Cách sơ cứu khi bị rắn độc cắn, tránh tử vong
Sau khi bị rắn độc cắn, bệnh nhân cần được xử trí và cấp cứu kịp thời để hạn chế tình trạng hoại tử chi thể, rối loạn đông máu, nhiễm trùng, thậm chí tử vong.
Nguy kịch sau khi bị rắn độc cắn
Gần đây, một bé trai 3 tuổi ở Nghệ An đã phải nhập viện cấp cứu sau khi bị rắn độc cắn khi đang ngủ ở nền nhà.
Báo Vietnamnet đưa tin, khi đang ngủ ở nền nhà, bé trai bị một con rắn sọc đen sọc trắng cắn vào tay phải. Khi phát hiện con bị rắn cắn, gia đình đưa trẻ đến nhà thầy lang gần nhà đắp thuốc lá, song 1 giờ sau, bé bị sụp mi, giãn đồng tử 2 bên, nói khó, liệt tứ chi, liệt cơ hô hấp tiến triển. Sau khi được đưa đến bệnh viện địa phương cấp cứu, đặt nội khí quản, trẻ được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) hôm 25/7.
Thông qua hình ảnh con rắn chụp lại qua điện thoại do gia đình cung cấp, bác sĩ xác định trẻ bị rắn cạp nia miền Bắc cắn.
Bệnh nhi được truyền 10 lọ huyết thanh kháng nọc rắn đa giá. Sau hơn 2 tuần điều trị tích cực, đến ngày 10/8, trẻ tỉnh, có nhiều nhịp tự thở, biết thực hiện các động tác theo yêu cầu, kết quả điện não đồ bình thường. Vài ngày tới, trẻ có thể được rút máy thở.
Cũng trong tháng 7/2023, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận bé trai V.T. (28 tháng tuổi, Tuyên Quang) trong tình trạng suy hô hấp, suy tuần hoàn, hôn mê, co giật, hoại tử lan rộng ở cẳng bàn chân trái, có hội chứng chèn ép khoang, tiêu cơ vân… tiên lượng rất nặng.
Tình trạng bệnh nhi sau 2 tuần điều trị. Ảnh: Vietnamnet.
Theo thông tin trên báo Dân Trí, đêm 25/7, khi bé V.T đang nằm ngủ dưới nền nhà cùng gia đình thì bị rắn cắn vào ngón cái bàn chân trái. Sau khi bị cắn, bệnh nhi đau và quấy khóc, gia đình phát hiện 1 con rắn trong gầm giường gần đó và đã đánh chết rắn, không lưu lại hình ảnh.
Biết là rắn độc, gia đình đã đưa bệnh nhi đến nhà một thầy lang lấy thuốc về đắp. Sau 1 ngày đắp thuốc, bàn chân bệnh nhi sưng nề, hoại tử lan lên tới đùi, co giật toàn thân, tới lúc này, gia đình mới hốt hoảng đưa trẻ đi cấp cứu.
Trẻ được đưa vào Bệnh viện đa khoa tình trong tình trạng suy hô hấp, suy tuần hoàn, hôn mê, liệt cơ hô hấp. Các bác sĩ nhanh chóng cấp cứu, liên hệ hội chẩn với các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương.
Khoảng 36 tiếng sau khi bị rắn cắn, bé V.T được đưa tới Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng nguy kịch. Dựa trên đặc điểm vết cắn, tính chất sưng nề, hoại tử tiến triển, kèm theo liệt cơ hô hấp, các bác sĩ hướng đến trẻ bị rắn hổ đất cắn.
Ngay trong đêm, bệnh nhi được truyền 40 lọ huyết thanh kháng nọc rắn hổ và thở máy, hỗ trợ tuần hoàn...
Sau 4 ngày điều trị, bệnh nhi được rút ống nội khí quản, tỉnh táo, hồi phục hoàn toàn về sức cơ, cẳng bàn chân trái đỡ sưng nề, vận động tốt. Tuy nhiên, ngón cái bàn chân trái bị rắn cắn đã hoại tử khô, có thể cần phẫu thuật cắt bỏ.
Chưa hết, vào ngày 1/8, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận bệnh nhi N. Q.H (13 tuổi, Thái Nguyên).
Báo Công an Nhân dân đưa tin về trường hợp này cho biết, bé N. Q.H bị rắn lục cắn khi đang đi lao động. Sau khi được sơ cứu tại bệnh viện tuyến huyện, bệnh nhi được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương. Ngay lập tức, bệnh nhi được truyền 10 lọ huyết thanh kháng nọc rắn lục tre, truyền Plasma tươi và chăm sóc tích cực. Sau 1 ngày điều trị, tình trạng cháu ổn định và được xuất viện.
Cách sơ cứu khi bị rắn độc cắn
Theo BSCKII Phạm Thị Thanh Tâm - Bệnh viện Nhi Trung ương, mùa hè là mùa rắn sinh sôi, phát triển, xảy ra nhiều nhất từ tháng 4 đến tháng 11 và cũng là thời điểm số bệnh nhi bị rắn cắn thường có xu hướng tăng, đặc biệt là tại các địa phương gần vùng sông nước, đồi núi.
Các bệnh nhân thường bị rắn cắn trong hoàn cảnh nằm ngủ trên nền nhà, sinh hoạt gần cánh đồng hoặc các nơi có gia cầm…
Mùa hè là mùa rắn sinh sôi, phát triển.
Đặc biệt, khi thấy người bị rắn độc cắn hoặc nghi ngờ rắn độc cắn, chúng ta cần thực hiện các biện pháp sơ cứu đúng cách như sau:
- Động viên, trấn an, để bệnh nhân nằm yên. Đặt nơi bị cắn thấp hơn so với tim để hạn chế hấp thu nọc độc.
- Rửa sạch vết thương bằng xà phòng và nước muối sinh lý.
- Dùng một miếng gạc khô và sạch để băng kín vùng bị cắn.
- Băng ép tại chỗ cắn lên tới gốc chi, băng tương đối chặt nhưng vẫn còn sờ thấy mạch đập, không garô động mạch
- Dùng nẹp cứng để cố định chi
- Duy trì băng ép, bất động chi và vận chuyển kịp thời người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất.
- Cung cấp hình dạng, màu sắc hoặc ảnh chụp con rắn cho bác sĩ để dễ dàng nhận biết loại rắn, nhằm có biện pháp cấp cứu kịp thời.
Để phòng nguy cơ rắn cắn, nên tránh tới những nơi có thể có rắn như những khu vực có cỏ cao, bụi cây um tùm, hang có nhiều gạch đá, khu vực gần chuồng gia cầm.
Khi đi trên cỏ rậm hoặc vườn cây có nhiều lá khô nên mang giày ống cao và mặc quần dài phủ ra ngoài giày. Tránh ra vườn sau mưa rào, trời tối, tránh nằm dưới nền nhà.
Mời độc giả xem thêm video: 'Thót tim' giải cứu người đàn ông bị rắn hổ mang chui vào trong áo