế chỉ có thể nảy mầm, phát triển và thành công khi và chỉ khi những người lãnh đạo đất nước có tư duy quản lý đất nước một cách tử tế. Lãnh đạo đất nước tồi thì không thể phát triển bất cứ ngành nghề nào kể cả những ngành đơn giản nhất. Và người dân vẫn là những người lãnh đủ mọi hậu quả của việc ấy.
Chuyện cái leng rất đơn giản nhưng nó lại liên quan mật thiết và chặt chẽ tới con người, tới tư duy, tới đạo đức nghề nghiệp, tới quản lý và lãnh đạo, tới chính trị xã hội.
Nguyễn Thị Bích Ngà
Theo facebook Nguyễn Thị Bích Ngà
Đăng có chỉnh sửa dưới sự cho phép của tác giả
Xem thêm cùng tác giả loạt bài “Nền tảng giáo dục gia đình” tại đây . Xem thêm cùng tác giả loạt bài “Thói xấu người Việt” tại đây . Xem thêm cùng tác giả loạt bài “Những tổn thương vô tình gây cho con” tại đây
Xem thêm cùng tác giả :
“Hội chứng trẻ trâu” của nhiều người Việt
Mời xem video :