Cái kết buồn cho gã khổng lồ Toshiba, tương lai chưa biết đi về đâu
Toshiba đã bị hủy niêm yết sau 74 năm có mặt trên sàn giao dịch Tokyo, sau một thập kỷ đầy biến động và bê bối đã hạ bệ một trong những thương hiệu lớn nhất Nhật Bản, mở ra một cuộc đua mua lại và một tương lai không chắc chắn.
Tập đoàn khổng lồ này đang được tư nhân hóa bởi một nhóm các nhà đầu tư do công ty cổ phần tư nhân Japan Industrial Partners (JIP) dẫn đầu, bao gồm công ty dịch vụ tài chính Orix, công ty tiện ích Chubu Electric Power và nhà sản xuất chip Rohm.
Thương vụ mua lại trị giá 14 tỷ USD đưa Toshiba vào tay nhà đầu tư nội địa sau những cuộc chiến kéo dài với các nhà đầu tư hoạt động nước ngoài làm tê liệt nhà sản xuất pin, chip, thiết bị hạt nhân và quốc phòng.
Mặc dù không rõ Toshiba cuối cùng sẽ trở nên như thế nào dưới thời chủ sở hữu mới, Giám đốc điều hành Taro Shimada vẫn giữ nguyên vị trí sau thương vụ mua lại và dự kiến sẽ tập trung vào các dịch vụ kỹ thuật số có tỷ suất lợi nhuận cao.
Sự hỗ trợ của JIP dành cho Shimada đã làm hỏng kế hoạch hợp tác với một quỹ do nhà nước hậu thuẫn trước đó. Một số người trong ngành cho rằng việc chia tách Toshiba có thể là một lựa chọn tốt hơn.
Damian Thong, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu Nhật Bản tại Macquarie Capital Securities, cho biết: “Những khó khăn của Toshiba cuối cùng là do sự kết hợp giữa những quyết định chiến lược tồi tệ và sự kém may mắn. Tôi hy vọng rằng thông qua việc thoái vốn, tài sản và nhân tài của Toshiba có thể tìm được những ngôi nhà mới, nơi họ có thể phát huy hết tiềm năng của mình”.
Chính phủ Nhật Bản sẽ theo dõi chặt chẽ. Nhân viên của công ty có khoảng 106.000 người và một số hoạt động của công ty được coi là quan trọng đối với an ninh quốc gia.
Bốn giám đốc điều hành của JIP sẽ tham gia hội đồng quản trị, cũng như mỗi nhà đầu tư Orix và Chubu Electric tham gia một người. Đội ngũ quản lý mới sẽ có sự tham gia của cố vấn cấp cao từ nhà cho vay chính của Toshiba, Tập đoàn tài chính Sumitomo Mitsui.
Toshiba đã bắt đầu hành động, hợp tác với nhà đầu tư Rohm để đầu tư 2,7 tỷ USD vào cơ sở sản xuất để cùng sản xuất chip điện.
Ulrike Schaede, giáo sư kinh doanh Nhật Bản tại Đại học California, San Diego, cho biết công ty cần thoát khỏi hoạt động kinh doanh có tỷ suất lợi nhuận thấp hơn và phát triển các chiến lược thương mại mạnh mẽ hơn cho một số công nghệ tiên tiến của mình.
HUY NGUYỄN (Theo Reuters)