Cách xử trí khi bị côn trùng cắn, chích đốt thường gặp
Vào mùa hè, khi trẻ em có nhiều thời gian để vui chơi, thường rất dễ bị đốt hoặc cắn bởi nhiều loại côn trùng, đặc biệt là trẻ em ở vùng nông thôn...
Sáng ngày 1/7, Bệnh viện đa khoa tỉnh Cao Bằng tiếp nhận trường hợp cháu N.Đ.M., 10 tuổi, trú tại TP. Cao Bằng, đến khám với các biểu hiện đau nhức, tức ngực, khó thở, da nổi mẩn đỏ, sưng đau vùng đầu. Theo người nhà kể lại, cháu xuống bếp và bị ong đốt vào vùng đầu.
Trước đó, bệnh viện cũng đã tiếp nhận một bệnh nhi 6 tuổi trú tại xã Nguyễn Huệ, huyện Hòa An đến khám trong tình trạng sưng đau mắt trái sau khi bị côn trùng đốt khi đang chơi tại nhà.
May mắn là các cháu đã nhanh chóng được đưa đến cơ sở y tế và điều trị kịp thời nên không có biến chứng gì xảy ra.
Các bác sĩ khuyến cáo: Phụ huynh cần khuyên dặn trẻ cẩn thận tránh các khu vực có tổ ong, thùng rác có phế liệu thực phẩm rất thu hút côn trùng. Tránh vùng đất ngập nước là nơi có thể có muỗi rất nhiều, không để trẻ đi chân trần trên cỏ. Trang bị cho mình những kiến thức cần thiết để xử trí cho con trẻ khi bị côn trùng cắn, chích đốt đúng cách để đảm bảo an toàn cho trẻ.
Dưới đây là một số cách xử trí vết côn trùng đốt và vết cắn thường gặp:
- Khi bị muỗi đốt: Nên thoa kem hydrocortisone hoặc thuốc mỡ để giảm ngứa và viêm. Thuốc kháng histamine đường uống hoặc bôi cũng có thể giúp giảm ngứa. Không nên cào hoặc gãi nhiều làm cho tình trạng ngứa trở nên tồi tệ hơn và có thể dẫn đến nhiễm trùng.
- Khi bị ong đốt: Nếu có thể nhìn thấy vết chích trên da, hãy nặn nó ra ngay lập tức. Việc này được làm càng sớm, nọc độc sẽ càng ít đi vào cơ thể. Làm sạch vùng bị ong đốt bằng xà phòng và nước, sau đó thoa kem hydrocortisone. Có thể dùng acetaminophen hoặc ibuprofen để giảm đau. Đến phòng cấp cứu ngay nếu trẻ thấy các dấu hiệu phản ứng dị ứng, như nổi mề đay hoặc khó thở.
- Khi bị nhện cắn: Khử trùng vết cắn bằng xà phòng và nước và bôi thuốc mỡ kháng sinh. Sử dụng một túi nước đá để giảm đau và sưng. Cho trẻ uống acetaminophen hoặc ibuprofen để giảm đau và dùng thuốc kháng histamin khi bị ngứa.
- Khi bị kiến cắn: Tương tự như trên, có thể bôi kem giảm ngứa cho trẻ, hạn chế gãi mạnh và chà xát vào vị trí kiến đốt.
- Khi tiếp xúc sâu ngứa: Ngay khi chạm phải sâu róm, cần loại bỏ cẩn thận sâu và lông sâu róm bằng que, kẹp hoặc nhíp, tuyệt đối không dùng tay không. Dùng băng dính dán lên vùng da tiếp xúc với sâu róm để lấy sạch các lông nằm sâu, còn sót lại. Sau đó, nhẹ nhàng rửa sạch da với nhiều nước và xà phòng. Quần áo bị dính nhiễm cần được cởi bỏ và giặt sạch. Giảm đau và sưng bằng cách đắp lạnh, uống thuốc giảm đau. Đưa trẻ đến cơ sở y tế nếu triệu chứng kéo dài hoặc nặng hơn, tổn thương lan rộng hoặc phát ban toàn thân.
Trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương, chính vì vậy, khi có các dấu hiệu sưng mặt, môi hoặc lưỡi, khó nuốt, khó thở, ho, phát ban và ngứa dữ dội thì cần kịp thời đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được khám và xử trí kịp thời.