Cách vượt qua vòng phỏng vấn học bổng Fulbright

Chia sẻ Facebook
28/03/2022 15:35:47

Từng giành học bổng Fulbright năm 2021, Thùy Dung cho rằng ứng viên cần trả lời cụ thể, chính xác và nhấn mạnh tố chất lãnh đạo của bản thân.


Võ Ngọc Thuỳ Dung, 27 tuổi, hiện là điều phối dự án, chuyên viên phát triển nội dung cho các khóa học phát triển năng lực số của một công ty tại TP HCM. Cô từng sáng lập nhiều dự án giáo dục, là đại biểu trong các hội nghị quốc tế như YouthLead 2015, Global Start-up Youth ASEAN 2014.


Năm 2021, Thuỳ Dung nhận học bổng toàn phần của Chính phủ Mỹ (Fulbright), chương trình kéo dài trong 2022-2023; đồng thời được bốn trường đại học Mỹ mời nhập học, chuyên ngành Thiết kế sư phạm. Từ trải nghiệm của mình, cô chia sẻ những điều giúp ứng viên vượt qua vòng phỏng vấn của Fulbright.

Với tôi, hành trình chinh phục hội đồng xét tuyển học bổng giống việc thuyết phục các nhà đầu tư góp vốn cho dự án của mình. Trong bài viết này, tôi tập trung chia sẻ kinh nghiệm cá nhân trong buổi phỏng vấn, có thể coi là buổi kêu gọi đầu tư như cách tôi so sánh ở trên. Vòng này hầu như chỉ xoay quanh hai bước: giới thiệu và trả lời câu hỏi từ hội đồng tuyển sinh.


Phần giới thiệu

Đây là phần khiến tôi phải luyện tập rất nhiều, làm sao vừa cô đọng mà vẫn cởi mở, nhằm dẫn dắt người nghe tò mò và muốn tìm hiểu nhiều hơn.

Tôi giới thiệu ngắn về bản thân, về cái "nghiệp giáo dục nó quật mình" thế nào. Tôi lớn lên và theo học phổ thông ở miền núi. Là một đứa rất thích học, nhưng tôi không thích đến trường. Trong ấn tượng của tôi, ở trường thường phải học thuộc lòng.

Sau này tôi lại làm giáo viên, đi các nước để tìm hiểu mô hình giáo dục, và giờ làm dự án giáo dục cho nông thôn. Tôi đang thực hiện dự án Beyond Borders (Lớp học không biên giới) với mong muốn giúp học sinh Việt Nam, đặc biệt là các bạn miền núi và Đồng bằng sông Cửu Long, phát triển năng lực tự học hiệu quả thông qua nền tảng công nghệ.

Thuỳ Dung tham gia một buổi học về nông nghiệp bền vững trong chuyến nghiên cứu mô hình giáo dục tại Thái Lan, năm 2019. Ảnh: Nhân vật cung cấp


Phần trả lời các câu hỏi


Dự án hiện tại:

Thời điểm tôi phỏng vấn học bổng Fulbright là tháng 9/2021. Trước đó, từ tháng 10/2020, tôi sáng lập Beyond Borders. Đây là mô hình học tập sau giờ học, nhằm xây dựng năng lực học tập suốt đời cho học sinh nông thôn Việt Nam thông qua các chương trình học tiếng Anh trên nền tảng công nghệ.

Trong phần này, giám khảo hỏi đến đâu tôi trả lời đến đó. Vì là người sáng lập và thực sự làm, tôi không lo bị "khớp". Tôi cho rằng, bạn nên tự tin trả lời câu hỏi này dựa trên những gì mình đã và đang làm, đề cập đến cả khó khăn, kế hoạch và mong muốn của bản thân.


Trải nghiệm làm việc trong quá khứ

Tháng 6/2017, tôi là một trong những thành viên trẻ nhất tham gia Chương trình Phát triển tiềm năng lãnh đạo trẻ Teach For Vietnam, doanh nghiệp xã hội với mục tiêu phát triển giáo dục nông thôn Việt Nam. Trong buổi phỏng vấn học bổng Fulbright, giám khảo đã hỏi tôi học được gì sau khi làm việc tại đây.

Theo tôi, dạng câu hỏi này là cơ hội để ứng viên bày tỏ tố chất lãnh đạo - yếu tố mà Fulbright tìm kiếm. Tôi không trả lời câu này theo cấu trúc STARL (Situation-Task-Action-Result-Lesson: Tình huống - Hành động - Kết quả - Bài học) như các gợi ý trả lời phỏng vấn thông thường. Thay vào đó, tôi nhấn mạnh sự phát triển kỹ năng lãnh đạo (leadership development) bằng cách so sánh dự án cộng đồng (làm cùng nhóm) khi còn ở Teach for Vietnam với lúc tự mình khởi động chương trình Beyond Borders. Các tiêu chí so sánh của tôi gồm khối lượng công việc, độ dài dự án và sự đa dạng của các bên liên quan mà mình cần làm việc, từ đó cho thấy sự phát triển của tôi.


