Cách Trung Quốc biến ngành công nghiệp ô tô của mình từ 'copy' thành 'tay chơi' toàn cầu
Ngành công nghiệp ô tô của Trung Quốc phát triển chưa phải quá lâu, nhưng trong 20 năm qua, họ đã cố gắng vươn lên, thay đổi 180 độ từ việc chuyên 'sao chép' các thương hiệu khác đến trở thành tên tuổi dẫn đầu ngành.
Trong một video mới trên YouTube, nhà thiết kế ô tô nổi tiếng Frank Stephenson đã có những lý giải với dòng thời gian của ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc.
Để chứng minh cuộc khủng hoảng mà thị trường xe hơi Trung Quốc đang gặp phải vào đầu những năm 2000, Stephenson xem xét một số loại xe không chỉ hướng về phương Tây để lấy cảm hứng mà về cơ bản được bắt nguồn từ thiết kế của chúng.
Ví dụ, Shuanghuan SCEO SUV đã sản xuất từ hơn 10 năm trước của họ thậm chí còn kinh khủng hơn khi sẵn sàng dùng bộ khung phần cứng của Toyota Land Cruiser Prado đời 3 (thể hiện rõ qua đèn pha và vóc dáng mũi xe) lai tạp với thiết kế BMW X5 đời đầu, thậm chí chính ông còn gặp khó khăn khi phân biệt hai chiếc xe.
Chiếc SCEO này thậm chí còn "táo bạo" hơn khi sẵn sàng đóng logo BMW lên chiếc xe đạo nhái đồng thời độ thêm vài chi tiết như tản nhiệt hay thềm xe.
Trái ngược với những gì bạn có thể nghĩ, người tiêu dùng Trung Quốc lại không phải là fan hâm mộ của các thiết kế bắt chước, điều này thực sự đã khiến một số nhà sản xuất phá sản do không bán được hàng.
Khách hàng đang khao khát một thiết kế xe hơi nguyên bản, nhưng phải đến khi thương hiệu Trung Quốc Chery phát hành mẫu A3 Sedan do Pininfarina thiết kế vào năm 2008, người tiêu dùng mới được thỏa mãn mong ước. Có thiết kế vô danh nhưng chiếc xe này đã bán rất chạy và là bước ngoặt lớn của ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc.
Mẫu Chery A3 là dấu ấn lớn trong ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc.
Tiến nhanh đến kỷ nguyên hiện đại và các nhà sản xuất như BYD có thể tạo sự khác biệt trên thị trường bằng cách đưa ra những thiết kế độc đáo, đồng thời có ngôn ngữ thiết kế gắn kết trên toàn bộ dòng xe của họ.
Hãng sản xuất xe điện lớn nhất tại Trung Quốc BYD cho biết kể từ tháng trước họ đã ngừng sản xuất xe sử dụng động cơ đốt trong và hiện chỉ sản xuất xe thuần điện và xe plug-in hybrid.
"Trong tương lai, BYD sẽ tập trung vào các dòng xe thuần điện và xe plug-in hybrid trong lĩnh vực ô tô", công ty cho biết trong một tuyên bố gửi lên Sở Giao dịch Chứng khoán Hong Kong hôm 3/4.
BYD sẽ không hoàn toàn ngừng sản xuất động cơ xăng vì các động cơ cỡ nhỏ, hiệu suất cao sẽ tiếp tục được sử dụng trong các mẫu xe plug-in hybrid. Động thái này nhằm đáp lại cam kết của Bắc Kinh sẽ thúc đầy tiêu thụ năng lượng xanh để đưa lượng khí thải carbon lên mức đỉnh điểm vào năm 2030.
BYD nằm trong số 6 nhà sản xuất ô tô, gồm những cái tên như Volvo, Ford, General Motors, Mercedes-Benz, Jaguar Land Rover, đã đăng ký chiến dịch toàn cầu nhằm loại bỏ dần các loại xe sử dụng động cơ đốt trong vào năm 2040.
Các nhà sản xuất khác như Hongqi bắt đầu tuyển dụng các nhà thiết kế nổi tiếng trong thế giới ô tô hạng sang như Giles Taylor của Rolls Royce và Walter De Silva của Volkswagen.
Hongqi có các mẫu xe với thiết kế sang trọng không kém Rolls Royce là bao.
Không chỉ có bước tiến lớn ở kiểu dáng, kỹ thuật các phương tiện của Trung Quốc cũng phát triển vượt bậc. Ví dụ, mẫu Nio EP9 do Trung Quốc sản xuất hiện là mẫu xe điện nhanh nhất chạy vòng quanh Nurburgring với thời gian vòng chạy là 6 phút 45,9 giây.
Có lẽ thú vị nhất trong số các loại xe được sản xuất tại Trung Quốc là Wuling Mini EV, chỉ có giá khoảng 4.500 USD và hiện đang bán chạy hơn Tesla Model 3 tại thị trường trong nước.
Stephenson kết thúc video của mình bằng cách nhấn mạnh rằng ông không thể tin được khi chứng kiến sự phát triển của toàn bộ ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc, từ việc sao chép thiết kế từ các thương hiệu khác đến việc trở thành một thế lực đáng gờm, đang được đánh giá cao trên trường toàn cầu.
Tham khảo: Carscoops
Khánh Vy
Nhịp sống kinh tế