Cách nhìn người và dùng người của 5 danh nhân lịch sử
Trong cuộc đời mỗi người, vô luận là kết giao bạn bè hay trong tìm đối tác làm ăn, kết giao nhầm người không chỉ khiến bản thân mệt mỏi, lụn bại, mà còn có thể gặp phải tai ương. Con người có nhiều mặt, tự biết mình không dễ, muốn nhìn người lại càng khó thay. Các bậc trí giả từ xưa đến nay đều lưu lại rất nhiều câu danh ngôn về thuật nhìn người và dùng người.
Khương Tử Nha
Công thần bậc nhất của nhà Chu, Khương Tử Nha, bàn về thuật nhìn người như sau: “Đưa ra vấn đề hóc búa để xem cái dũng của họ; chuốc cho họ say để xem tâm thái của họ”.
Nêu ra vấn đề để đối phương giải đáp thì có thể xem xét năng lực của họ, truy hỏi vấn đề để xem khả năng ứng biến của họ. Đối với những điều nan giải, người thiếu trách nhiệm sẽ nói quá lên, người tự ti sẽ không dám đưa ra giải pháp, người tài năng thì cách suy nghĩ như thiên mã hành không, người dũng mãnh sẽ bộc trực… Từ đó mà có thể hiểu được tính cách của họ.
Muốn biết đối phương có thể làm chủ được mình không thì hãy quan sát khi họ thiếu khả năng kiểm soát được bản thân nhất. Bậc trí giả không để bản thân rơi vào cảnh say xỉn, nếu có lỡ sơ suất thì cũng vẫn chừng mực, bởi lễ nghi lời nói cử chỉ qua thời gian lâu dài đã trở thành thói quen, bởi thường mang thiện niệm đã trở thành phẩm chất, điều bộc lộ ra vẫn là có quy củ, có khiêm cung.
Lã Bất Vi
Tướng quốc, thương nhân nổi tiếng Lã Bất Vi cũng để lại hai cách nhìn người: “Vui thì xem khả năng tiết chế; sợ hãi thì xem mức độ kiên trì.”
Xưa kia Thuần Vu Khôn can gián Tề Uy Vương về chuyện uống rượu, có nói rằng: “Rượu quá hóa loạn, vui quá hóa buồn, muôn việc đều thế” , bởi khi quá vui thì con người thường không có khả năng tiết chế, cũng dễ để lộ những gì thường nghĩ hoặc những thiếu sót chưa trừ bỏ trong tâm. Bởi vậy kẻ trí dẫu vui cũng biết tiết chế, không để bản thân làm ra điều thất lễ, hối hận không kịp.
Người vì sợ hãi mà không dám nói lên lời công đạo, thậm chí bán đứng người khác thì không đáng để kết giao. Người đứng trước sợ hãi có thể dám đối mặt kiên trì thì đó là người dũng cảm. “Xưa nay hỏi có ai không chết, Hãy để lòng son chiếu sử xanh” , người có thể coi chết như về, duy hộ chính nghĩa và lương tri bất chấp sinh tử thì là kẻ sĩ khí tiết muôn phần đáng trọng.
Gia Cát Lượng
Nhà quân sư nổi tiếng Gia Cát Lượng để lại hai cách nhìn người: “Hỏi họ chuyện thị phi, để xem chí hướng của họ; giao việc cho họ để xem chữ Tín của họ.”
Muốn phán đoán một người có đáng được trọng dụng hay không, trước tiên cần hiểu được lập trường, quan điểm của người đó. Phàm những người hàm hồ, không có chủ kiến trước phải trái đúng sai, thì không thể ủy thác trọng trách cho họ. Những người ấy chỉ quen đón ý người khác, không có thực lực.
Khi thương lượng với đối phương, thì thử xem họ có thể giữ uy tín hay không. “Người nói lời mà không giữ lời thì không biết họ có thể làm được gì” (Luận Ngữ). Một người không có trách nhiệm thì tất nhiên sẽ không đáng được người khác tin tưởng. Cho nên xét xem một người có thành tín hay không, không nằm ở việc họ nói như thế nào, mà là nhìn hành động họ làm ra sao.
Lúc nguy nan sẽ nhìn rõ nhất nhân phẩm, tiết tháo một người
Tư Mã Quang
Nhà sử học kiệt xuất thời Bắc Tống Tư Mã Quang nói về thuật dùng người như sau: “Cách lựa chọn nhân tài là nếu không tìm được bậc thánh nhân, thì có thể ủy thác cho người quân tử, thà rằng giao cho kẻ ngốc cũng không giao cho kẻ tiểu nhân.”
Người quân tử dùng tài năng của mình vào việc thiện, kẻ tiểu nhân lại thường dùng mưu mô để làm việc ác. Người tài làm việc thiện, ắt sẽ hành thiện khắp nơi, dựa vào xảo trá mà hành ác, thì không việc ác nào không làm.
Kẻ ngốc dẫu nghĩ hết cách làm việc ác, nhưng do trí tuệ không đủ, khí lực không sâu, nên hậu quả vẫn có thể khắc phục. Kẻ tiểu nhân mưu mô xảo quyệt, muốn hành ác, lại có đủ lực lượng hành ác sẽ như hổ mọc thêm cánh, mà trở nên ngang ngược, lộng hành hơn.
Tăng Quốc Phiên
Danh thần nhà Thanh, Tăng Quốc Phiên, bàn rằng: “Chính tà xem mắt mũi; muốn biết có quy củ hay không, hết thảy đều ở trong ngôn từ.”
Người gian xảo thì biểu cảm khuôn mặt không ngay chính, khi tính chuyện thị phi thì mắt nhìn xéo liếc ngang, biểu hiện rất rõ ràng. Khoa học hiện đại cũng thừa nhận rằng khi con người làm điều xấu thì xuất hiện nhiều biểu hiện phổ biến trên khuôn mặt và thái độ.
Người có trách nhiệm thì lời nói ra thận trọng. “Nước sâu chảy chậm, người tôn quý ăn nói từ tốn” , người có tu dưỡng dẫu ở hoàn cảnh nào cũng vẫn ung dung tự tại, khi bị mắng chửi cũng không mắng chửi lại, gặp điều khó thì cân nhắc cho người khác, dám gánh vác trách nhiệm mà lại không nói thuyết tùy tiện.
Theo Vision Times tiếng Trung
Thiên Cầm biên tập
Cổ nhân duy hộ sự trung thực của lịch sử
Mời xem video :