Lý do muốn đến Mỹ

Thật lòng mà nói, câu hỏi này đã khiến tôi phải đọc nhiều về công nghệ, giáo dục và tình hình doanh nghiệp xã hội Mỹ cũng như Việt Nam trong lịch sử và hiện tại, nắm bắt tin tức thời sự và nghiên cứu khoa học. Tôi nghĩ rằng, trả lời phỏng vấn trước những người Mỹ, xin học bổng của chính phủ Mỹ, ứng viên không thể hời hợt, khơi khơi, mà cần cho thấy sự dụng công tìm hiểu về đất nước, văn hóa của họ. Do đó, bạn nên đề cập đến những câu chuyện, con số, tên riêng cụ thể.

Mất gần nửa tháng tìm tài liệu cùng hai lần phỏng vấn thử, tôi mới tự thuyết phục được bản thân, rằng chỉ có Mỹ mới có cái mình muốn. Câu trả lời của tôi như sau: Mục tiêu nghề nghiệp của tôi là trở thành một nhà hoạt động chuyên môn trong lĩnh vực khởi nghiệp giáo dục. Do vậy, tôi cần tới Mỹ, bởi đây là cái nôi của trào lưu Tân Giáo dục (Progressive Education), đồng thời là đất nước dẫn đầu về công nghệ, khởi nghiệp.

Lúc tôi nói muốn được đến thăm trường Laboratory của Đại học Chicago, nơi John Dewey - cha đẻ của giáo dục thực nghiệm - sáng lập, các giám khảo gật gù, mắt sáng lên. Đây cũng là trường mà cựu Tổng thống Barack Obama gửi các con gái đến học, nên tôi khá tò mò.

Tôi bày tỏ mong muốn được trường và Fulbright kết nối, nhằm có cơ hội thực tập ở các công ty công nghệ giáo dục trực tuyến. Tôi cũng có tham vọng gọi vốn tại các vườn ươm khởi nghiệp như School 4.0 - nơi đặc biệt ưu ái cho các start-up giải quyết sự bất bình đẳng trong giáo dục.


Lý do chọn ngành học

Câu hỏi này sẽ yêu cầu giải thích lý do theo đuổi lĩnh vực đã đăng ký với Fulbright. Để câu trả lời ấn tượng và trôi chảy hơn, bạn có thể gắn nó vào một câu chuyện, trải nghiệm cụ thể của bản thân, thay vì chỉ nói đến lợi ích mà những lĩnh vực này mang đến. Mỗi câu trả lời đều cần thể hiện rõ con người bạn.

Với tôi, giáo dục và công nghệ đã thay đổi hoàn toàn cuộc sống, bắt đầu với cái máy tính cũ to cồng kềnh được hưởng "xái" từ anh họ gần 20 năm trước, đến những khóa học trực tuyến của Coursera, EdX, YouTube. Tôi nhận ra mình có thể học tập suốt đời, thông qua công nghệ.

Cuộc đời tôi được thay đổi bởi hai yếu tố này nên tôi muốn những bạn nhỏ khác cũng vậy. Công nghệ giáo dục là sự thay đổi tất yếu, nhưng đang gặp phải nhiều vấn đề. Ở phần này, tôi đề cập đến những khó khăn mà các giáo viên gặp phải khi dạy trực tuyến trong bối cảnh Covid-19 phức tạp, từ thiếu hụt thiết bị đến việc bị thoát khỏi lớp học Zoom nhiều lần trong một tiết học 45 phút.


Hiểu biết về Fulbright

Đây là câu trả lời tôi không ưng ý nhất. Đại ý, tôi chỉ nói về kiến thức, trải nghiệm của mình trong giáo dục nông thôn tại Việt Nam, Thái Lan và Campuchia. Đây là ba quốc gia tôi đã có cơ hội trải nghiệm công việc giảng dạy. Tôi hy vọng chia sẻ được những trải nghiệm thực tiễn của mình về công cuộc cải tiến giáo dục nông thôn tại các nước đang phát triển đối với bạn bè và thầy cô nước ngoài.

Do đã muộn giờ, dù cũng soạn ra những dự định của mình về mảng thúc đẩy văn hóa và những điều tôi có thể làm cho những bạn muốn apply học bổng Fulbright, tôi không chia sẻ được thêm.

Rút kinh nghiệm từ cuộc phỏng vấn của mình, tôi nghĩ ứng viên nên chia sẻ hiểu biết của mình về Fulbright trước, bằng cách dụng công tìm hiểu như khi trả lời câu hỏi "Vì sao muốn đến Mỹ mà không phải nơi khác?", "Vì sao là ngành này mà không phải ngành khác?". Tiếp đó, hãy đề cập trực tiếp tới những gì bạn nghĩ mĩnh sẽ học được nếu trúng tuyển học bổng này, rồi chỉ ra điều mình có thể đóng góp. Fulbright là học bổng chú trọng yếu tố trao đổi văn hóa, hãy tận dụng khía cạnh này để thể hiện mong muốn kết nối, hỗ trợ sự giao lưu, tương tác giữa cộng đồng hai nước Việt-Mỹ.

Tự đánh giá, tôi thấy mình đã kết nối được với giám khảo bằng sự chân thực, đời thường trong những câu chuyện cá nhân, đồng thời thuyết phục được hội đồng nhờ sự chuẩn bị kỹ lưỡng, mạch lạc, thống nhất trong kế hoạch học tập, làm việc sau khi hoàn thành chương trình ở Mỹ.


Võ Ngọc Thuỳ Dung

Chia sẻ Facebook